Với nỗ lực tái cơ cấu trên tất cả các lĩnh vực, Tổng công ty (TCT) Hàng hải VN liên tiếp nhận được những kết quả tích cực trong hoạt động sản xuất kinh doanh, đặc biệt là lĩnh vực cảng biển trước khi chuyển sang hoạt động theo mô hình CTCP với thương hiệu VIMC.
“Chân trụ” cảng biển tiếp đà tăng trưởng
Ông Trần Tuấn Hải, Trưởng ban Truyền thông TCT Hàng hải VN (Vinalines) cho biết, 3 tháng đầu năm, sản lượng hàng hóa thông qua khối cảng thuộc Vinalines đạt xấp xỉ 24 triệu tấn, trong đó, sản lượng container đạt gần 1.160 Teus, tăng lần lượt 22%. Doanh thu đạt 1.087 tỷ đồng với mức lãi ghi nhận hơn 240 tỷ đồng. So với cùng kỳ năm 2018, sản lượng hàng thông qua tăng 22%, riêng hàng container tăng đến hơn 42%. Lợi nhuận từ khối cảng vì thế cũng tăng gần 34%, tiếp tục mang đến cho TCT nguồn thu lớn để tiếp tục mở rộng đầu tư. Trước đó, năm 2018, cảng biển cũng là lĩnh vực mang đến nguồn thu lớn nhất trong tất cả các lĩnh vực kinh doanh của Vinalines với doanh thu hơn 4.430 tỷ đồng, lợi nhuận đạt hơn 1.020 tỷ đồng.
Theo ông Nguyễn Cảnh Tĩnh, Q. Tổng giám đốc Vinalines, sở dĩ khối kinh doanh cảng TCT liên tục có được sự tăng trưởng là nhờ các DN cảng thành viên đã có sự xoay chuyển chiến lược khai thác hợp lý. “Điển hình là cảng Hải Phòng đã tập trung khai thác thêm các mặt hàng như: ô tô, gỗ cây, sắt thép… và chấp nhận giá thị trường, tìm mọi cách giữ ổn định với hãng tàu container. Với nỗ lực ấy, quý I/2019, cảng đã tiếp nhận thêm được 3 tuyến dịch vụ của các hãng tàu: Zim, Sinokor, Maesk, lợi nhuận thu về hơn 100 tỷ đồng”, ông Tĩnh cho hay.
Tại khu vực miền Trung, sản lượng hàng qua cảng Đà Nẵng cũng bị chia sẻ mạnh cho các cảng: Chu Lai, Chân Mây. Tuy vậy, với năng lực cầu cảng gần như hiện đại nhất miền Trung. Thời gian qua, cảng Đà Nẵng tiếp tục đón thêm một tuyến dịch vụ của hãng tàu SITC vào làm hàng. Hàng hóa thông qua cảng đạt hơn 2,1 triệu Teus, tăng 23% so với cùng kỳ năm 2018. Tại khu vực phía Nam, các cảng liên doanh của Vinalines tại cụm Cái Mép - Thị Vải cũng đang có sự thay đổi tích cực.
Tiếp tục đầu tư có trọng điểm
Ông Nguyễn Cảnh Tĩnh cho biết, trong bối cảnh thị trường vận tải biển vẫn còn gặp nhiều khó khăn về giá cước, cảng biển vẫn được xác định là “chân kiềng chính” trong “Tam trụ: Cảng biển - Vận tải biển - Dịch vụ hàng hải” của TCT. Trong đó, Vinalines sẽ tập trung phát triển cảng nước sâu để tương xứng với kích cỡ tàu ngày càng lớn của đội tàu thế giới.
Theo ông Tĩnh, Vinalines hiện đang tích cực hoàn thành thủ tục để đầu tư bến cảng số 3, 4 cảng Lạch Huyện. “Miền Bắc đang dần trở thành cửa ngõ của lĩnh vực điện tử, tự động. Tập đoàn Samsung (Hàn Quốc) đã xây dựng nhà máy điện thoại di động tại khu vực này. KCN Deep C gần cảng Lạch Huyện đang thu hút khoảng 80% công ty Việt Nam và quốc tế. Mitsui O.S.K. Lines, Công ty Vận tải biển Nhật Bản, dự kiến mở tuyến hàng hải trực tiếp từ Lạch Huyện tới Bắc Mỹ. Vingroup đang xây nhà máy ôtô tại khu kinh tế cách đó không xa. Về lâu dài, cảng Lạch Huyện sẽ thu hút một phần lớn hàng trung chuyển quốc tế và khu vực”, ông Tĩnh nói và cho biết, Vinalines cũng đang bày tỏ nguyện vọng với Chính phủ được đầu tư hai bến khởi động của cảng Liên Chiểu thông qua CTCP Cảng Đà Nẵng tại khu vực miền Trung. Nếu nguyện vọng được chấp thuận, hai bến khởi động này sẽ “chia lửa” lượng hàng lớn tại cảng Tiên Sa hiện hữu, giúp cảng Tiên Sa có điều kiện thuận lợi tập trung phát triển dịch vụ cảng đòn tàu khách chuyên dụng.
Chia sẻ thêm, ông Trần Tuấn Hải cho biết, sau cổ phần hóa, cùng với việc đầu tư xây dựng cảng biển mới, nâng cấp cơ sở hạ tầng, trang thiết bị cảng hiện có, Vinalines cũng sẽ tìm kiếm các địa điểm đầu tư cơ sở hạ tầng logistics sau cảng như: Cảng cạn (ICD), kho bãi để nâng cao năng lực tiếp nhận hàng hóa cho cảng, cùng với vận tải biển mang tới cho khách hàng dịch vụ logistics trọn gói, tối ưu chi phí vận chuyển, tăng khả năng cạnh tranh của hàng hóa.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận