Ngôi nhà bà Lựu, nơi xảy ra vụ án mạng |
Những vụ người tâm thần giết người “lãng xẹt”
Mới đây, tối 2/8, tại thôn Ngoại Đàm, xã Phượng Hoàng, huyện Thanh Hà, tỉnh Hải Dương lại xảy ra vụ án mạng do người bị bệnh tâm thần gây chấn động. Hung thủ là Phạm Duy Quý (SN 1993, trú tại thôn Ngoại Đàm, xã Phượng Hoàng) bị tâm thần phân liệt đã nhiều năm. Tuy nhiên, do không muốn người ngoài biết chuyện, bố mẹ Quý không đưa con tới bệnh viện và âm thầm mua thuốc, thuê y tá riêng tự điều trị cho con tại nhà. Trước thời điểm xảy ra án mạng, Quý bị ám ảnh bởi ý nghĩ sẽ bị người nhà bán đi nơi khác nên lên kế hoạch “tự bảo vệ” mình bằng cách chuẩn bị sẵn hung khí phòng lúc xảy ra chuyện sẽ ra tay. Khoảng 19h tối 2/8, Quý về nhà đúng lúc ông Phạm Duy Tuấn (SN 1962 - bố đẻ Quý) đang lúi húi trong bếp. Đột nhiên ý nghĩ về việc sẽ bị gia đình bán đi bùng lên trong đầu, Quý nổi cơn điên vớ lấy con dao rựa xông tới chém liên tiếp vào người bố xấu số. Sau đó, Quý thấy mẹ là bà Nguyễn Thị Thơm (SN 1968) đang trong nhà tắm, nên cũng xông vào chém nạn nhân chết tại chỗ. Nghe tiếng động lạ, bà Nguyễn Thị Lan (SN 1932 - bà nội Quý) và chị Phạm Thị Hằng (SN 1987, chị họ Quý) sinh sống liền kề chạy sang cũng bị Quý dùng dao chém chết. Chém chết bốn người thân xong, Quý thản nhiên đạp xe lên trụ sở Công an huyện Thanh Hà thông báo tỉnh rụi, “cháu vừa giết cả nhà rồi, chú công an cho cháu đi tù với”, rồi lăn ra ghế ngủ ngon lành.
Năm 2012, tất cả người dân xã Yên Hưng (huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái) bàng hoàng khi chứng kiến vụ án mạng xảy ra tại nhà bà Phạm Thị Lựu (SN 1962, trú tại thôn 8, xã Yên Hưng). Nạn nhân - ông Đặng Ngọc Thới (SN 1963, chồng bà Lựu) được phát hiện trong vũng máu, phần đầu bị chém gần như đã lìa.
Hung thủ, không phải ai xa lạ chính là Đặng Văn Thắng (SN 1988, con đẻ vợ chồng ông Thới). Thắng bị TNGT năm 2010, chấn thương sọ não, suốt ngày chỉ lảm nhảm nói một mình, không giao tiếp với ai. Một ngày, bà Lựu bỗng nhận thấy con trai thường xuyên để ý mọi hành động của mẹ, nhìn cơ thể mẹ một cách chăm chú và bất ngờ lao tới ôm chặt lấy bà Lựu. Trong lúc ôm mẹ, Thắng ngẩng mặt lên cười hềnh hệch rồi nói một câu khiến bà Lựu lạnh sống lưng: “Mẹ ơi! Cho con làm tí”. Chuyện đến tai ông Thới. Thắng bị bố mắng cho một trận. Sau ngày bị bố mắng, Thắng âm thầm kiếm một con dao rựa mài thật sắc rồi để ngay đầu giường ngủ của mình. Lo ngại con trai tính khí thất thường dễ làm chuyện dại dột, hàng đêm, bà Lựu đều đợi Thắng ngủ say rồi đem con dao giấu đi. Thế nhưng, tối 22/8/2012, bà Lựu mệt quá ngủ quên, và tai họa đã ập đến. “Lúc ấy khoảng 22h, tôi đang ngủ thì nghe một tiếng động lớn. Giật mình tỉnh dậy thấy thằng Thắng đang lăm lăm con dao trên tay đứng cạnh đầu giường. Thấy tôi tỉnh lại nó vứt dao bỏ chạy ra sau nhà. Đến khi nhìn sang bên cạnh thì người chồng tôi đã đầy máu”, bà Lựu nhớ lại đêm kinh hoàng đó.
Bà Lựu kể lại sự việc |
Chế tài quản lý bắt buộc
Hàng loạt vụ án mạng do người tâm thần gây ra đã rung lên tiếng chuông báo động về mối nguy hiểm rình rập tính mạng những người dân thường xuyên sống cùng, tiếp xúc với những bệnh nhân tâm thần. Trong lúc không thể kiểm soát được hành vi, họ có thể gây ra bất cứ tội ác nào.
Trên thực tế, Chính phủ đã ban hành Nghị định 64/2011/NĐ-CP về việc thi hành biện pháp bắt buộc chữa bệnh tâm thần. Tuy nhiên, theo như Nghị định trên thì việc bắt buộc chữa bệnh này chỉ áp dụng trong phạm vi tố tụng hình sự theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền, tức là khi có hậu quả hành vi vi phạm pháp luật hình sự. Như vậy trách nhiệm đưa người bị bệnh tâm thần đi khám điều trị phải do sự tự nguyện của gia đình, nó phụ thuộc vào điều kiện, hoàn cảnh kinh tế, cũng như nhận thức của từng gia đình có người bị bệnh.
Luật sư Bùi Đình Ứng - Trưởng Văn phòng Luật sư Bùi Đình Ứng (Đoàn Luật sư Hà Nội) cho biết, để nâng cao công tác quản lý đối với những người tâm thần điều trị tại gia, Điều 606, Bộ luật Dân sự đã quy định, những cá nhân, tổ chức có trách nhiệm giám hộ hoặc đề nghị người giám hộ bệnh nhân tâm thần (người nhà bệnh nhân, chính quyền địa phương) phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho những bị hại do người tâm thần gây ra trong trường hợp người bị bệnh tâm thần được miễn trách nhiệm hình sự còn người giám hộ không chứng minh được mình không có lỗi trong việc giám hộ. |
PGS.TS. Trịnh Hòa Bình, Giám đốc Trung tâm Điều tra Dư luận Xã hội và Truyền thông đại chúng (Viện Xã hội học Việt Nam) cho rằng, để quản lý tốt hơn người bị bệnh tâm thần và phòng ngừa những hậu quả đáng tiếc do họ gây ra, cần một chế tài bắt buộc đưa những người bị bệnh vào quản lý của một cơ quan, đơn vị cụ thể. Nhưng trước tiên, các ban ngành cũng cần phải ngồi lại với nhau xem có nên cho gia đình, địa phương quản lý những người tâm thần đang điều trị tại nhà như hiện nay nữa hay không? “Nhìn vào các vụ thảm án đã xảy ra, chúng ta có thể dễ dàng nhận ra rằng, công tác quản lý người tâm thần tại gia đình chưa được thực hiện đến nơi đến chốn”, PGS.TS. Trịnh Hòa Bình nói.
Lý giải về tình trạng các gia đình vẫn “ngại” đưa con em đi chữa trị tại các bệnh viện mà lựa chọn hình thức quản lý, chữa trị tại gia, PGS.TS. Trịnh Hòa Bình cho rằng, do xã hội hiện nay vẫn còn định kiến với người bệnh tâm thần nên thiếu sự quan tâm, chia sẻ. Thậm chí, một số gia đình còn tìm cách giấu bệnh, tự điều trị gây khó khăn trong việc quản lý bệnh nhân tâm thần của cơ quan chức năng.
“Theo các bác sĩ chuyên khoa tâm thần, các bệnh nhân đa số mắc bệnh tâm thần phân liệt do những biến đổi sinh học phức tạp hoặc tác động tâm lý bất lợi. Ngoài ra, còn có những dạng tâm thần khác như trầm cảm, rối loạn hành vi, sa sút tâm thần, loạn thần vì uống rượu... Những người bị bệnh như vậy về mặt y khoa cần phải được điều trị tập trung tại các cơ sở Y tế, bệnh viện, trung tâm điều trị chuyên khoa mới có hiệu quả”, PGS.TS. Trịnh Hòa Bình cho hay.
Nguyễn Quý
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận