Nhiều cảng, bến dừng hoạt động
Ghi nhận của PV Báo Giao thông, gần một tuần này, tàu chở vật liệu xây dựng của anh Tư Thiện chạy từ Kiên Giang đến Cà Mau phải neo đậu ở gần cầu Khánh An (sông Ông Đốc, Cà Mau) vì các bến thủy nhận hàng đều đóng cửa.
Không biết khi nào tàu mới chạy tiếp được nên thuyền viên này đi xét nghiệm Covid-19 để xin đi nhờ tàu khác để về nhà ở khu vực chợ Ba Đình (huyện Vĩnh Thuận, Kiên Giang) nhưng không được.
Hiện phần lớn phương tiện, cảng, bến thủy khu vực phía Nam đang tạm dừng hoạt động - Ảnh: internet
“Tôi chuẩn bị sẵn giấy xét nghiệm âm tính Covid-19 để đi nhờ, nhưng đến khi giấy xét nghiệm quá hạn vẫn không nhờ được ai. Các tàu quen khác đều nói cũng đang neo đậu một chỗ. Có tàu bảo phải xin được giấy phép đi đường của nơi về mới dám cho đi cùng để khỏi bị phạt”, thuyền viên Tư Thiện kể.
Theo chia sẻ của các thuyền viên, hiện nhiều phương tiện thủy, thuyền viên khu vực phía Nam đang phải dừng hoạt động để tránh dịch Covid-19. Nhiều cảng, bến thủy cũng dừng hoạt động nên phương tiện không thể hoạt động.
“Đến đâu cũng yêu cầu phải có giấy xét nghiệm âm tính với Covid-19, nhưng giấy chỉ có hạn 3 ngày, trong khi có chuyến đi dài hơn 3 ngày, đến nơi đã hết hạn giấy xét nghiệm mà tại cảng, bến không có chỗ xét nghiệm. Muốn lên bờ để xét nghiệm thì không có giấy tờ để đi qua chốt kiểm dịch”, thuyền viên Bùi Thái than.
Cảng vụ Đường thủy nội địa khu vực III cho biết, từ khi thực hiện giãn cách xã hội đến nay, tại 8 địa phương phía Nam do đơn vị quản lý, trung bình mỗi ngày chỉ 40-50 cảng, bến (trong tổng số hơn 1.100 cảng, bến) hoạt động. Số lượt phương tiện vào, rời cảng cũng chỉ từ vài chục đến hơn 100 lượt.
“Từ ngày 19/7 - 31/8, tuyến vận tải luồng xanh chở nông sản, hàng hóa thực phẩm thiết yếu từ Tiền Giang để cung ứng cho TP.HCM chỉ có 7 lượt tàu hoạt động, với 113 tấn hàng hóa”, Cảng vụ ĐTNĐ khu vực III cho biết thêm.
Theo Cảng vụ Đường thủy nội địa khu vực IV, các tuyến đường thủy quốc gia thuộc 10 tỉnh, thành do đơn vị quản lý đều thông thoáng, nhất là tuyến trọng điểm Quản Lộ - Phụng Hiệp (từ Hậu Giang, Sóc Trăng và Bạc Liêu đi Cà Mau và ngược lại). Tuy nhiên, ảnh hưởng của dịch Covid-19 khiến phần lớn trong số hơn 1.800 cảng, bến thủy do đơn vị quản lý đang tạm dừng hoạt động.
“Các cảng, bến thuộc phạm vi quản lý của 4 Đại diện cảng vụ đường thủy tại: Bạc Liêu, Trà Ôn (Vĩnh Long), Rạch Giá (Kiên Giang), Ngã Bảy (Hậu Giang) đều dừng hoạt động. Còn tại khu vực 12 Đại diện còn lại quản lý chỉ có 47 cảng, bến thủy hoạt động, với 170 phương tiện vào, rời cảng bến”, đại diện Cảng vụ ĐTNĐ khu vực IV thông tin.
Các địa phương cần tổ chức xét nghiệm Covid-19 tại cảng, bến thủy đầu mối - Ảnh: Cảng vụ ĐTNĐ khu vực II
Đề xuất doanh nghiệp tự test nhanh Covid-19
Trao đổi với Báo Giao thông, lãnh đạo Cảng vụ ĐTNĐ khu vực III và IV cho biết, hầu hết các cảng, bến thủy đều thực hiện nghiêm các quy định về phòng, chống dịch của Bộ Y tế, Bộ GTVT và chính quyền địa phương. Lực lượng cảng vụ cũng tạo điều kiện tối đa cho phương tiện vào, rời cho phương tiện thủy vào rời, cảng, bến bằng việc cấp phép từ xa và qua chủ bến (người đại diện).
Tuy nhiên, bất cập hiện nay là phần lớn các địa phương chưa có bố trí trạm test nhanh Covid-19 cho phương tiện thủy tại cảng bến theo hướng dẫn của Bộ Y tế tại công văn 5886 ngày 22/7/2021. Việc xét nghiệm trên bờ cũng rất khó khăn.
Trong khi đó, các địa phương đang quản lý rất chặt chẽ người tham gia giao thông, khi di chuyển trên đường bộ phải có giấy giới thiệu của cơ quan để qua chốt kiểm dịch. Do đó, việc thuyền viên khi cập cảng, bến nếu muốn đi đến cơ sở y tế để xét nghiệm rất khó. Điều này khiến nguy cơ thời gian tới gia tăng mạnh số lượng cảng, bến và phương tiện thủy tạm dừng hoạt động, nhất là mặt hàng chủ lực cát, đá, vật liệu xây dựng.
“Hiện một số địa phương đã khuyến khích người dân tự mua và tự test Covid-19 để theo dõi sức khỏe. Vì vậy, để tạo thuận lợi cho vận tải thủy, Bộ Y tế nên cho phép thuyền viên, doanh nghiệp được tự thực hiện việc test nhanh Covid-19 và công nhận kết quả này trong thời gian nhất định và trong phạm vi hẹp”, lãnh đạo Cảng vụ ĐTNĐ III đề xuất.
Lãnh đạo Phòng Vận tải - ATGT, Cục Đường thủy nội địa VN cũng cho biết, các địa phương cần tổ chức xét nghiệm nhanh Covid-19 tại các trạm kiểm soát liên ngành trên sông. Đồng thời, triển khai thực hiện theo quy trình vận tải luồng xanh đường thủy liên tỉnh và địa phương đã được Bộ GTVT ban hành để tạo thuận lợi tối đa cho vận tải hàng hóa bằng đường thủy trong mùa dịch Covid-19.
Thuyền viên trên hành trình được gia hạn giấy xét nghiệm Covid-19
Theo Phòng Vận tải - ATGT, Cục Đường thủy nội địa VN, nội dung quy trình vận tải hàng hóa bằng đường thủy trong điều kiện phòng, chống dịch Covid-19 (được Bộ GTVT hành kèm Quyết định số 158, ngày 27/8/2021) nêu rõ:
UBND cấp tỉnh chỉ đạo cơ quan liên quan tại địa phương bố trí test nhanh Covid-19 tại chỗ hoặc phương tiện test nhanh lưu động tại các chốt kiểm soát dịch và tại cảng, bến thủy đầu mối.
Phương tiện thủy khi đang trên hành trình mà giấy xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 của thuyền viên hết hiệu lực, trong trường hợp không có test nhanh tại chỗ hoặc test nhanh lưu động thì được kéo dài thời gian hiệu lực của giấy xét nghiệm đến khi phương tiện cập cảng, bến nội địa gần nhất.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận