Hiện chưa có thống kê, đánh giá của các cơ quan chức năng về chất lượng thiết bị xếp dỡ tại cảng, bến thủy (Trong ảnh: Thiết bị xếp dỡ hàng hóa trên tuyến sông Hồng) |
Thiết bị chưa kiểm định, người vận hành “tự học”
Bến thủy nội địa chuyên bốc xếp vật liệu xây dựng, than của doanh nghiệp H.X trên sông Hồng thuộc địa bàn xã Cẩm Đình, huyện Phúc Thọ, Hà Nội bắt đầu hoạt động từ những năm 1990, đến nay có diện tích mặt bằng lên đến hàng chục nghìn mét vuông. Tại bến thường xuyên có 1 máy xúc gắn trên ụ nổi để chuyển hàng từ tàu lên băng chuyền, cùng 2-3 máy trên bờ xúc hàng vào xe tải.
Cách đây 2 năm, Đoàn thanh tra liên ngành của Hà Nội đã kiểm tra, lập biên bản vi phạm do các thiết bị bốc dỡ không có chứng nhận đăng kiểm. Trong đợt này, đơn vị đăng kiểm đi cùng hướng dẫn, đề nghị chủ bến thực hiện các thủ tục để kiểm định phương tiện. Tuy vậy, đến nay chủ bến vẫn chưa liên hệ để kiểm định phương tiện. Đáng nói, đây cũng là bến đã hết hạn giấy phép hoạt động, nhưng do chưa hoàn thành các thủ tục về đất làm mặt bằng bến nên vẫn chưa được Sở GTVT Hà Nội gia hạn giấy phép hoạt động bến thủy.
Theo ông Vũ Anh, Trưởng phòng Công nghiệp (Cục Đăng kiểm VN), tại các cảng thủy, cơ sở đóng mới phương tiện thủy có nhiều phương tiện, thiết bị khác nhau được quy định phải kiểm định chất lượng an toàn kỹ thuật. Nghị định cũng phân công rõ trách nhiệm của các bộ, ngành trong việc kiểm soát chất lượng an toàn kỹ thuật các loại phương tiện, thiết bị. Trong đó, có những thiết bị xếp dỡ hàng tại cảng, cơ sở đóng mới, trên phương tiện thủy... thuộc đối tượng kiểm soát chất lượng kỹ thuật theo quy chuẩn của ngành GTVT. Theo Thông tư 09 của Bộ GTVT ban hành Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về thiết bị nâng trên các phương tiện thủy nội địa của Bộ GTVT, có hiệu lực thi hành từ 28/9/2017, các thiết bị như gầu xúc, cần trục, cầu xe... trên phương tiện thủy phải có chứng nhận an toàn kỹ thuật; người vận hành phải qua đào tạo. |
Ông H., chủ bến cho biết: “Các máy xúc khi mua về đều là máy cũ và đã được các lực lượng thanh tra, cảng vụ tuyên truyền phải kiểm định như tàu chở hàng, xe ô tô. Tuy nhiên, chúng tôi đang chờ bến có giấy phép để... làm một thể”.
Một chủ bến khác cũng trên địa bàn xã Cẩm Đình cho biết, bến có 3 máy xúc, máy cẩu nhưng chỉ bảo dưỡng, sửa chữa, còn chưa khi nào gọi các cơ quan đăng kiểm đến kiểm định các thiết bị này. Ngay cả người lái máy xúc, máy nâng cũng học trực tiếp từ người có kinh nghiệm chứ chưa qua lớp đào tạo bài bản nào.
Ngoài địa bàn trên, theo tìm hiểu của PV Báo Giao thông, chỉ riêng trên tuyến sông Hồng đoạn giáp ranh Hà Nội, Vĩnh Phúc, sông Đà hiện có khoảng 60 cảng, bến thủy trong tình trạng đã hết hạn giấy phép hoạt động và tất cả các thiết bị xếp dỡ, cẩu hàng hóa cũng chưa được chứng nhận kiểm định. Đây cũng là tình trạng khá phổ biến ở một số tuyến sông như sông Công (đoạn giáp ranh Hà Nội, Thái Nguyên), sông Đào (Nam Định)...
Khi chứng kiến những chiếc gầu xúc, cần cẩu cũ kỹ hoạt động, không ai dám chắc về mức độ an toàn. Theo ông Lê Hồng Tiến, Giám đốc Chi cục Đăng kiểm số 1, thời gian qua đơn vị cũng đã tuyên truyền đến các chủ cảng, bến về việc kiểm định thiết bị xếp dỡ tại các cảng, bến thủy, thiết bị nâng trên phương tiện thủy nhưng chưa thấy đơn vị nào đề nghị đến kiểm định.
Cần liên ngành phối hợp kiểm soát
Tại cuộc họp tổng kết liên ngành bảo đảm trật tự ATGT đường thủy trên tuyến sông Hồng do Cục Cảnh sát giao thông - Đường thủy - Đăng kiểm tổ chức mới đây, đại diện Phòng CSGT Công an tỉnh Vĩnh Phúc thông tin, đa số các thiết bị bốc xếp hàng hóa tại các bến bãi kinh doanh, tập kết cát, sỏi tại địa phương không đảm bảo tiêu chuẩn về an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường, phương tiện hoạt động trong bến, bãi không có đăng ký, đăng kiểm…
Đây cũng là thực tế không riêng ở địa phương nào, bởi theo lãnh đạo một số chi cục đăng kiểm, hầu như không có đơn vị khai thác cảng, bến hoặc chủ các thiết bị xếp dỡ (như máy xúc, máy gạt, nâng, thiết bị nâng gắn trên phương tiện thủy hoạt động tại các bến...) đề nghị kiểm định chất lượng phương tiện. Ông Bùi Đức Dũng, Giám đốc Chi cục Đăng kiểm số 10 cho biết, đơn vị cũng gửi nhiều văn bản đến các cảng, bến song không nhận được phản hồi; trong khi đơn vị đăng kiểm chỉ có thể tuyên truyền, vận động việc thực hiện theo các quy định của pháp luật.
Ông Nguyễn Vũ Hải, Phó cục trưởng Cục Đăng kiểm VN cũng thẳng thắn: “Tồn tại bấy lâu nay là vấn đề thiết bị xếp dỡ hàng hóa (máy xúc, máy gạt, máy nâng) phần lớn không được kiểm định, nhiều người điều khiển không có bằng theo quy định. Hầu hết, cẩu chân đế không có giấy chứng nhận đăng kiểm, không có hồ sơ thiết kế. Đây là những bất cập trong công tác quản lý nhà nước khiến việc xử lý gặp nhiều khó khăn”, ông Hải nói và cũng chỉ đạo các chi cục đăng kiểm tăng cường công tác tuyên truyền, vận động các chủ cảng bến, thiết bị thực hiện việc kiểm định.
Theo ông Bùi Đức Dũng, Giám đốc Chi cục Đăng kiểm số 10, để giải quyết tình trạng trên, cần có sự phối hợp của liên ngành bảo đảm trật tự ATGT đường thủy các địa phương để thống kê, đưa vào quản lý chất lượng các thiết bị xếp dỡ hành hóa và đào tạo người vận hành, điều khiển, cũng như kiểm tra, xử lý vi phạm nhằm phòng ngừa các tai nạn đáng tiếc có thể xảy ra.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận