Các chuyên gia năng lượng và hàng hải dự đoán, việc Iran bắt giữ tàu chở dầu và một số động thái khác trên eo biển Hormuz tuần vừa qua đang và sẽ ảnh hưởng nặng nề tới các công ty vận tải như làm tăng phí bảo hiểm và có thể cuối cùng sẽ làm giảm lưu lượng tàu chở dầu trên tuyến đường thuỷ quan trọng này, chưa kể giá dầu thế giới sẽ phi mã kể cả không xảy ra xung đột tại đây.
Cuối tuần qua, Iran bắt giữ một tàu chở dầu mang cờ Anh tại eo biển Hormuz - nơi có 1/5 lượng dầu thô xuất khẩu vận chuyển qua đây và một tàu mang cờ Liberia cũng bị tạm giữ trong thời gian ngắn.
“Nếu động thái kiểu này tiếp diễn, các bạn có lẽ sẽ thấy mọi người bắt đầu tránh né vịnh Ba Tư hoặc cố gắng đổi cờ tàu để không mang mác tàu chở dầu của Anh”, nhà kinh tế năng lượng Micheal Lynch cho biết. “Tác động trong ngắn hạn chủ yếu rơi vào ngành vận tải, như phí bảo hiểm cao hơn”, ông Lynch cho biết thêm.
Theo nhà nghiên cứu đến từ Đại học Columbia - Richard Nephew, những động thái bắt giữ tàu chở dầu cùng một số vụ tấn công nhỏ nhưng bí hiểm liên quan tới các loại tàu này có thể tạo ra “rủi ro thực sự” đối với các công ty vận hành trên vùng Vịnh cùng các nhà bảo hiểm đang bảo vệ cho họ.
Hiện tại, có khoảng 2.000 công ty đang vận hành tàu di chuyển trong khu vực vùng Vịnh và eo biển Hormuz đã yêu cầu tàu thuyền của họ chỉ di chuyển qua Hormuz vào ban ngày với tốc độ cao; chỉ một nhóm nhỏ công ty tạm ngừng vận tải.
Căng thẳng vùng Vịnh còn đẩy giá dầu tăng nhẹ. Giá dầu thô Brent tiêu chuẩn quốc tế tăng 0,9% lên 62,47 USD thùng trong phiên giao dịch cuối tuần. Theo một số chuyên gia, thực tế giá dầu không tăng mạnh phản chiếu thái độ khá bình tĩnh trên thị trường này.
Tuy nhiên, “trong tương lai, một khi giá dầu tăng gấp đôi thì việc phần còn lại của thế giới không có dầu để sử dụng không phải là điều khó tưởng tượng”, ông Lawrence Brennan, Luật sư hàng hải kiêm Giáo sư tại Đại học Fordham cho biết.
Hiện tại, Mỹ đang tự cung cấp năng lượng nhưng nhiều nền kinh tế thế giới như Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc phụ thuộc nặng nề vào dầu mỏ vùng Vịnh. Khu vực này cung cấp khoảng 1/3 lượng vận tải dầu đường biển.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận