Số hàng tồn đọng lâu ngày lên đến hơn 6.750 container, ảnh hưởng nghiêm trọng đếnmặt bằng và kinh doanh của cảng Hải Phòng - Ảnh: Trần Hải |
Đặc biệt từ cuối năm 2015, Quốc hội đã thông qua Bộ luật Hàng hải sửa đổi, kỳ vọng sẽ đưa Việt Nam là quốc gia mạnh về biển.
Tuy nhiên, những năm gần đây, các cảng biển nước ta vẫn chưa có nhiều đột phá, chưa muốn nói là phát triển chậm chạp và tồn tại nhiều bất cập.Các chính sách về cảng biển sau khi Bộ luật Hàng hải sửa đổi chính thức có hiệu lực vẫn chậm triển khai vào thực tế. Sự phối hợp, liên thông giữa các bộ, ngành, cơ quan liên quan tại cảng còn bộc lộ nhiều bất cập.
Điển hình nhất là tình trạng tồn đọng hàng chục nghìn container tại các cảng biển lớn của Việt Nam, đang làm đau đầu không chỉ các doanh nghiệp, cảng mà còn của cả các cơ quan quản lý Nhà nước. Thực trạng này đã diễn ra từ nhiều năm trước tại cảng Hải Phòng, Cát Lái nhưng chỉ với số lượng container tồn đọng nhỏ, vài trăm đến vài nghìn chiếc. Tuy nhiên, trong một thời gian dài, cơ chế xử lý quá chậm chạp khiến số lượng container ách tắc ngày càng lớn và chất đống tại các cảng biển lớn.
Thậm chí gần đây, hầu hết các nước trên thế giới thay đổi chính sách, trong đó Trung Quốc còn ngưng nhập khẩu hàng phế phẩm, nhưng các cơ quan chức năng của Việt Nam vẫn chậm phản ứng. Điều này vô hình trung biến Việt Nam thành nơi không thể tốt hơn để mặt hàng phế phẩm này trú ngụ. Và không ở đâu khác, các cảng biển lớn đang phải lĩnh hậu quả.Trong khi đó, cơ chế xử lý, di chuyển số hàng này vẫn tồn tại nhiều vướng mắc và chưa thực sự có lối thoát.
Chia sẻ về vấn đề này, ông Nguyễn Tương, Phó tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ Logistics Việt Nam thẳng thắn nói: “Việc hàng chục nghìn container ùn ứ tại cảng sẽ làm đội hàng loạt các chi phí từ lưu tàu, thời gian đậu, bốc dỡ, di chuyển của container tăng đáng kể. Các chi phí này đều sẽ đổ lên đầu doanh nghiệp kinh doanh XNK, khiến giá hàng hóa đội lên. Cùng đó, khi cảng bị tắc nghẽn, khả năng quay vòng hàng hóa bị hạn chế, tính cạnh tranh của cảng biển trong dịch vụ logistics giảm đáng kể, ảnh hưởng không nhỏ đến nguồn thu ngân sách”.
Thực tế trên phần nào lý giải vì sao chi phí logistics ở Việt Nam luôn cao hơn mặt bằng chung của thế giới. Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt kế hoạch hành động nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển dịch vụ logistics.
Đến năm 2025, Việt Nam đặt quyết tâm trở thành một đầu mối logistics quan trọng trong khu vực, phấn đấu giảm chi phí logistics xuống tương đương 16-20% GDP. Tuy nhiên, nếu tình trạng ách tắc hàng hóa tại các cảng biển kéo dài và cơ chế chính sách xử lý chậm triển khai, sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động của các cảng, đồng thời mục tiêu kéo giảm chi phí logisics của Việt Nam thực sự gặp nhiều trở ngại.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận