Biến chứng hoại tử, dễ bị cắt cụt chi
Mới đây, ông T.H.P (69 tuổi, ở TP.HCM) được gia đình đưa tới BV ĐH Y Dược TP.HCM trong tình trạng chân lở loét, đau đớn. Sau khi thực hiện các xét nghiệm, bác sĩ xác định nguyên nhân khiến chân bệnh nhân bị lở loét là do tắc hẹp động mạch chi. Theo đánh giá của bác sĩ điều trị, nếu đến trễ hơn bệnh nhân phải đối mặt với nguy cơ cắt cụt chân.
Siêu âm chẩn đoán tắc hẹp động mạch chi dưới
Tương tự, một nam bệnh nhân khác tên N.V.P (65 tuổi, ở TP.HCM) cũng nhập viện khi cẳng chân đau và tím tái. Qua kiểm tra cận lâm sàng, siêu âm doppler mạch máu chi dưới, bác sĩ phát hiện bệnh nhân bị thuyên tắc huyết khối động mạch chậu, đùi và khoeo 2 chân. Ngay sau đó, nam bệnh nhân được chỉ định phẫu thuật lấy huyết khối động mạch chậu, đùi, khoeo chân trái; phẫu thuật cắt cụt đùi bên phải.
Chia sẻ về căn bệnh này, theo TS BS. Trần Thanh Vỹ, Trưởng khoa Lồng ngực - Mạch máu BV ĐH Y Dược TP.HCM, bệnh tắc hẹp động mạch chi (hay còn gọi là bệnh động mạch ngoại biên) là tình trạng xơ vữa động mạch ở các chi gây thiếu máu cục bộ.
Bệnh này phần lớn xuất hiện ở nam giới. Ngoài ra, người lớn tuổi, người mắc đái tháo đường, tăng cholesterol máu, tăng huyết áp, tăng homocystein máu hoặc người bị béo phì, hút thuốc lá nhiều cũng là những đối tượng có nguy cơ cao mắc bệnh lý này.
Bệnh ít triệu chứng điển hình, dễ nhầm lẫn
Theo BS. Vỹ, ở giai đoạn bệnh khởi phát, hơn 75% trường hợp không có triệu chứng. Nếu có, thường là những cơn đau nhẹ ở bắp chân, sẽ biến mất sau khi nghỉ ngơi. Cũng vì vậy mà những cơn đau này thường bị nhầm lẫn là do viêm khớp, bệnh lý cơ hay biểu hiện của tuổi già.
Ở giai đoạn nặng, cơn đau sẽ tiếp diễn ngay cả khi nghỉ ngơi, khả năng vận động của người bệnh bị giới hạn. Về lâu dài, các vết lở loét, hoại tử ở chân bắt đầu xuất hiện và lan rộng, da đầu chi đen, các cơn đau cũng nặng nề hơn.
TS. BS. Trần Quang Nam, Trưởng khoa Nội tiết BV ĐH Y Dược TP.HCM cũng cảnh báo biến chứng loét chi do bệnh tắc hẹp động mạch chi, thường bắt đầu ở phần xa nhất của chi, tức là tại các đầu ngón tay hoặc ngón chân. Nguyên nhân là do lượng mạch máu bị tắc hẹp tăng lên, lưu lượng máu cung cấp cho các chi bị giảm sút. Các phần chi ở xa không có đủ oxy và chất dinh dưỡng để duy trì sự sống, ngọn chi bắt đầu bầm tím, loét và hoại tử đen.
Tắc hẹp động mạch chi nếu không được điều trị sẽ có tiên lượng rất xấu. Trong một số trường hợp, người bệnh buộc phải cắt cụt chi để bảo toàn tính mạng. Có khoảng 25% người bệnh tắc hẹp động mạch chi sẽ tử vong và 30 - 40% còn lại phải cắt cụt chi.
Phần lớn các trường hợp tử vong ở người bệnh tắc hẹp động mạch chi là do các biến cố về tim mạch như nhồi máu cơ tim, tai biến mạch máu não. Nếu người bệnh không điều trị tốt, tỷ lệ tử vong trong 5 năm tiếp theo là rất cao.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận