Biểu tình rầm rộ phản đối ông Donald Trump sẽ diễn ra trong suốt tuần trước ngày nhậm chức. |
Chỉ còn chưa đầy 4 ngày nữa ông Donald Trump chính thức nhậm chức Tổng thống, công tác đảm bảo an ninh ngày càng căng thẳng khi hàng nghìn người biểu tình có ý định làm gián đoạn buổi lễ nhậm chức ở đồi Capitol và mối đe dọa khủng bố tiềm tàng.
Nguy cơ khủng bố, biểu tình sôi sục
Hàng loạt cuộc biểu tình với sự tham gia của hàng trăm nghìn người khởi động từ cuối tuần qua, dự kiến kéo dài trong 1 tuần với mục đích làm gián đoạn lễ nhậm chức của ông Donald Trump. Cơ quan Dịch vụ công viên Quốc gia, chịu trách nhiệm quản lý đất công của Thủ đô Washington đã nhận được hơn 30 đơn xin phép biểu tình, con số này cao hơn nhiều so với các năm tổ chức lễ nhậm chức trước.
Trong đó, “Biểu tình vì Phụ nữ” tại Washington nhằm đòi quyền công bằng cho phụ nữ là cuộc biểu tình lớn nhất, thu hút ít nhất 192.000 nam giới và phụ nữ đăng ký tham gia qua facebook. Ngoài ra, một cuộc biểu tình khác mang tên “Here to Stay” thu hút hàng nghìn người đã diễn ra tại nhiều bang trên nước Mỹ như: Thủ đô Washington DC, Chicago, Los Angeles…từ hôm qua (15/1). Các đối tượng tham gia không chỉ là các nghị sĩ, giáo sĩ, đại diện người lao động mà còn cả người tị nạn. Trong đó, có nhiều người tị nạn bất hợp pháp e ngại chính quyền ông Trump sẽ mạnh tay trục xuất họ khỏi đất nước.
Xem thêm video:
Tình hình sôi sục khiến giới chức an ninh đối mặt với nguy cơ khủng bố. Giám đốc Bộ An ninh Nội địa Mỹ Jeh Johnson cho biết: “Chúng tôi chưa thấy mối đe dọa nào đặc biệt” tới buổi lễ nhậm chức. Nhưng, “môi trường khủng bố toàn cầu nay đã rất khác so với thời điểm năm 2013” khi Tổng thống Mỹ Barack Obama tuyên thệ nhậm chức lần 2. “Chúng tôi lo ngại chủ nghĩa bạo lực nảy sinh từ trong nước và những hành động tự cực đoan hóa”, ông Johnson nói. Nghị sĩ Roy Blunt, Chủ tịch Ủy ban Quốc hội về lễ nhậm chức cũng khẳng định: “An ninh là mối quan tâm lớn nhất của tôi”.
28.000 nhân viên, tiêu tốn hơn 100 triệu USD
Để lễ nhậm chức diễn ra suôn sẻ, khoảng 50 cơ quan Mỹ huy động 28.000 nhân viên an ninh đến từ Cơ quan Mật vụ, Bảo vệ quốc gia, Cơ quan Điều tra liên bang Mỹ, Cảnh sát địa phương… tham gia đảm bảo an ninh cho sự kiện, ông Johnson tiết lộ.
Rất nhiều sự kiện trong ngày lễ có nguy cơ cao bị tấn công, đặc biệt là lễ nhậm chức, bởi lúc này cả Tổng thống đắc cử, Tổng thống mãn nhiệm, cựu Tổng thống, các quan chức hàng đầu trong Chính phủ và Quốc hội đều có mặt ngay tại khán đài mặt phía Tây (West Front) tại Tòa nhà Quốc hội trên đồi Capitol.
Do đó, ngoài nhân lực hùng hậu, các cơ quan an ninh còn thực hiện hàng loạt biện pháp an ninh đặc biệt như lắp kính chống đạn, triển khai súng bắn tỉa trên nóc các tòa nhà. Phía dưới đám đông, FBI dùng thiết bị phát hiện phóng xạ, chất hóa học và sinh học rà soát khắp khu vực để đảm bảo an toàn cho 700.000 - 900.000 người tham dự. Cảnh sát sẽ bao vây khu vực rộng 7km2 tại trung tâm Washington, chặn tất cả các phương tiện, cấm mọi thiết bị bay trên không. Người đi bộ vào bên trong đều phải trải qua khâu kiểm tra an ninh sát sao; Không được phép mang gì ngoài điện thoại, camera và ví; Mỗi người chỉ được mang một túi xách tay nhỏ, không được phép mang balô.
Theo Straitimes, tổng chi phí đảm bảo an ninh dự kiến vượt 100 triệu USD. Mặt khác, hãng tin AP cho biết, đến ngày 13/1, Ủy ban Tổ chức lễ nhậm chức đã huy động số tiền kỷ lục (hơn 90 triệu USD) để trang trải chi phí đắt đỏ cho buổi lễ này. Trong đó, Boeing đóng góp 1 triệu USD, Chevron đóng góp 500.000 USD. Ủy ban Tổ chức lễ nhậm chức sẽ có 90 ngày sau ngày 20/1 để công bố các nhà tài trợ còn lại. Người phát ngôn của ông Trump, Boris Epshteyn cho biết, số tiền thừa sau khi tổ chức buổi lễ sẽ được đóng góp vào từ thiện.
Ngoài nỗ lực đảm bảo an ninh, những người ủng hộ ông Trump cũng có kế hoạch của riêng mình để bảo đảm ngày trọng đại của vị tỷ phú diễn ra suôn sẻ. Người sáng lập tổ chức “Bikers For Trump” ông Chris Cox cho biết, nếu cần thiết, hàng nghìn người đạp xe đạp trên khắp đất nước sẽ đổ về Thủ đô để ngăn chặn mọi hành động làm náo loạn buổi lễ. Theo ông Cox, trong trường hợp tình hình vượt ngoài tầm kiểm soát, các thành viên trong nhóm sẽ tạo thành “bức tường người” làm hàng rào ngăn chặn việc tấn công phụ nữ và ném đồ vật gây rối buổi lễ.
Ngày 15/1, hãng tin Press TV dẫn kết quả khảo sát do Gallup thực hiện cho thấy, Tổng thống đắc cử Donald Trump ít được ủng hộ nhất trong lịch sử. Tỉ lệ ủng hộ ông Donald Trump rớt thảm hại so với cuộc bỏ phiếu được thực hiện cùng kỳ tháng trước. Trong đó, 51% người Mỹ được hỏi không ủng hộ và 44% còn lại ủng hộ - mức thấp nhất trong lịch sử nước Mỹ. So sánh với các Tổng thống khác, tại thời điểm trước khi nhậm chức, ông Barack Obama nhận được 83% ủng hộ, 12% không đồng tình; Cựu Tổng thống George W. Bush nhận được 61% ủng hộ; 25% không ủng hộ… |
Xem thêm video:
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận