Nhiều hồ thuỷ điện dưới mực nước chết
Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) vừa đưa ra cảnh báo khẩn khi hệ thống điện quốc gia đối mặt nhiều khó khăn khi thời tiết nắng nóng gay gắt kéo dài diện rộng.
EVN cho biết, đợt nóng gay gắt đầu tháng 5 chỉ diễn ra trong ít ngày ở miền Bắc, nhưng công suất và sản lượng tiêu thụ điện ở miền Bắc và toàn quốc cũng đã lên rất cao.
Điển hình ngày 6/5, dù là ngày nghỉ cuối tuần (thường tiêu thụ thấp hơn ngày thường) nhưng công suất tiêu thụ toàn quốc cũng đã lên tới hơn 43.300 MW, chỉ cách đỉnh hơn 2.000 MW (tiêu thụ đỉnh 42.528 MW, được lập ngày 21/6/2022).
Mới vào mùa nóng, công suất tiêu thụ điện toàn quốc cũng đã lên tới hơn 43.300 MW, chỉ cách đỉnh hơn 2.000 MW
EVN cảnh báo, trong các tháng 5, 6, 7 tiếp theo, miền Bắc bước vào cao điểm nắng nóng, phụ tải hệ thống điện quốc gia tiếp tục có xu hướng tăng và dự báo cao hơn kế hoạch vận hành hệ thống điện Quốc gia đã được Bộ Công thương phê duyệt.
Trong khi đó, tình hình thủy văn các hồ thủy điện trong vài tháng trở lại đây có nhiều diễn biến bất lợi, thấp hơn so với trung bình nhiều năm.
Nhiều hồ thủy điện phía Bắc có lưu lượng nước về bằng khoảng 60-70% so với trung bình nhiều năm, còn các hồ ở khu vực miền Trung và miền Nam cũng có lượng nước về kém.
Cụ thể, có 10 hồ thủy điện thuộc EVN (Lai Châu, Trị An, Ialy, Bản Chát, Huội Quảng, Trung Sơn, Buôn Kuốp, Buôn Tua Srah, Srepok 3, Sông Ba Hạ) và nhiều hồ ngoài EVN đã về xấp xỉ hoặc dưới mực nước chết, với tổng công suất khoảng 4.500 MW.
“Sản lượng còn lại trong hồ toàn hệ thống là 4,5 tỷ kWh, thấp hơn 1,6 tỷ kWh so với kế hoạch, thấp hơn 4,1 tỷ kWh so với cùng kỳ năm 2022”, EVN cho biết.
EVN tính toán, trong những tháng tới, các tình huống cực đoan có thể xảy ra, như là: Công suất cực đại (Pmax) của miền Bắc tăng trưởng 15% so với cùng kỳ năm 2022; sự cố tổ máy hoặc chậm tiến độ sửa chữa, đưa vào vận hành nguồn mới; mức nước của các hồ thủy điện lớn giảm sâu...
Với những tình huống trên, EVN lưu ý, hệ thống điện miền Bắc sẽ gặp tình trạng rất khó khăn về cung cấp điện trong các tháng 5, 6; nhất là vào các giờ tiêu thụ điện cao điểm.
“Nếu tình trạng hạn hán diễn ra nghiêm trọng trên diện rộng, không có lũ hoặc lũ về ở mức thấp thì tình hình cung cấp điện có thể tiếp tục còn khó khăn trong thời gian tiếp theo”, EVN thông tin.
Tập đoàn này cũng đã có báo báo gửi Bộ Công thương về tình trạng nguy cấp cung ứng điện trong những tháng cao điểm mùa nắng nóng năm nay.
Tính toán xây dựng đường dây để nhập khẩu điện
Trước những khó khăn trên, EVN khuyến cáo khách hàng sử dụng tiết kiệm, nhất là vào các giờ cao điểm trưa (khoảng 11h30-14h30) và tối (20h-22h tối). Đồng thời, chú ý sử dụng hợp lý điều hoà nhiệt độ (đặt ở mức 26-27 độ trở lên, sử dụng kết hợp với quạt) và chú ý không nên sử dụng đồng thời nhiều thiết bị điện có công suất lớn.
Ông Võ Quang Lâm, Phó tổng giám đốc EVN cho biết thêm, tập đoàn đang nỗ lực nhiều giải pháp để đảm bảo cung cấp điện.
Ngoài làm việc với Tập đoàn Than khoáng sản TKV và Tổng công ty Đông Bắc để đảm bảo nguồn cấp than; tăng huy động các nhà máy điện gió, mặt trời ở những thời điểm có chi phí cạnh tranh hơn các nguồn điện từ than, dầu…, EVN còn tính toán đến nguồn điện nhập khẩu từ Trung Quốc và Lào.
Việc huy động thêm nguồn điện gió, mặt trời vẫn còn vướng. (Ảnh: Gia Hân)
Nhập khẩu điện từ Trung Quốc sẽ chủ yếu qua hai cửa khẩu là Hà Giang và Lào Cai. Tuy vậy, khả năng nâng công suất nhập khẩu điện từ nước này là không thực hiện được, do giới hạn về đường dây 220kV.
Vì vậy, ông Lâm cho biết EVN đang nghiên cứu để nhập khẩu điện qua đường dây 500kV.
Còn đối với việc nhập khẩu điện từ Lào, ông Lâm cho hay, đang ký hợp đồng với các chủ đầu tư cấp điện tại Lào với công suất 1.000MW. Các tuyến đường dây truyền tải cũng đang được đôn đốc xây dựng để sớm đưa nguồn điện từ Lào về qua tỉnh Quảng Nam.
Ngoài ra, EVN cũng nhập khẩu thêm qua hệ thống đường dây ở Tương Dương (Nghệ An) đã được xây dựng xong. Hiện các bên đang chờ hoàn thiện hệ thống đường dây phía Lào để kết nối.
Đối với các nguồn năng lượng tái tạo đang đàm phán giá chuyển tiếp, ông Lâm cho biết, EVN thực hiện theo chỉ đạo của Bộ Công thương đàm phán giá theo quyết định 21 về khung giá phát điện gió, mặt trời chuyển tiếp.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận