Ngày 12/11, hãng tin Sputnik dẫn lời ông Xavier Moreau, chuyên gia về địa chính trị làm việc tại cơ quan cố vấn StratPol nhận định, sẽ khó có khả năng Liên minh Châu Âu (EU) trừng phạt hãng hàng không Aeroflot (Nga) vì cuộc khủng hoảng người tị nạn tại biên giới Ba Lan-Belarus.
Bởi vì, nếu EU cáo buộc và trừng phạt Aeroflot thì Nga sẽ lập tức đáp trả bằng biện pháp cắt toàn bộ tuyến bay xuyên Siberia mà các hãng hàng không của Châu Âu rất cần đi qua, để tới Châu Á.
Đòn trừng phạt đó sẽ khiến Châu Âu chịu tổn hại nặng nề, ông Moreau nhận định.
Tiếp viên hàng không của hãng Aeroflot (Nga)
Trong thông báo của Ủy ban Châu Âu (EC) ngày 11/11, Brussels cho biết đang cân nhắc lựa chọn trừng phạt các hãng hàng không có tham gia vào việc vận chuyển người tị nạn tới Belarus trong gói trừng phạt thứ 5 nhằm vào chính quyền Minsk.
EC dự kiến công bố lệnh trừng phạt trong tuần tới và chưa nêu cụ thể tên các hãng hàng không.
Tuy nhiên, trên sóng phát thanh Moscow Echo, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Ba Lan Lukasz Yasina khẳng định, chính quyền nước này nắm trong tay thông tin cho thấy hãng bay Aeroflot có liên quan tới cuộc khủng hoảng tị nạn tại biên giới Belarus – Ba Lan.
Ông Yasina cho rằng, EU đang cân nhắc khả năng trừng phạt hãng hàng không Nga.
Cùng ngày, hãng Bloomberg cũng đưa tin, Liên minh Châu Âu đang cân nhắc các lệnh trừng phạt đối với 2 hãng hàng không Aeroflot và Turkish Airlines vào đầu tháng 12 vì nghi có liên quan tới việc đưa người tị nạn tới Belarus và gián tiếp gây ra tình trạng khủng hoảng tại biên giới giữa Belarus với Ba Lan hiện tại.
Bình luận về thông tin từ Bloomberg, người phát ngôn điện Kremlin – ông Dmitry Peskov có phản ứng mạnh, dùng từ “ý tưởng điên rồ” để chỉ trích.
Về phần mình, hãng Aeroflot bác bỏ mọi cáo buộc liên quan tới hình hình căng thẳng biên giới và nhấn mạnh họ không vận hành các chuyến bay tại các thành phố ở Iraq và Syria.
Khủng hoảng tại biên giới giữa Belarus-Ba Lan đang leo thang từ đầu tuần này. Hàng nghìn người từ nhiều khu vực như Trung Đông, châu Phi... đồ về Belarus và kéo tới biên giới với Ba Lan, tìm cách cắt dây thép gai, vượt biên để xin tại nạn tại Châu Âu.
Đối phó với tình hình trên, Ba Lan đã triển khai 15.000 lính đến biên giới giáp Belarus để bảo vệ vùng biên.
Bên cạnh đó, Liên minh châu Âu (EU) cáo buộc Belarus khuyến khích người di cư Trung Đông và châu Phi vượt biên vào khối thông qua Ba Lan nhằm trả đũa các lệnh trừng phạt mà phương Tây áp đặt với Minsk.
Về phía Belarus, Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko phủ nhận cáo buộc Minsk góp phần gây ra cuộc khủng hoảng di cư với Ba Lan, đồng thời cáo buộc ngược phương Tây về tình trạng vượt biên và cách đối xử với người di cư.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận