Hơn chục ngày qua, anh Tâm- Chỉ huy trưởng Công ty CP Quản lý và xây dựng đường bộ Quảng Ngãi (đơn vị duy tu, bảo dưỡng thường xuyên) cùng 20 cán bộ, công nhân trực tiếp bám trụ hiện trường Km 170+600 đường Trường Sơn Đông đoạn qua xã Sơn Long (Sơn Tây, Quảng Ngãi) xử lý sạt lở.
Tiếng máy đào múc, xe tải, xe xúc ủi... rền vang. Mũi thi công gồm 2 xe múc ủi, xe tải luôn phiên vào nhận đất đá, chở ra ngoài. Bên trên taluy đường, quả đồi trồng keo sừng sững sạt lở nham nhở, khoét sâu vào lòng núi. Đoạn đường dài cả trăm mét bị khối đất đá khổng lồ tràn lấp, cao ngập cả dãy tôn hộ lan.
Thời tiết mưa, càng khiến bùn non thêm nhão nhoẹt. Chiếc gàu máy múc chuyên dụng rất khó khăn mới có thể ngoạm đầy máng, đổ vào thùng xe tải.
"Từ đợt mưa bão tháng 10/2020, vị trí này đã bị sạt lở và được xử lý. Nhưng đến ngày 11/11 vừa qua, tình trạng sạt lở càng nghiêm trọng, khiến đoạn Km 170+600 này bị ách tắc giao thông. Thời tiết khắc nghiệt gây áp lực lớn công tác xử lý. Cả chục ngày nay, anh em chúng tôi ăn ngủ công trường, chia ba ca để đẩy nhanh tiến độ xử lý. Nhưng chỉ cần sau cơn mưa, bùn đất lại sạt lấp trở lại", anh Tâm nói.
Trao đổi với PV, ông Nguyễn Hoàng, Giám đốc Công ty CP Quản lý và xây dựng đường bộ Quảng Ngãi cho hay, đơn vị tăng cường 3 chiếc xe xúc đào, 1 chiếc xúc lật, gần 20 công nhân bám trụ hiện trường để đẩy tiến độ xử lý.
"Bùn non kèm theo gây khó khăn cho công tác hót dọn, nhưng nguy hiểm nhất vẫn là tình trạng sạt lở luôn thường trực. Trên đỉnh đồi xuất hiện nhiều vết đứt gẫy lớn, anh em vừa làm, vừa phòng ngừa sạt lở, đảm bảo an toàn tối đa cho lực lượng thi công", ông Hoàng nói.
Đây được xem là một trong những "điểm nóng" sạt lở nghiêm trọng trên tuyến đường Trường Sơn Đông do ảnh hưởng bão lũ liên tiếp vừa qua. Khối lượng sạt lở khổng lồ phá hủy chân tường chắn bê tông, đẩy vỡ kết cấu kè rọ đá mái taluy. Kế đó, điểm sạt lở Km 156+970 đường Trường Sơn Đông (do Ban QLDA 46 làm chủ đầu tư) cũng gây tắc giao thông từ chiều 14/11. Cả đoạn tuyến Km 156- Km 170 đường Trường Sơn Đông hầu như "tê liệt" nhiều ngày qua.
Theo ông Hoàng, đơn vị chỉ tổ chức được một mũi thi công ngoài đánh vào. Khó khăn, nguy hiểm, nhưng chúng tôi nỗ lực để có thể thông xe 1 làn vào vài ngày tới.
Đôn đốc công tác khắc phục sạt lở trên tuyến đường Trường Sơn Đông, ông Nguyễn Thanh Bình- Phó cục trưởng Cục QLĐB III (Tổng cục Đường bộ VN) cho biết, thiên tai khắc nghiệt, bão lũ liên tiếp khiến hàng loạt tuyến đường Hồ Chí Minh, Trường Sơn Đông bị thiệt hại nghiêm trọng.
Ngay khi xảy ra sạt lở, các đơn vị thi công, tư vấn... trực tiếp hiện trường điều tiết giao thông, tập trung khắc phục, đảm bảo giao thông bước 1. Tuy nhiên, đến nay, một số đoạn tuyến vẫn còn bị tắc đường do khối lượng sạt lở lớn, mưa kéo dài, địa hình phức tạp.
"Cục chỉ đạo các đơn vị tập trung cao nhất, đưa các phương án triển khai hợp lý, nhưng ảnh hưởng mưa khiến các vị trí đã hót dọn bị tái sạt lở từ taluy dương xuống. Điệp khúc "hót - sụt" lặp lại, kéo dài thời gian khắc phục. Mục tiêu chậm nhất trong 3 ngày tới (22/11) sẽ thông xe đoạn tuyến Km 170+600", ông Bình thông tin.
Theo ông Bình, trước mắt các đơn vị tập trung xử lý đảm bảo giao thông bước 1. Cục đã có các văn bản, kiến nghị lên Tổng cục Đường bộ VN các vị trí hư hại lớn, giải pháp gia cố để đảm bảo độ ổn định công trình.
Lãnh đạo UBND xã Sơn Long cho hay, sạt lở gây ách tắc giao thông khiến các xe cơ giới, ô tô không thể qua lại đoạn Km 156- Km 170, nhưng không gây cô lập cho các địa phương trên tuyến, bởi người dân đi xe máy có thể đi đường vòng, đường làng.
"Nỗ lực lớn của các lực lượng ngành GTVT tạo thêm niềm tin, hi vọng sớm thông đường cho các địa phương chúng tôi", vị đại diện UBND xã Sơn Long nói.
Giao thông oằn mình gánh thiệt hại, ngành GTVT căng sức khắc phục
Thống kê mới nhất của Cục QLĐB III (Tổng cục Đường bộ VN) cho thấy, chỉ riêng tuyến đường Trường Sơn Đông gánh thiệt hại nặng nề trên cả 3 địa bàn Quảng Nam, Quảng Ngãi, Kon Tum.
Trong đó, đoạn qua Quảng Nam bị sạt taluy dương tràn mặt đường, lấp rãnh dọc 37.442 m3; đáng kể đoạn Km112+720: Sạt lở taluy âm hàm ếch vào mặt đường 0,7m, dài 30m, sâu 20m; Km113+990: Sạt lở taluy âm sát mép đường BTXM dài 10m, sâu 10m; Km118+320: Xói lở trôi mặt đường, lề đường dài 20m, rộng 4,0m, sâu 5m.
Trên địa bàn quảng Ngãi, ngoài điểm Km 170, đoạn Km168+300 gánh hư hại mặt đường bê tông xi mặng bị đứt gãy, dịch chuyển, lún trồi với tổng chiều dài L=40m, cá biệt có vị trí chênh cao 1m, rãnh dọc hai bên tuyến đẩy trồi hư hỏng hoàn toàn, gây mất ATGT. Đường Trường Sơn Đông qua Kon Tum bị sạt taluy dương tràn mặt đường, lấp rãnh dọc 1.290 m3.
Tại Km227+400, mặt đường bê tông xi măng bị hiện tượng đứt gãy, dịch chuyển, lún trồi các tấm mặt đường với tổng chiều dài 65m, cá biệt có vị trí chênh cao 1m, tường chắn rọ đá taluy dương bên trái tuyến bị xô lệch, rãnh dọc hai bên tuyến đẩy trồi hư hỏng hoàn toàn, gây mất ATGT cho các phương tiện lưu thông qua đoạn tuyến...
Ngay sau khi xảy ra sạt lở, Cục QLĐB III đã chỉ đạo các Chi Cục QLĐB, đơn vị QLBT triển khai nhân lực, vật tư, máy móc và thiết bị để thực hiện bảo đảm giao thông và khắc phục hậu quả thiên tai, ĐBGT bước 1.
Điển hình tại các vị trí Km168+300, Km227+400 đường Trường Sơn Đông, Cục QLĐB III đã chỉ đạo đơn vị QLBT thực hiện đục phá, tháo dỡ các tấm mặt đường BTXM bị trồi, hỏng và thay bằng lớp đá xô bồ lu lèn để bảo đảm giao thông, đồng thời lắp đặt biển cảnh báo đường gồ ghề, hạn chế tốc độ tại hai đầu đoạn tuyến và cử người trực gác...
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận