Các hãng hàng không đã có kế hoạch tăng cả nghìn chuyến bay, đường sắt thêm hàng trăm chuyến tàu trong khi vận tải đường bộ cũng cam kết tăng chuyến, phụ thu không quá 40%, nhưng không vì thế việc đi lại dịp này giảm nhiệt căng thẳng.
Hàng không tăng 8,7 nghìn chuyến bay
Số liệu thống kê của Cục Hàng không VN cho thấy, dịp nghỉ lễ 30/4 và 1/5, các hãng hàng không Việt Nam đã lên kế hoạch cung ứng gần 1,9 triệu chỗ với 8,7 nghìn chuyến bay trên các đường bay nội địa và quốc tế từ 26/4 - 5/5/2019 nhằm đáp ứng nhu cầu đi lại tăng đột biến của hành khách.
Vietnam Airlines cung ứng gần 800 nghìn chỗ tăng trên toàn mạng quốc tế và nội địa, tăng hơn 78 nghìn chỗ so với giai đoạn liền kề trước đó. Trong số này, hơn 53 nghìn chỗ tập trung chủ yếu trên các đường bay nội địa tới các điểm du lịch lớn giữa Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và Đà Nẵng, Phú Quốc, Nha Trang... Mạng đường bay quốc tế được bổ sung thêm hơn 25 nghìn chỗ tập trung trên các đường bay giữa Việt Nam và Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan, Campuchia.
Vietjet Air cung ứng 860 nghìn chỗ trên toàn mạng đường bay quốc tế và nội địa của hãng tăng 60 nghìn chỗ so với giai đoạn liền kề trước đó, tập trung toàn bộ vào các đường bay nội địa Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và Đà Nẵng, Hải Phòng, Nha Trang, Phú Quốc, Cần Thơ... Jetstar Pacific Airlines cũng cung ứng gần 200 nghìn chỗ nội địa và quốc tế trong dịp này.
Tình trạng ùn ứ thường xảy ra tại nút giao QL51, nút giao An Phú (cao tốc TP HCM - Long Thành - Dầu Giây) vào khoảng thời gian từ 16h-19h hàng ngày, nhất là cuối tuần. Vào các ngày nghỉ lễ, Tết, thời gian ùn ứ bắt đầu từ 15h đến 21h, kéo dài trong khoảng 6 tiếng đồng hồ với chiều dài đến 5km từ cầu Long Thành đến trạm thu phí Long Phước. “VEC E khuyến cáo người dân nên lựa chọn các lộ trình thích hợp để di chuyển trong các khung giờ cao điểm, đặc biệt vào các ngày cuối tuần và dịp lễ, Tết nhằm giảm tải cho đường cao tốc TP HCM - Long Thành - Dầu Giây, đồng thời không gây ảnh hưởng đến lịch trình di chuyển của mình”.
Bà Nguyễn Thị Hoài Phương,
Phó giám đốc Công ty CP Dịch vụ kỹ thuật đường cao tốc Việt Nam (VEC E)
Để chuẩn bị cho dịp nghỉ lễ cao điểm, các hãng hàng không, Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV), Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam (VATM) đã tăng cường bố trí nhân sự và nguồn lực để đảm bảo khai thác an toàn tuyệt đối các chuyến bay cũng như đảm bảo chất lượng dịch vụ cho hành khách.
Đáng lưu ý, khảo sát của Báo Giao thông, đến thời điểm này, dù vé máy bay đến các điểm nóng du lịch vẫn còn nhưng đã rất đắt, lượng ghế còn lại trên mỗi chuyến bay cũng chỉ đếm được trên đầu ngón tay. Đây cũng là hiện tượng bình thường do đặc thù của vé máy bay là có nhiều dải giá khác nhau, được mở bán từ thấp đến cao theo nguyên tắc giá rẻ bán trước. Hành khách mua vé càng xa ngày đi sẽ có nhiều cơ hội tiết kiệm chi phí.
Ngày 27/4, Vietjet có 6 chuyến bay Hà Nội - Nha Trang nhưng 2 chuyến bay đã hết vé. 4 chuyến còn lại không còn vé rẻ. Mức giá rẻ nhất đã bao gồm thuế phí của hãng này cũng lên tới hơn 2,8 triệu đồng cho chuyến bay tối khởi hành lúc 18h25 tại Nội Bài. Nếu muốn đi sớm hơn, hành khách có thể phải trả tới gần 3,6 triệu đồng/người/vé. Tình trạng tương tự cũng diễn ra ở chiều ngược lại trong ngày cuối cùng của kỳ nghỉ lễ (1/5).
Nếu bay Jetstar Pacific, bất ngờ là hành khách có thể mua rẻ hơn một chút so với 1 tuần trước đây, khoảng 2,1 triệu đồng/người/chiều. Tuy nhiên, lựa chọn về giờ bay không nhiều do hãng này chỉ khai thác mỗi ngày một chuyến đến đây.
Khách hàng của Vietnam Airlines nếu bay chặng này cũng chỉ phải trả mức giá không quá cao so với Vietjet và Jetstar. Cụ thể, theo khảo sát trên các trang bán vé trực tuyến, trong ngày 27/4, trên đường bay Hà Nội - Nha Trang, một số chuyến bay của VNA vẫn còn ít ghế mức giá dao động từ hơn 3,5 - hơn 6,3 triệu đồng.
Ở chặng về trong ngày 1/5, vé có rẻ hơn, dao động từ 2,4 - 5,4 triệu đồng, tuỳ từng hạng ghế và giờ bay. Tuy nhiên, số ghế trống còn lại trên các chuyến bay cũng không nhiều.
Trên chặng Hà Nội - Phú Quốc, khảo sát của PV cho thấy số vé còn lại cũng rất ít, mức giá lại khá đắt. Nếu bay Vietnam Airlines, giá vé chiều đi rẻ nhất cũng tới 4 triệu đồng cho hạng phổ thông, tuy nhiên, phải chấp nhận bay chuyến tối. Giá vé các chuyến ban ngày đã lên tới hơn 4,6 triệu đồng/người/chiều.
Cũng trên chặng này, chiều đi Vietjet bay 5 chuyến/ngày nhưng có tới 2 chuyến bay đã cạn vé. Các chuyến còn lại mức giá cũng rất cao, giá vé khứ hồi cả 2 chiều đến gần 8,4 triệu đồng/người. Cơ hội mua vé bay thẳng Hà Nội - Phú Quốc của Jetstar đã không còn khi các trang bán vé trực tuyến đều đã thông báo “không có sẵn”.
Đường sắt tăng hơn 100 chuyến tàu, đường bộ cam kết không tăng giá
Khẳng định dịp nghỉ lễ 30/4 và 1/5 tới số lượng chỗ ngành đường sắt tăng thêm nhiều hơn năm 2018 do số ngày nghỉ dài, nhu cầu đi lại của hành khách tăng cao hơn, ông Đỗ Quang Văn, Giám đốc Chi nhánh Vận tải đường sắt Sài Gòn cho biết, đến nay lượng vé bán ra rất lớn, tuy nhiên vẫn còn nhiều vé để phục vụ hành khách.
“Trong trường hợp hết vé các mác tàu, ngành đường sắt sẽ lập thêm tàu, nối thêm toa để đáp ứng tối đa nhu cầu của hành khách trong dịp này”, ông Văn nói.
Ở đầu Hà Nội, bà Trần Thị Thanh Hương, Phó giám đốc Trung tâm Kinh doanh vận tải đường sắt Hà Nội cho biết, nhiều chuyến tàu xuất phát tại Hà Nội tối ngày 26/4 hoặc sáng 27/4 (là các ngày bắt đầu dịp nghỉ lễ) đi các tỉnh phía Nam hầu như đã hết vé, chỉ còn lại một lượng ít ghế ngồi, ghế phụ. Tuy nhiên, các chuyến tàu xuất phát vào các thời gian khác, các tuyến khác vẫn còn nhiều vé, nhất là vé ghế ngồi.
Trước đó, thông tin từ Công ty CP Vận tải đường sắt Sài Gòn cho biết, doanh nghiệp này tổ chức chạy thêm 87 chuyến tàu đi từ Sài Gòn đến Phan Thiết, Nha Trang, Quy Nhơn, Quảng Ngãi, Hà Nội và ngược lại, Nha Trang đến Huế và ngược lại trong dịp nghỉ lễ 30/4 và 1/5 năm nay với gần 43.500 chỗ trong các ngày từ 25/4 đến 5/5, tập trung trên các tuyến Sài Gòn - Phan Thiết, Sài Gòn - Nha Trang, Sài Gòn - Quy Nhơn, Sài Gòn - Quảng Ngãi, Nha Trang - Huế và Sài Gòn - Hà Nội.
Tại khu vực phía Bắc, Công ty CP Vận tải đường sắt Hà Nội cũng công bố tổ chức chạy thêm 43 chuyến tàu. Riêng tuyến Hà Nội - Sài Gòn, chạy thêm 41 chuyến với khoảng 20.000 chỗ. Doanh nghiệp này cũng duy trì chạy thường xuyên 12 đôi/ngày trên các tuyến Hà Nội - Lào Cai, Hà Nội - Hải Phòng, Hà Nội - Đồng Đăng, Hà Nội - Quán Triều, Yên Viên - Hạ Long. Các tàu đều được nối thêm tối đa số lượng toa xe trong mỗi đoàn tàu, tương đương cung cấp thêm khoảng 14.000 chỗ.
Theo Công ty CP Vận tải đường sắt Sài Gòn, các mác tàu khu đoạn xuất phát từ Sài Gòn đi Phan Thiết, Nha Trang, Quy Nhơn, Quảng Ngãi các ngày 26, 27/4 đã hết vé; một số mác tàu Thống nhất như SE, tàu Sài Gòn - Huế vẫn còn nhiều vé đi chặng xa.
Ở phía Bắc, các mác tàu Thống nhất chạy các ngày từ 26 đến 28/4 còn hơn 3.000 vé các loại chỗ; nhưng tàu Hà Nội - Đà Nẵng chỉ còn hơn 100 chỗ; tàu Hà Nội - Vinh còn hơn 700 chỗ nhưng chủ yếu là ghế ngồi.
Ông Nguyễn Hoàng Huy, Phó giám đốc Bến xe Miền Đông cho biết, lượng khách tập trung chủ yếu vào các tuyến đường có cự ly trung bình ngắn và các khu du lịch, nghỉ dưỡng trên các tuyến từ Quảng Ngãi, khu vực Tây Nguyên trở vào phía Nam, khu vực miền Tây và nhất là các tuyến đi đến trung tâm du lịch như: Vũng Tàu, Đà Lạt, Phan Thiết, Nha Trang...
Còn theo lãnh đạo Bến xe Miền Tây, dịp lễ 30/4 và 1/5, lượng khách đi lại qua bến dự báo tăng từ 2% - 4%. Cao điểm là ngày 27/4, lượng hành khách có thể qua bến khoảng từ 62.000 - 65.000 lượt. Các đơn vị kê khai tăng giá vé không quá 40% so với mức giá vé ngày thường.
Tương tự, lãnh đạo Công ty CP Bến xe Hà Nội cho biết, một số tuyến dự kiến sẽ có lượng hành khách tăng mạnh đều là các tuyến ngắn như Phú Thọ, Quảng Ninh, Nam Định, Thanh Hoá, Thái Bình, Lào Cai, Sơn La, Điện Biên…
Để đảm bảo quyền lợi chính đáng cho hành khách, các bến xe đều khuyến cáo hành khách có nhu cầu nên đến trực tiếp các quầy vé tại bến để mua. Trong trường hợp mua vé tại các điểm bán vé bên ngoài, cần tham khảo giá vé và các thông tin chuyến đi trên website để biết trước giá vé. Khi mua vé, kể cả mua vé tại các quầy vé trong bến, hành khách cần kiểm tra các thông tin đầy đủ trên vé và chỉ thanh toán tiền theo đúng giá tiền được ghi trên vé, không phải thanh toán thêm khoản tiền nào ngoài giá tiền đã ghi trên vé.
CSGT toàn quốc mở cao điểm xử lý xe khách vi phạm
Chiều 16/4, trao đổi với PV Báo Giao thông, Thượng tá Nguyễn Quang Nhật, Phó trưởng phòng Hướng dẫn tuyên truyền, điều tra, giải quyết TNGT (Cục CSGT, Bộ Công an) thông tin, Cục CSGT vừa mở đợt cao điểm xử lý xe ô tô chở khách vi phạm trật tự ATGT trên địa bàn cả nước. Theo kế hoạch này, từ nay đến hết ngày 10/5, Cục CSGT sẽ phối hợp với Phòng CSGT Công an các tỉnh, thành phố trên toàn quốc mở cao điểm TTKS, xử lý nghiêm xe ô tô chở khách vi phạm trật tự ATGT.
Lực lượng CSGT các đơn vị sẽ huy động tối đa lực lượng, phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ, tuần tra kiểm soát trên các tuyến quốc lộ và đường cao tốc… tập trung xử lý các vi vi phạm về quy tắc giao thông và điều kiện của người điều khiển và phương tiện xe khách.
Đồng thời, thông qua hoạt động tuần tra kiểm soát, CSGT chủ động phối hợp, đấu tranh có hiệu quả với các loại tội phạm hoạt động trên tuyến giao thông đường bộ như cướp, cướp giật, đối tượng có lệnh truy nã; vận chuyển ma túy, hàng lậu, gian lận thương mại; chống người thi hành công vụ… Khi gặp các hành vi chống đối, phải chủ động và phối hợp với các lực lượng khác đấu tranh, ngăn chặn, lập hồ sơ ban đầu và chuyển giao cho các cơ quan chức năng giải quyết theo quy định.
V. Huế
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận