Tài chính

Cảnh báo “bom” trái phiếu doanh nghiệp từ vụ VsetGroup

22/12/2021, 07:00

Qua những hành vi của VsetGroup, dư luận hoàn toàn có thể đặt câu hỏi về tính mập mờ, thiếu minh bạch của doanh nghiệp này.

Đồng thời, sự việc cũng phần nào cho thấy độ rủi ro ở mức rất cao đối với các nhà đầu tư đã lỡ mua và nắm giữ lượng trái phiếu do doanh nghiệp này phát hành.

Gần 700 nhà đầu tư “dính chưởng”

Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) vừa công bố đường dây nóng để tiếp nhận các phản ánh của nhà đầu tư đã mua trái phiếu của Tập đoàn VsetGroup muốn hoàn lại tiền nếu không được công ty giải quyết.

img

Theo cảnh báo của Bộ Tài chính, việc không đánh giá, phân tích được rủi ro sẽ khiến nhà đầu tư nghiệp dư, nhỏ lẻ có thể mất trắng số tiền mua trái phiếu do doanh nghiệp phát hành

UBCKNN cũng đang phối hợp với Cục CSĐT Tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu (Bộ Công an) để xem xét xử lý vụ việc của công ty này.

Vụ việc của Tập đoàn VsetGroup đã gây ra sóng gió trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp khi cơ quan quản lý nhà nước vô hiệu hoá toàn bộ trái phiếu phát hành năm 2021 của doanh nghiệp này do vi phạm Luật Chứng khoán.

Số lượng trái phiếu riêng lẻ này được VsetGroup chào bán hồi quý II năm nay, mệnh giá từ 5 triệu tới 1 tỷ đồng, kỳ hạn 12 - 60 tháng.

Theo thông tin phát hành, đây là trái phiếu không chuyển đổi, đảm bảo bằng bất động sản, không kèm chứng quyền. Tổng mệnh giá trái phiếu phát hành là 327,5 tỷ đồng, dưới hình thức bút toán ghi sổ, lãi suất 12%/ năm.

Nhiều viễn cảnh được VsetGroup đưa ra, trong đó có việc hoạt động phát hành trái phiếu sẽ gắn với hoạt động kinh doanh với hệ sinh thái gồm 8 công ty thành viên với nhiều dự án hấp dẫn.

Trong khi đó, qua kiểm tra, UBCKNN phát hiện từ ngày 1/1/2020 - 27/10/2021 VsetGroup đã mời chào trên phương tiện thông tin đại chúng để nhà đầu tư tiếp cận, mua trái phiếu nhưng khi chào bán VsetGroup đã không nộp hồ sơ đăng ký với UBCKNN.

Theo báo cáo của VsetGroup, trong khoảng thời gian trên, công ty đã ký 678 hợp đồng mua bán trái phiếu với tổng giá trị hơn 208,6 tỷ đồng.

Tuy nhiên, khi được cơ quan chức năng yêu cầu, công ty không cung cấp các hợp đồng đã ký, cũng không cung cấp được hồ sơ, tài liệu liên quan đến sử dụng số tiền thu được phát hành trái phiếu.

Đặc biệt, các khoản tiền thu từ phát hành trái phiếu được các cá nhân trong công ty rút ra khỏi tài khoản của công ty và không được nhập quỹ đầy đủ, không được theo dõi trên sổ sách kế toán của công ty.

Ngày 5/12, UBCKNN đã xử phạt vi phạm hành chính VsetGroup 600 triệu đồng, buộc VsetGroup phải thu hồi chứng khoán đã chào bán; Hoàn trả cho nhà đầu tư tiền mua chứng khoán hoặc tiền đặt cọc (nếu có) cộng thêm tiền lãi tính theo lãi suất tiền gửi không kỳ hạn của ngân hàng.

“Hiện nay, UBCKNN đang tiếp tục thực hiện thủ tục để xử phạt một doanh nghiệp đối với hành vi tương tự”, đại diện UBCKNN cho biết.

Sửa Nghị định để “vá lỗ thủng”

Thông tin về trái phiếu doanh nghiệp, một đại diện Bộ Tài chính cho biết, Bộ đã nhiều lần cảnh báo nhà đầu tư phải tự đánh giá rủi ro và tự chịu trách nhiệm.

Pháp luật quy định chỉ nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp mới được mua và giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ.

Mọi hành vi “lách” luật để mua nhưng không đánh giá, phân tích được rủi ro sẽ khiến nhà đầu tư cá nhân nghiệp dư có thể không thu hồi được số tiền mua trái phiếu.

Kể từ năm 2019, hoạt động phát hành trái phiếu doanh nghiệp trở nên sôi động.

Lãi suất trái phiếu doanh nghiệp khi đó, nhất là trái phiếu do doanh nghiệp bất động sản phát hành có lúc lên tới 17%/năm, gấp 2- 3 lần lãi suất gửi tiết kiệm ngân hàng khiến nhà đầu đổ xô mua bất chấp rủi ro.

Tuy lãi suất giảm xuống 10-12%/năm song trong hai năm 2020 và 2021, hoạt động phát hành trái phiếu doanh nghiệp vẫn cực kỳ sôi động, hàng trăm hàng nghìn tỷ đồng mỗi đơn vị.

Theo số liệu từ Hiệp hội Trái phiếu, cả năm 2020, tổng giá trị trái phiếu doanh nghiệp phát hành thành công là 368 nghìn tỷ đồng, tăng 24% so với năm 2019, trong đó chủ yếu là trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ.

Còn trong 11 tháng năm 2021, theo số liệu từ Bộ Tài chính, khối lượng phát hành trái phiếu rất cao khi đạt trên 495.000 tỷ đồng.

Trong đó khối lượng trái phiếu doanh nghiệp phát hành riêng lẻ chiếm 94,5%, còn lại là trái phiếu doanh nghiệp phát hành ra công chúng chiếm 5,5%.

Đáng chú ý, trong số các trái phiếu doanh nghiệp phát hành riêng lẻ từ đầu năm 2021 tới nay, trái phiếu doanh nghiệp có tài sản đảm bảo chỉ chiếm 50,9%; còn lại trái phiếu không có tài sản đảm bảo chiếm 49,1%.

Bộ Tài chính cho biết, trong số 300 doanh nghiệp phát hành trái phiếu riêng lẻ trong các tháng đầu năm 2021, có 207 doanh nghiệp phát hành trái phiếu có tài sản đảm bảo nhưng tài sản đảm bảo của trái phiếu lại chủ yếu là bất động sản, chứng khoán, chương trình, dự án.

Đại diện Bộ Tài chính cho biết, mặc dù tỷ lệ trái phiếu có tài sản đảm bảo cao nhưng thực tế chất lượng tài sản đảm bảo chủ yếu là các dự án, tài sản hình thành trong tương lai hoặc cổ phiếu của doanh nghiệp.

Giá trị của các tài sản này thường không định giá được chính xác hoặc có biến động mạnh theo diễn biến thị trường.

“Do đó, trường hợp thị trường bất động sản hoặc thị trường chứng khoán có biến động, giá trị tài sản đảm bảo có thể không đủ để thanh toán gốc, lãi trái phiếu”, đại diện Bộ Tài chính nói và cho biết tài sản đảm bảo của trái phiếu cũng có thể dùng để bảo đảm cho các khoản vay, khoản phát hành trái phiếu khác của doanh nghiệp. Do đó, nhà đầu tư cần đánh giá kỹ các rủi ro này.

Trên thực tế, số lần cảnh báo mà Bộ Tài chính phát ra kể từ đầu năm năm 2021 tới nay dày đặc và nhiều hơn các năm trước cộng lại bởi rất nhiều nhà đầu tư không đánh giá hết được rủi ro của trái phiếu doanh nghiệp và tình hình tài chính của doanh nghiệp phát hành.

Bởi thời gian qua trên thị trường vẫn có trường hợp doanh nghiệp phát hành trái phiếu doanh nghiệp với khối lượng lớn trong khi vốn chủ sở hữu nhỏ, kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh lỗ qua các năm.

Đặc biệt đối với nhóm bất động sản, trong số hơn 100 doanh nghiệp phát hành trái phiếu riêng lẻ năm 2021 thì có 26 doanh nghiệp ghi nhận lỗ trong 6 tháng đầu năm 2021.

Tại thời điểm 30/6/2021, hệ số nợ vay trên vốn chủ hữu bình quân của các doanh nghiệp bất động sản niêm yết là 2,5 lần, trong khi tỷ lệ này của các doanh nghiệp bất động sản chưa niêm yết là 8,1 lần.

Đến nay, Bộ Tài chính đã có đánh giá việc thực hiện Nghị định 153 về phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ (có hiệu lực từ 1/1/2021) và đã hoàn tất dự thảo sửa đổi nghị định này, đang lấy ý kiến góp ý.

Theo đó, nhiều nội dung mới đã được cơ quan soạn thảo sửa đổi, bổ sung như: Quy định về mục đích phát hành trái phiếu nhằm tăng cường trách nhiệm và nghĩa vụ của doanh nghiệp phát hành trong việc sử dụng tiền thu từ phát hành trái phiếu; quy định về xếp hạng tín nhiệm đối với một số loại trái phiếu phát hành, nhằm tăng tính công khai, minh bạch; cách thức xác định nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp là đối tượng được phép đầu tư và giao dịch trái phiếu doanh nghiệp phát hành riêng lẻ…

Liên quan tới công tác thanh, kiểm tra, đại diện Bộ Tài chính cho biết, đợt kiểm tra vừa qua UBCKNN mới kiểm tra tại 9 công ty chứng khoán và 2 doanh nghiệp phát hành, bước đầu đã ghi nhận và triển khai thực hiện thủ tục xử phạt vi phạm hành chính 2 doanh nghiệp phát hành và 1 công ty chứng khoán.

Trong thời gian tới, UBCKNN sẽ tiếp tục kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ việc phát hành trái phiếu của các doanh nghiệp phát hành với quy mô lớn so với vốn tự có, phát hành không có tài sản đảm bảo và phát hành nhiều đợt.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.