Bất động sản

Cảng container ì ạch: Người dân “sống mòn” trên đất dự án

31/08/2022, 11:35

Nhiều hộ dân có đất bị thu hồi bởi 2 dự án container ì ạch hơn chục năm qua tại thị xã Phú Mỹ (Bà Rịa - Vũng Tàu) vẫn bám trụ mưu sinh trên đất.

Ngày 31/8, nguồn tin của phóng viên cho biết: Chủ tịch UBND thị xã Phú Mỹ đã ký văn bản chỉ đạo các đơn vị liên quan làm rõ các vấn đề liên quan đến công tác đền bù, thu hồi đất, xác nhận nguồn gốc đất của các hộ dân bị thu hồi tại hai dự án bãi container và dịch vụ cảng của Công ty TNHH Xây dựng Lưu Nguyễn (Công ty Lưu Nguyễn) và Dự án kho bãi tổng hợp, dịch vụ hậu cần cảng và dịch vụ logistics của Công ty TNHH Tài Tiến (Công ty Tài Tiến) tại phường Phước Hòa, thị xã Phú Mỹ (trước kia là huyện Tân Thành).

Giá bồi thường… 1.300 đồng/m2 mặt nước

Theo tài liệu của phóng viên, tháng 9/2011, UBND huyện Tân Thành (nay là thị xã Phú Mỹ) đã ra quyết định về phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ cho các hộ dân có đất bị thu hồi bởi 2 dự án. Theo đó, giá bồi thường đối với diện tích mặt nước nuôi tôm là hơn 1.300 đồng/m3, vật kiến trúc (bờ đất, nhà cửa…) 22.000m3. Nhiều hộ dân có đất bị thu hồi đã không chấp nhận giá bồi thường trên.

img

Toàn bộ diện tích được quy hoạch làm dự án cảng container của Công ty Tài Tiến và Công ty Lưu Nguyễn hiện nay vẫn là đùng nuôi tôm, cua, rừng đước. Ảnh: Quang Phương.

Ông Nguyễn Văn Phường cho biết, tại dự án của Công ty Lưu Nguyễn, ông có hơn 19.000m2 mặt nước nuôi tôm. Theo giá bồi thường trên, ông chỉ được đền bù hơn 25 triệu đồng tiền diện tích đất mặt nước; tiền đền bù bờ đất (vật kiến trúc hơn 33 triệu). Tổng cộng hơn 59 triệu đồng.

Còn tại dự án của Công ty Tài Tiến, UBND huyện ra giá bồi thường cho hơn 1.300m2 mặt nước nuôi tôm cá với giá 1.400 đồng, tổng cộng gia đình ông được bồi thường hơn 1,9 triệu đồng.

“Gia đình chúng tôi mưu sinh ở đây từ thời khai sinh lập địa, đền bù như thế thì chúng tôi lấy gì mưu sinh tiếp. Chúng tôi phải bám trụ lại để mưu sinh và giữ đất”, ông Phường nói.

Ông Trịnh Đình Sảng, một người dân khác có hơn 4ha đất bị thu hồi bởi 2 dự án nói trên chia sẻ: Chúng tôi làm ăn, canh tác ở vùng đất này mấy chục năm nay. Từ khi có chủ trương triển khai dự án, chúng tôi không thể mở rộng, đầu tư để canh tác, không dám đầu tư để đắp lại để nuôi tôm, cua… Chúng tôi không chấp nhận giá đền bù đã đưa ra từ năm 2012 với chỉ 1.300 đồng/m2 mặt nước. Hơn chục năm nay, dự án không triển khai, chúng tôi không đầu tư đẩy mạnh canh tác được đã gây thiệt hại lớn về kinh tế.

“Chúng tôi ủng hộ chủ trương Nhà nước triển khai dự án để phát triển kinh tế, chấp nhận giao đất cho Nhà nước, tuy nhiên các bên phải thỏa thuận lại giá đền bù cho chúng tôi, không thể áp giá đền bù như vậy được”, ông Sảng nói.

Trong khi đó, hộ bà Mai Thị Ràng có hàng chục ha đất dính tới các dự án cũng đang làm đơn gửi khắp nơi để đòi đất. Theo mức giá bồi thường từ năm 2012, tại dự án Công ty Lưu Nguyễn, hộ bà Ràng có hơn 21.000m2 đất, có giá bồi thường hơn 153 triệu đồng. Tại dự án Công ty Tài Tiến có 139m2 đất, giá bồi thường hơn 5 triệu đồng, dự án Tổng Công ty Xây dựng Sài gòn hơn 31.000m2 đất, giá bồi thường hơn 85 triệu đồng…

Người dân trưng nhiều giấy tờ chứng minh nguồn gốc đất

Trong suốt nhiều năm qua, người dân không chấp nhận mức giá hỗ trợ đền bù được UBND huyện Tân Thành đưa ra năm 2012. Họ vẫn bám trụ, mưu sinh trên đất dự án và gửi đơn cầu cứu đến các cơ quan chính quyền.

Trong quá trình tiếp cận hồ sơ vụ việc, nhiều văn bản, giấy tờ, báo của của UBND thị xã Phú Mỹ cho rằng khu vực các dự án trên có nhiều diện tích đất mà người dân đang canh tác là đất công, thuộc quản lý của Ban Quản lý rừng phòng hộ, của UBND phường Phước Hòa nên thu hồi không đền bù đất.

img

Ông Nguyễn Văn Phường trưng ra sổ thuế đất nông nghiệp của gia đình để chứng minh nguồn gốc đất của gia đình. Ảnh: Quang Phương.

Ngược lại với ý kiến của chính quyền, các hộ dân đã trưng ra nhiều tài liệu, giấy tờ liên quan đến nguồn gốc đất mà họ đã có trước khi các dự án này được chấp thuận chủ trương đầu tư cả hàng chục năm. Các giấy tờ chứng minh gia đình họ đã canh tác trên đất từ những năm 1977, 1978; quá trình sang nhượng đất… như: Sổ thuế nông nghiệp từ năm 1996, Biên lai thu thuế sử dụng đất năm 2002, tờ khai (diện tích) có xác nhận của UBND xã Tân Hòa từ năm 2006…

Cầm tờ sổ thuế đất nông nghiệp từ năm 1996 trên tay, ông Nguyễn Văn Phường nói: “Đây là sổ thuế đất mà gia đình tôi có từ thời cha tôi thế mà bảo là đất công thì chúng tôi biết nói sao đây?”.

Giữa tháng 8, phóng viên Báo Giao thông đã trực tiếp liên hệ với UBND thị xã Phú Mỹ để hỏi về các vấn đề liên quan đến thu hồi đất, đền bù, giải phóng mặt bằng tại các dự án nói trên.

Ngày 30/8, Chủ tịch UBND thị xã Phú Mỹ Nguyễn Văn Thắm cho biết khi nhận được ý kiến của Báo Giao thông, ông đã ký công văn “hỏa tốc” gửi Phòng Tài nguyên môi trường, Trung tâm Phát triển quỹ đất, UBND phường Phước Hòa.

Theo đó, Chủ tịch UBND thị xã Phú Mỹ giao Phòng Tài nguyên môi trường chủ trì phối hợp với Trung tâm Phát triển quỹ đất, UBND phường Phước Hòa kiểm tra rà soát, tham mưu UBND thị xã Phú Mỹ văn bản trả lời kiến nghị của Báo Giao thông, trước ngày 24/8 có dự thảo văn bản thông quan UBND thị xã ký gửi Báo Giao thông.

Giao Trung tâm Phát triển quỹ đất, UBND phường Phước Hòa khẩn trương kiểm tra rà soát, báo cáo công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, có ý kiến đối với những nội dung kiến nghị mà Báo Giao thông đã gửi. Gửi báo cáo cho Phòng Tài nguyên môi trường trước ngày 22/8.

Tuy nhiên, cho đến nay (31/8) Báo Giao thông chưa nhận được văn bản tổng hợp ý kiến của các đơn vị nói trên do UBND thị xã Phú Mỹ ký gửi.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.