Nhiều học sinh chấn thương sọ não do chủ quan với MBH
Mặc dù đã có quy định về việc bắt buộc đội mũ bảo hiểm đối với người tham gia giao thông bằng phương tiện xe máy, xe điện. Tuy nhiên, nhiều người dân, mà chủ yếu là học sinh, sinh viên vẫn chủ quan không đội mũ bảo hiểm.
Tại BV Hữu nghị Việt Đức, N.T.V (16 tuổi, Hà Nội) nhập viện trong tình trạng chấn thương sọ não, chảy máu não, chấn thương bụng và nách. Tai nạn xảy ra khi V đi xe máy điện, do vội tới trường nên va chạm mạnh với xe ô tô cùng chiều, lại không đội MBH khiến chấn thương nặng. Rất may mắn, sau một tuần điều trị, V dần hồi phục.
Cũng tại đây, một bệnh nhân khác cùng độ tuổi với V, bị tai nạn khi đang trên đường đi học về dẫn đến tụ máu não, phải mổ cấp cứu. Theo thông tin từ gia đình, bệnh nhân có đội mũ bảo hiểm nhưng là loại mũ thời trang, chất lượng kém.
Theo các bác sĩ tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, trung bình mỗi tháng, bệnh viện tiếp nhận từ 2 đến 3 trường hợp là học sinh bị chấn thương sọ não do TNGT, để lại những hậu quả rất nặng nề.
Cũng theo một thống kê của các bác sĩ BV Hữu nghị Việt Đức trong khoảng thời gian tháng 5-7/2023, trong tổng số 343 trường hợp bệnh nhân chấn thương vào cấp cứu thì nam chiếm đa số 71,4%, nữ chiếm 28,6%; trong độ tuổi lao động từ 15 đến 59 chiếm 63%, trên 60 tuổi chiếm 32,6%, dưới 15 tuổi chỉ chiếm 4,4%. Trong số này, TNGT là 211 trường hợp, chiếm cao nhất 61,5%, ngã chiếm 23%.
Phương tiện giao thông liên quan tai nạn có 74,4% là xe máy, 7,1% người đi bộ và 7,4% là người đi xe đạp. Thời điểm tai nạn 6-14h chiếm cao nhất, là 42,3%.
Tổn thương của nạn nhân gồm chấn thương sọ não chiếm 55,4%, gãy xương chiếm 38,5%, chấn thương hàm mặt 25,1%, chấn thương cột sống chiếm 21%. Từ các con số phân tích, nhóm nghiên cứu cho rằng, TNGT vẫn chiếm tỷ lệ cao các trường hợp cấp cứu chấn thương tại bệnh viện và chấn thương sọ não đứng đầu nhóm nguy cơ tử vong.
Ngoài xe máy chiếm đa số, các trường hợp đi bộ và xe thô sơ cũng liên quan TNGT.
Theo các chuyên gia y tế, để hạn chế và ngăn chặn những tai nạn không đáng có xảy ra với đối tượng học sinh, gia đình và nhà trường cần có sự phối hợp chặt chẽ hơn trong việc nhắc nhở, giám sát con em tuân thủ đúng Luật Giao thông đường bộ. Từ việc đẩy mạnh ý thức chấp hành pháp luật trật tự ATGT của mỗi người mới giảm được tai nạn nói chung và chấn thương sọ não nói riêng.
Lưu ý tổn thương mạch máu não trong chấn thương sọ não
Tổn thương mạch máu não (thường là phình bóc tách động mạch não gây tắc mạch) sau chấn thương sọ não không phổ biến, chiếm tỷ lệ khoảng 1% các bệnh nhân chấn thương. Tuy nhiên, nếu không được phát hiện kịp thời và điều trị tích cực ngay từ đầu thì bệnh nhân có nguy cơ tử vong cao và di chứng thần kinh vô cùng nặng nề.
Đại tá TS Lê Đình Toàn, CNK Khoa Hồi sức Thần kinh, Viện Thần kinh, Bệnh viện TWQĐ 108 cảnh báo tình trạng tổn thương mạch máu não sau chấn thương dù không phổ biến. Các bác sĩ cấp cứu tránh chủ quan khi không thấy có tổn thương nhu mô não trên phim cắt lớp vi tính, cần thăm khám lâm sàng cẩn thận, đánh giá kỹ cơ chế chấn thương, tiến hành chụp mạch não cho bệnh nhân để khảo sát, đánh giá nguy cơ tổn thương mạch não và có hướng xử lý kịp thời.
Ngược lại, nếu bỏ sót tổn thương đặc biệt tổn thương mạch máu não, không được xác định chẩn đoán sớm, người bệnh bị tổn thương mạch máu não sẽ có tổn thương thiếu máu não diện rộng lúc đó không còn chỉ định sử dụng các biện pháp tái thông mạch máu não. Hậu quả, nguy cơ tử vong tăng cao và bệnh nhân sống sót phải chịu đựng những di chứng nặng nề như rối loạn ý thức, rối loạn ngôn ngữ, liệt tay chân.
"Chính vì vậy sau TNGT ngoài các thương tổn thường gặp sau chấn thương chúng ta cần đặc biệt chú ý đến tổn thương mạch máu não. Không nên chủ quan mà cần theo dõi tình hình sức khỏe, nếu có bất thường bệnh nhân cần nhanh chóng đến bệnh viện để các bác sĩ kiểm tra và chẩn đoán chính xác, kịp thời, tránh hậu quả và biến chứng nặng nề xảy ra", BS Toàn khuyến cáo.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận