Cổ phiếu SGP có giá trị đăng ký giao dịch đạt hơn 2.162 tỷ đồng |
Theo Sở GDCK Hà Nội, với giá tham chiếu trong ngày giao dịch đầu tiên là 11.500 đồng, cổ phiếu SGP có giá trị đăng ký giao dịch đạt hơn 2.162 tỷ đồng, đã trở thành cổ phiếu có tổng giá trị đăng ký giao dịch lớn thứ 5 trên sàn UPCoM (Thị trường giao dịch cổ phiếu của công ty chưa niêm yết).
Cảng Sài Gòn là cảng biển tổng hợp quốc gia với 4 khu cảng trực thuộc trên địa bàn quận 4 và quận 7, TP.HCM, là đầu mối giao thông trọng điểm của quốc gia, góp phần phát triển kinh tế xã hội của TP.HCM và khu vực phía Nam. Hệ thống giao thông kết nối đường bộ cũng như đường thủy giữa cụm Cảng nước sâu tại Cái Mép với các khu kinh tế trọng điểm phía Nam, vùng Đồng bằng sông Cửu Long, Campuchia, rất thuận lợi cho hoạt động sản xuất kinh doanh của Cảng.
Tổng chiều dài các bến cảng do Cảng Sài Gòn khai thác là 2.899 m bao gồm 20 cầu tàu và 463.448 m2 hệ thống kho bãi. Tổng diện tích đất đai Cảng Sài Gòn đang sử dụng là hơn 1,8 triệu m2, với 557.939 m2 diện tích đất thuê và 1,2 triệu m2 đất giao. Sản lượng hàng hóa lưu thông qua Cảng bình quân khoảng 10 triệu tấn/năm.
Năm 2015, Cảng Sài Gòn chuyển đổi mô hình hoạt động từ công ty TNHH một thành viên sang công ty cổ phần, tổng doanh thu của công ty mẹ đạt 1.007 tỷ đồng, tăng 9,1% so với năm 2014. Lợi nhuận sau thuế tăng 30% (68,3 tỷ đồng so với 52,5 tỷ đồng so với năm 2014).
Tuy nhiên, các cảng của SGP chỉ có khả năng tiếp các tàu có tải trọng từ 15.000 DWT – 40.000 DWT. Trong đó, Cảng Nhà Rồng Khánh Hội đóng góp tỷ trọng lớn trong doanh thu, lại chỉ có thể tiếp nhận các tàu có tải trọng tối đa 30.000 DWT. Thêm vào đó, theo quy hoạch phát triển đô thị thành phố, vào thời điểm hiện tại, việc thực hiện di dời khu cảng Nhà Rồng Khánh Hội, Quận 4 khỏi trung tâm TP.HCM đến khu vực Hiệp Phước Huyện Nhà Bè Cảng Sài Gòn gặp nhiều khó khăn trong việc ổn định hoạt động sản xuất kinh doanh. Các Cảng Tân Thuận và Tân Thuận 2 chỉ được sử dụng theo hiện trạng, không được phát triển mở rộng nên khó cạnh tranh với các cảng Cát Lái, Bến Nghé, …
Hiện SGP góp vốn vào 5 công ty con: CTCP Logistics Cảng Sài Gòn (SGP sở hữu 73,9% vốn điều lệ), CTCP Cảng Sài Gòn - Hiệp Phước (90,5%), CTCP Kỹ thuật Thương mại Dịch vụ Cảng Sài Gòn (63,3%), CTCP Vận tải và Dịch vụ Hàng hải Cảng Sài Gòn (51%), CTCP Xếp dỡ và Dịch vụ Cảng Sài Gòn (51,4%). Việc tham gia đầu tư dài hạn vào Công ty liên doanh dịch vụ container quốc tế CSG-SSA (SSIT); Công ty TNHH Cảng Quốc tế SP-PSA; Công ty TNHH Cảng Quốc tế Cái Mép (CMIT) đã khiến SGP phải chịu lỗ bởi nguồn cung dịch vụ quá lớn trong khi có ít tàu cập cảng.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận