Còn nhiều điểm yếu
Theo dự thảo Quy hoạch TP. Hải Phòng thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050 đang được UBND TP. Hải Phòng lấy ý kiến, kinh tế biển Hải Phòng hiện có nhiều điểm yếu cần khắc phục. Trong đó, với cảng biển, hạn chế lớn nhất là manh mún trong tổ chức, không hình thành được hệ thống logistics hiện đại và không giảm được chi phí logistics trên mỗi đơn vị hàng hóa.
Việc phát triển kinh tế biển của Hải Phòng còn nhiều vướng mắc. Ảnh: CHP
Hiện tại, Hải Phòng có 5.760 đơn vị kinh doanh vận tải hàng hóa, 24.600 phương tiện vận tải hàng hóa (chưa kể các phương tiện vận tải hàng hóa từ các tỉnh thành khác tập trung về khu vực cảng để chuyên chở hàng hóa), chủ yếu tập trung trên một mặt bằng xung quanh các bến cảng và khu phố cổ, phân tán ở 60 kho bãi lớn (chỉ có 3 kho có diện tích hơn 10 ha) và hàng chục các điểm tập kết thu gom hàng lẻ, kho chứa hàng hóa thông thường và kho lạnh khác.
Sự phân tán, nhỏ lẻ, chật chội, kẹt xe, ách tắc và cạnh tranh lẫn nhau khiến hoạt động logistics khu vực cảng chưa thành được một hệ thống thống nhất, hiện đại, thông suốt. Đồng thời, giá thành dịch vụ logistics cao đang là điểm nghẽn lớn trong dịch vụ cảng biển ở Hải Phòng, chưa tính kết nối giữa dịch vụ cảng biển với các loại giao thông khác và hệ thống các cảng cạn nội địa phía sau.
Ngoài ra, việc xây dựng cảng nước sâu Lạch Huyện đang vướng mắc cả về kỹ thuật, kinh tế và tổ chức. Theo Quyết định số 2973/2014 của Bộ GTVT, giai đoạn 2021 - 2025, Lạch Huyện sẽ có 9 bến cảng, mỗi bến có chiều dài 375m. Tổng lượng hàng thông qua khoảng 35 - 41 triệu tấn/năm. Giai đoạn từ năm 2025 định hướng đến năm 2030, Lạch Huyện sẽ có tổng số 13 - 15 bến, trong đó 10 - 12 bến phục vụ tàu container. Tổng chiều dài bến cảng khoảng 5 - 6 km. Tổng lượng hàng hóa khoảng 76 - 85 triệu tấn/năm.
Hiện nay, cảng Lạch Huyện mới hoàn thành và đi vào sử dụng bến số 1, 2 với chiều dài 750 m. Thực tiễn hoạt động của cảng số 1, 2 cho thấy, nếu theo các thông số trên dựa trên Quy hoạch Phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 được phê duyệt từ gần 10 năm trước (Quyết định số 1037/QĐ-TTg ngày 24/6/2014), chiều dài mỗi bến cảng là 375m, chỉ tiếp nhận được cỡ tàu đến 100.000 DWT (8.000 Teus).
Trong khi theo các nhà chuyên môn, từ năm 2004 đến nay, cỡ tàu từ 12.000 Teus trở lên đã có chiều dài từ 366 - 399m. Đến năm 2023, tàu có chiều dài từ 366 - 399m dự báo sẽ chiếm chủ đạo.
Theo quy hoạch phát triển cảng biển Việt Nam thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 mới được phê duyệt năm 2021, cỡ tàu container tại bến cảng Lạch Huyện có sức chở từ 6.000 Teus đến 18.000 Teus. Do đó, cần thiết phải điều chỉnh lại quy hoạch xây dựng cảng Lạch Huyện để chiều dài mỗi bến phải kéo dài tối thiểu 400m.
Từ đây, Hải Phòng cho rằng cần sớm sửa quy hoạch xây dựng cảng Lạch Huyện theo tiêu chí kỹ thuật mới, thậm chí sửa lại cả bến 1, 2 cũng như toàn bộ hệ thống cảng để giảm bớt chi phí về sau.
Một điểm yếu nữa là hầu hết hoạt động vận tải biển do các công ty nước ngoài đảm nhận. Ðội tàu biển nước ta chủ yếu phù hợp thị trường vận chuyển hàng hóa ven biển nội địa hoặc quốc tế ngắn trong khu vực. Thị trường vận tải hàng xuất, nhập khẩu của Việt Nam chủ yếu do các hãng tàu ngoại chiếm lĩnh. Tỷ lệ đảm nhận của đội tàu trong nước chỉ ở mức 6%. Nếu nâng cao được tỷ phần vận tải biển lên đến 1/3 tổng mức vận tải xuất-nhập khẩu của Việt Nam đi các nước, doanh thu sẽ tăng gấp 5 lần hiện nay.
Quy hoạch gồm nhiều khu bến
Hệ thống cảng biển Hải Phòng được chia thành nhiều khu bến với các chức năng khác nhau. Ảnh minh họa
Trong phương án quy hoạch cảng biển, Quyết định số 1579/QĐ-TTg về việc Phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã phân loại khu vực cảng biển Hải Phòng là nhóm 1, loại cảng biển đặc biệt.
Theo đó, cảng biển Hải Phòng được quy hoạch gồm nhiều khu bến. Khu bến Lạch Huyện có phạm vi quy hoạch gồm vùng đất và vùng nước khu vực đảo Cái Tráp, đảo Cát Hải và Lạch Huyện. Khu bến có chức năng là cửa ngõ kết hợp trung chuyển quốc tế; có các bến container, tổng hợp, hàng rời, hàng lỏng/khí, bến cảng khách quốc tế, bến công vụ, bến cho các phương tiện thủy nội địa.
Khu bến đáp ứng cỡ tàu container với sức chở 6.000 ÷ 18.000 Teus; tàu tổng hợp, hàng rời đến 100.000 tấn, tàu hàng lỏng/khí đến 150.000 tấn; tàu khách đến 225.000 GT.
Khu bến Đình Vũ có phạm vi quy hoạch gồm vùng đất và vùng nước dọc sông Bạch Đằng (từ hạ lưu cầu Bạch Đằng đến thượng lưu cầu Tân Vũ và cửa Nam Triệu). Khu bến có chức năng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội cả nước và liên vùng, cũng như có các bến tổng hợp, hàng rời, container, hàng lỏng/khí.
Cỡ tàu đáp ứng cho tàu tổng hợp, hàng rời, container, hàng lỏng/khí trọng tải đến 20.000 tấn hoặc lớn hơn phù hợp với điều kiện luồng Hải Phòng.
Đối với khu bến sông Cấm - Phà Rừng để phục vụ phát triển kinh tế - xã hội địa phương và vùng phụ cận, có phạm vi gồm vùng đất và vùng nước dọc sông Cấm (từ hạ lưu cầu Kiền đến thượng lưu cầu Bạch Đằng) và vùng nước khu vực luồng Phà Rừng (từ khu vực nhà máy đóng tàu Phà Rừng đến thượng lưu cầu Bạch Đằng).
Khu bến có các bến tổng hợp, hàng rời, container, hàng lỏng/khí và các bến cảng, công trình phục vụ các cơ sở đóng mới, sửa chữa và phá dỡ tàu, đáp ứng tàu trọng tải đến 10.000 tấn hoặc lớn hơn, phù hợp với điều kiện luồng hành hải và tĩnh không công trình vượt sông.
Đối với khu bến này, không phát triển mở rộng, từng bước di dời, chuyển đổi công năng các bến cảng hiện hữu từ khu vực cầu Bạch Đằng đến hạ lưu cảng Vật Cách với lộ trình phù hợp quy hoạch phát triển thành phố Hải Phòng.
Khu bến Nam Đồ Sơn, Văn Úc có phạm vi vùng đất và vùng nước khu vực Nam Đồ Sơn và khu vực sông Văn Úc từ hạ lưu cầu Khuể đến khu vực cửa sông, đảm nhận vai trò cửa ngõ, kết hợp trung chuyển quốc tế, kết hợp phục vụ quốc phòng - an ninh khi có yêu cầu.
Theo quy hoạch, khu bến ưu tiên xây dựng bến cảng phục vụ cụm công nghiệp tại khu vực và bến cảng Trung tâm điện khí phù hợp Quy hoạch tổng thể về năng lượng, Quy hoạch phát triển điện lực và phục vụ di dời các bến cảng trên sông Cấm phù hợp với quy hoạch phát triển không gian đô thị và sử dụng đất của thành phố Hải Phòng.
Khu bến đáp ứng cho tàu container có sức chở đến 18.000 Teus; tàu tổng hợp, hàng rời đến 200.000 tấn, tàu hàng lỏng/khí đến 150.000 tấn; tàu khách đến 225.000 GT tại bến cảng Nam Đồ Sơn; tàu tổng hợp, rời, lỏng/khí đến 10.000 tấn tại bến cảng sông Văn Úc.
Đối với bến cảng huyện đảo Bạch Long Vĩ là đầu mối giao lưu với đất liền, kết hợp phục vụ phát triển kinh tế - xã hội và quốc phòng - an ninh.
Ngoài ra, các bến phao, khu neo đậu chuyển tải sẽ tại khu vực Bạch Đằng, Bến Gót, Lan Hạ cho tàu trọng tải 7.000 - 50.000 tấn. Các khu neo đậu tránh, trú bão được quy hoạch trên sông Bạch Đằng, Bến Lâm, Vật Cách (sông Cấm), vịnh Lan Hạ, Hòn Dấu, Bến Gót, Ninh Tiếp, Lạch Huyện và khu vực khác có đủ điều kiện.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận