Chính quyền địa phương, cơ quan chức năng cảnh báo, người mua cần tìm hiểu kỹ nếu không muốn nhận “trái đắng”.
Đua nhau “thổi giá”
Dự án cao tốc TP.HCM - Mộc Bài bắt đầu từ Vành đai 3 thuộc huyện Củ Chi, TP.HCM, tuyến đi song song Quốc lộ 22 hiện hữu. Điểm cuối kết nối vào Quốc lộ 22 khu vực cửa khẩu Mộc Bài (huyện Bến Cầu, tỉnh Tây Ninh).
Ông Nguyễn Hữu Tài, Giám đốc Sở GTVT tỉnh Tây Ninh cho biết, dù dự án chưa triển khai nhưng đất ở khu vực huyện Củ Chi (TP.HCM) và huyện Gò Dầu, Bến Cầu (Tây Ninh) đang bị “thổi giá”.
Để ngăn chặn tình trạng phân lô bán nền, UBND xã Bình Mỹ (Củ Chi) cắm rất nhiều bảng cảnh báo Ảnh: Quang Phương
Chúng tôi liên hệ với anh Nguyễn Trí Hoàng, một “cò” đất tại xã Lợi Thuận, huyện Bến Cầu (sát cửa khẩu Mộc Bài) và được giới thiệu, tại đây hiện đang có hai loại đất bán là đất nền và bán mét ngang.
Theo đó, nền đất thổ cư hơn 100m2 hiện giá khoảng 800 triệu đồng/nền. Một mét ngang có giá 250 triệu đồng.
“Tôi có nguồn đất sẵn nên chuyển thổ cư rồi bán rẻ cho khách chứ nếu anh mua đất trong dân hiện giờ không mua nổi đâu, họ hét cao hơn thực tế 400 - 500 triệu đó!”, Hoàng nói.
Một “cò” đất khác tên Phan Việt giới thiệu khu đất tại xã Long Khánh (cách cửa khẩu Mộc Bài khoảng 8km), có chiều ngang 50m, dài 60m, được tách thành 3 sổ, giá khoảng 140 triệu đồng/m ngang, bán nguyên 3 lô là 6 tỷ đồng.
“Hiện tại là đất lúa, khu này đang khuyến khích xây nhà nên nếu anh mua, bên em hỗ trợ lên thổ cư. Đang có nhiều người đang hỏi mua lắm!”, Việt thúc giục.
Theo lời các “cò” đất ở đây, từ khi có thông tin quy hoạch cao tốc TP.HCM - Mộc Bài vào năm ngoái, người dân địa phương rao bán đất rất nhiều.
So với năm ngoái, giá đất tại huyện Bến Cầu đã tăng từ 30 - 50%, tăng mạnh nhất là những lô đất nằm trong quy hoạch dọc tuyến cao tốc.
Ở huyện Gò Dầu tình trạng mua đất dọc tuyến cao tốc cũng nhộn nhạo tương tự. Các tấm bảng rao bán đất được treo khắp nơi, trên cành cây, cột điện. Giá rao khoảng 500 triệu đồng/lô đất 100m2.
Còn tại huyện Củ Chi, tuyến đường cao tốc dự kiến sẽ đi ngang qua các xã Tân Thạnh Đông, Tân Thạnh Tây, Phước Vĩnh An, Tân An Hội, Nhuận Đức, Phước Thạnh, Trung Lập Hạ… giá đất cũng đang lên từng ngày.
Các tuyến đường Nguyễn Thị Rành, Tỉnh lộ 7, Tỉnh lộ 2… nhiều văn phòng giới thiệu nhà, đất mọc lên như nấm, các bảng bán đất được treo khắp các tuyến đường.
Anh Phan Diệp, người đang có khu đất hơn 4.000m2 (600m2 thổ cư) ở Tỉnh lộ 7 kêu giá hơn 26 tỷ đồng, cho biết: “Hiện Củ Chi không cho phân lô nên mua làm nhà xưởng cho thuê hoặc làm nhà biệt thự vườn là phù hợp. Ưng ý là chốt giá ngay chứ mai mốt cao tốc xây dựng thì không có giá đó nữa đâu”.
Sốt ảo, không có giao dịch
Các bảng thông báo bán đất được treo khắp các tuyến đường tại huyện Bến Cầu (Tây Ninh)
Quanh khu vực cửa khẩu Mộc Bài, nhiều bảng rao bán đất được treo khắp các tuyến đường, nhất là tuyến Quốc lộ 22.
Ông Hồ Văn Trụ, một người dân đang nhờ “cò” bán đất lúa tại xã Lợi Thuận (huyện Bến Cầu) cho hay: “Tôi có 5 sào đất, nhờ “cò” bán nhưng nhiều tháng qua chưa bán được. Nghe nói sắp mở cao tốc nên đất sẽ có giá cao nhưng mà gần cả năm nay bán có được đâu!”.
Theo Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Tây Ninh, từ đầu năm 2022 đến nay, trên địa bàn tỉnh có dấu hiệu sốt đất. Thống kê trong 6 tháng đầu năm nay, hồ sơ đất đai được Sở tiếp nhận lên đến hơn 134.500 hồ sơ, đã giải quyết hơn 128.700 hồ sơ.
Hồ sơ trễ hạn lên đến 4.700 hồ sơ. Vẫn còn gần 5.800 hồ sơ chưa giải quyết. Sở cũng đã cánh báo tình trạng đất sốt ảo tới người dân.
Trong khi đó, tại huyện Củ Chi, chính quyền nhiều xã cắm các bảng có nội dung cảnh báo, ngăn chặn tình trạng phân lô bán nền trên đất nông nghiệp.
Trên tuyến đường Hà Duy Phiên (nối Hóc Môn với Tỉnh lộ 8, đoạn gần nút giao cao tốc Mộc Bài - Tây Ninh với đường Vành đai 3), chính quyền xã Bình Mỹ đã cắm nhiều tấm biển đỏ thông báo về mức phạt hành chính trong lĩnh vực đất đai xây dựng.
Tại các thông báo này, chính quyền xã đặc biệt cảnh báo: Người dân không chuyển nhượng, mua bán đất đai bằng hình thức “giấy tay”, “vi bằng”.
Được biết, thời gia qua, tại Củ Chi có khá nhiều trường hợp các doanh nghiệp làm bất động sản vẽ ra các dự án “ma” để rao bán đất nền, thu tiền của khách hàng.
Mới đây, Cơ quan cảnh sát điều tra Công an TP.HCM thông báo tìm bị hại là khách hàng đã đóng tiền mua đất nền dự án khu dân cư BTF Củ Chi 3 của Công ty TNHH Địa ốc BTF Land (trụ sở quận Gò Vấp).
Tương tự thời gia qua, hàng chục khách hàng cũng đã kéo đến dự án khu nhà vườn Lucky Garden (xã Bình Mỹ) do Công ty CP Kim Tâm Hải làm chủ đầu tư để đòi đất. Bởi nhiều năm qua, chủ đầu tư không giao sổ, không giao nền đất cho khách hàng.
Các cơ quan chức năng ở TP.HCM và Tây Ninh cảnh báo: Mua đất đầu tư, đầu cơ là quyền và là việc bình thường trong cuộc sống nhưng tâm lý đám đông khiến xuất hiện tình trạng nhiều người bị lôi kéo làm thị trường nhảy giá loạn xạ và đó không phải là giá trị thực, rất rủi ro cho người đầu tư thiếu thông tin.
Cao tốc TP.HCM - Mộc Bài được HĐND TP.HCM và HĐND tỉnh Tây Ninh có nghị quyết chấp thuận đầu tư vào năm 2021.
Dự án được Chính phủ giao cho UBND TP.HCM làm chủ đầu tư, thời gian thực hiện năm 2022 - 2027.
Dự án có chiều dài 53,5km, trong đó đoạn qua TP.HCM dài 23,7km, còn lại đi qua tỉnh Tây Ninh. Ở giai đoạn 1, dự án có tổng vốn đầu tư 15.900 tỷ đồng theo phương thức đối tác công - tư, hợp đồng BOT.
Cao tốc TP.HCM - Mộc Bài cùng với các dự án giao thông trong khu vực đang triển khai sẽ hình thành một mạng lưới giao thông hoàn chỉnh trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, giúp tăng hiệu quả khai thác tuyến đường liên vận quốc tế nối TP.HCM - Campuchia.
Đồng thời góp phần chia sẻ lưu lượng giao thông và phá thế độc đạo của Quốc lộ 22, tăng cường an ninh quốc phòng, thúc đẩy mạnh mẽ phát triển kinh tế - xã hội của khu vực.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận