Tốt nghiệp Học viện Ngoại giao nhưng chưa xin được việc, chị NHH tranh thủ bán hoa trước cổng các trường đại học vào mỗi dịp lễ |
Phá sản nhiều, thất nghiệp tăng
Chị Thân Thị Tân (trú tại xã Cao Thượng, huyện Tân Yên, tỉnh Bắc Giang) dù tốt nghiệp loại khá, hệ chính quy khoa Xã hội học - Trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn đã 3 năm, nhưng hiện vẫn “ăn bám cha mẹ”. Chính chị Thân cũng không nhớ đã làm bao nhiêu hồ sơ để xin việc, mỗi lần nộp hồ sơ, chị lại thêm một lần thất vọng. Không thể trông chờ tìm được việc làm với tấm bằng cử nhân Đại học, chị xin đi làm công nhân, nhưng cách đây 3 tháng, nhà máy nơi chị Tân làm việc lại giải thể.
Nếu quý IV/2012, số lao động có trình độ đại học trở lên thất nghiệp là khoảng 72.000 người thì con số này ở quý IV/2013 lên tới 158.000 người. |
Tốt nghiệp ngành Tài chính Ngân hàng (Trường ĐH Ngân hàng), 2 năm nay, chị Minh Trang (trú tại Sơn Tây, Ba Đình, Hà Nội) nộp khá nhiều đơn xin việc tại các ngân hàng. Tuy nhiên, trong thời buổi ngân hàng sáp nhập hàng loạt, nhân sự ngành Ngân hàng thừa nhiều, nên suốt thời gian qua, Trang vẫn loanh quanh ở nhà phụ giúp mẹ bán hàng lặt vặt.
Theo bà Chu Thị Lân - Phó giám đốc Trung tâm Thông tin, phân tích và Dự báo chiến lược thuộc Viện Khoa học Lao động và Xã hội, tỷ lệ lao động tốt nghiệp đại học trở lên thất nghiệp có xu hướng tăng đều kể từ quý IV/2012 đến hết năm 2013. Cụ thể, vào quý IV/2012, tỷ lệ này là 2,57%, tới quý I/2013, tỷ lệ này tăng lên 3,5%, tăng tiếp ở quý II/2013 lên 3,65% và tới quý III/2013 tỷ lệ này là 4,36%. Lý giải cho tình trạng này, bà Lân cho rằng, tại thị trường lao động Việt Nam, số lượng lao động làm việc trong khu vực phi chính thức chiếm tới 2/3 tổng lực lượng lao động. Thời gian qua, hàng trăm ngàn doanh nghiệp đã phải đóng cửa, phá sản và tạm dừng sản xuất. Những lao động không có trình độ khi bị thất nghiệp, dễ dàng chấp nhận các công việc phi chính thức hơn, thậm chí là bán xôi ở đầu hẻm để có thu nhập, trong khi lao động trình độ cao lại không dễ dàng hòa nhập như vậy. Đó là lý do chính khiến tỷ lệ lao động trình độ cao thất nghiệp tăng nhanh trong hơn một năm trở lại đây khi kinh tế suy thoái.
Cung vượt cầu
Theo PGS. TS Nguyễn Bá Ngọc – Phó viện trưởng Viện Khoa học lao động và Xã hội, chính quan điểm sính “bằng cấp” mà không quan tâm đến nhu cầu xã hội, nhu cầu thực của thị trường lao động… càng khiến tỷ lệ cử nhân thất nghiệp gia tăng. “Đó là chưa kể việc hệ thống đào tạo có nhiều vấn đề đáng bàn. Trong các nhà trường vẫn chỉ chú trọng đào tạo theo hướng cung dựa vào những gì sẵn có; chưa quan tâm, đào tạo những kỹ năng mềm và các phẩm chất nghề nghiệp để người học sẵn sàng ứng dụng trong thực tế” – ông Ngọc nhấn mạnh.
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Bùi Văn Ga đã nhiều lần cảnh báo tình trạng dư thừa nhân lực tại một số ngành như: Sư phạm, điều dưỡng, xây dựng, kinh tế - quản lý... Tuy nhiên, Bộ này cũng chưa có những giải pháp mạnh để rà soát lại thực trạng đào tạo của các trường, từ đó phân chia các chỉ tiêu đào tạo hợp lý và gắn kết hơn với thị trường lao động.
Theo bản quy hoạch phát triển nhân lực giai đoạn 2011- 2020 đã được Chính phủ phê duyệt vào tháng 7/2011, tới năm 2015 nước ta chỉ cần khoảng 3,3 triệu lao động có trình độ đại học và khoảng 200.000 lao động trên đại học. Trong thực tế, theo số liệu của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, đến nay cả nước đã có 3,724 triệu lao động có trình độ đại học trở lên. Như vậy là lực lượng lao động này ở thời điểm hiện tại đang dư thừa (tính trên con số tuyệt đối) là hơn 224.000 người. Số lượng sinh viên tốt nghiệp tiếp tục gia nhập thị trường lao động trong năm nay sẽ làm tăng số lao động dư thừa này.
An Khuê – Vũ Anh
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận