Kỳ 2: Phải về quê vì trụ không nổi
0h sáng 1/10, tại thị trấn Tân Túc (huyện Bình Chánh, TP.HCM), hàng nghìn lao động từ TP.HCM bị dồn ứ tại chốt kiểm soát dịch giữa TP.HCM và tỉnh Long An.
Đến 5h sáng, biển người đã tràn lên xô đổ rào chắn kiểm soát, dòng người đi xe máy nối đuôi nhau lướt về các tỉnh miền Tây. Đó là thời điểm mở đầu cho hàng chục nghìn lao động ở TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai ồ ạt về quê.
Đôi vợ chồng rời TP.HCM đưa con về quê miền Tây rạng sáng 1/10 và họ cho biết chưa có kế hoạch quay trở lại. Ảnh: Đặng Đại
“Hết tiền rồi, phải về thôi”
Tại chốt kiểm soát dịch ở thị trấn Tân Túc (TP.HCM) rạng sáng 1/10, bế trên tay cháu nhỏ chừng 6 tháng tuổi, chị Nguyễn Thị Hồng Cúc cho biết, vợ chồng chị quê Cần Thơ, làm việc ở TP.HCM 5 năm nay.
Suốt 4 tháng dịch vừa qua không đi làm được, không còn tiền ăn phải vay mượn chủ nhà trọ. Tiền thuê nhà 1.500.000 đồng/tháng chủ trọ cho nợ. “Vợ chồng tôi hết tiền rồi, phải về quê thôi”, chị nói.
LTS: Hiện chưa có con số thống kê chính xác nhưng theo ước tính đã có trên dưới 50.000 công nhân, lao động tự do khu vực TP.HCM, Đồng Nai, Bình Dương ồ ạt về quê những ngày qua.
Cộng với số lao động đã rời các địa phương này trước đó, dự báo sắp tới khi các doanh nghiệp hoạt động trở lại, sẽ xuất hiện tình trạng khan hiếm lao động, đặc biệt là dịp cuối năm. Đây là bài toán đang khiến các doanh nghiệp khu vực phía Nam đau đầu.
Báo Giao thông khởi đăng loạt bài "Cảnh báo thiếu lao động khu vực phía Nam" giúp độc giả có góc nhìn rõ nét hơn về vấn đề này.
Tại chốt này, trong suốt 1 tuần lễ sau đó, mỗi ngày có trên dưới 3.000 - 4.000 người trở về quê. Tình hình căng thẳng tới mức lãnh đạo TP.HCM và cả Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phải trực tiếp đến hiện trường để chỉ đạo xử lý cho người dân được về quê nhưng phải bảo đảm các biện pháp an toàn phòng, chống dịch.
Ở hướng về miền Trung, Tây Nguyên, lượng lao động về quê cũng nhiều không kém. Đã xảy ra những xô xát đáng tiếc với lực lượng ở chốt kiểm soát khi hàng nghìn người bức xúc do bị chặn ở cửa ngõ Bình Dương.
Vợ chồng chị Nguyễn Thị Hương (34 tuổi, quê Ninh Bình) là công nhân Công ty TNHH Hài Mỹ (chuyên về da giày) ở TP Thuận An, tỉnh Bình Dương cũng là người quyết định dứt áo về quê. Vợ chồng chị vào Bình Dương làm công nhân được 4 năm, có hai con 3 tuổi và 1 tuổi.
“Khi cháu thứ 2 được 7 tháng tuổi thì dịch bùng phát nên tôi phải ở nhà. Chồng cũng nghỉ việc sau đó. Nhiều tháng qua, cả gia đình tôi chỉ quanh quẩn trong căn phòng trọ 10m2, cầu cho dịch qua mau để được về quê. Hết tiền rồi và quá ngột ngạt. Về quê thôi, qua năm tính tiếp, càng ở càng chết”, chị Hương nói.
Chị Hương cho biết thêm, trong thời gian khu phố bị phong tỏa, gia đình chị có nhận được một số lương thực, thực phẩm của địa phương, các mạnh thường quân hỗ trợ.
Thế nhưng, mỗi tháng gia đình chị phải trả 1.000.000 đồng tiền thuê trọ (chủ trọ bớt 200.000 đồng/tháng), cộng với các khoản chỉ tiêu cho hai con nhỏ ngốn gần chục triệu đồng khiến hai vợ chồng rơi vào cảnh túng quẫn, bế tắc.
Trong khi đó, chị Trần Thị Minh (40 tuổi, quê Thanh Hóa) là công nhân Công ty TNHH Chí Hùng (chuyên về may mặc) ở phường Thái Hòa, thị xã Tân Uyên cho biết, do ở công ty có F0 nên doanh nhiệp này đã cho toàn bộ công nhân nghỉ việc từ đầu tháng 7 vì sợ lây nhiễm chéo.
Là lao động có thâm niên nhiều năm, chị Minh được công ty cho hưởng mức lương tối thiểu vùng 170.000 đồng/ngày. Tuy nhiên, chồng chị (làm tại một công ty in bao bì) bị thất nghiệp, gia đình có hai con trai 10 và 6 tuổi nên kinh tế quá khó khăn. “Phải về quê đã, khi nào ổn tính sau”, chị Minh nói.
Theo Tổng cục Thống kê, báo cáo nhanh ghi nhận trên cả nước tính tới ngày 15/9, đã có khoảng 1.300.000 người di cư khỏi vùng dịch. Trong đó có hơn 935.000 người (chiếm 75%) từ 15 tuổi trở lên; số người di cư khỏi TP.HCM và các tỉnh phía Nam lên tới hơn 742.000 người.
“Con số trên chưa cập nhật làn sóng di cư thứ hai kể từ ngày 1/10, khi TP.HCM và các tỉnh phía Nam nới giãn cách”, bà Nguyễn Thị Thanh Mai, Phó Vụ trưởng Vụ Thống kê Dân số và Lao động, Tổng cục Thống kê cho hay.
Không có thu nhập hoặc thu nhập giảm, về quê là điểm đến an toàn
Số liệu từ Tổng cục Thống kê cho thấy, tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi lao động quý III/2021 lên tới gần 4%, vượt xa con số 2% như thường thấy.
Do ảnh hưởng của dịch bệnh, lao động tại vùng Đông Nam Bộ bị sụt giảm thu nhập nhiều nhất. Cụ thể, quý III/2021, thu nhập bình quân của lao động vùng này là 5.700.000 đồng, giảm 2.400.000 đồng (29,8%) so với quý trước và giảm 1.900.000 đồng (24,9%) so với cùng kỳ năm trước.
Đặc biệt, người lao động tại tâm dịch TP.HCM còn chịu ảnh hưởng nặng nề hơn với mức thu nhập bình quân giảm 2.600.000 đồng (31,0%) so với quý trước và giảm 2.500.000 đồng (30,3%) so với cùng kỳ năm 2020. Đây cũng là mức thấp nhất trong nhiều năm trở lại đây.
Chịu ảnh hưởng nhiều thứ hai chỉ sau vùng Đông Nam Bộ là những người lao động ở vùng ĐBSCL. Thu nhập bình quân của lao động ở vùng này là 4.500.000 đồng, giảm 873.000 đồng (16,1%) so với quý trước và giảm 623.000 đồng (12,1%) so với cùng kỳ năm 2020.
Lý giải vì sao trong tình trạng cạn kiệt tài chính, người lao động tại các địa phương phía Nam vẫn quyết định đi xe máy, thậm chí đi bộ vượt hàng nghìn km để trở về quê, thậm chí ngay cả khi DN hoạt động trở lại, thông báo tuyển dụng… ông Nguyễn Huy Minh, Phó Vụ trưởng Vụ Thống kê Dân số và Lao động cho hay, làn sóng dịch Covid-19 lần thứ tư kéo dài hơn 3 tháng tại các tỉnh thành phía Nam, thời gian người lao động phải giãn cách quá dài, trong khi đặc điểm khu vực này chủ yếu là lao động phi chính thức (chiếm từ 60 - 70%), lao động nhập cư, vốn thu nhập bấp bênh, không được đảm bảo về quyền lợi an sinh.
“Mặc dù gói hỗ trợ 28.000 tỷ đồng được được triển khai khá sớm nhưng số lao động tự do được tiếp cận chưa nhiều, nếu có thì mức hưởng cũng không đáng kể. Trong khi đó, gánh nặng về chi phí điện nước, nhà cửa, con cái… vẫn đè nặng lên vai người lao động”, ông Minh nói.
Đối với lao động trong khu vực chính thức, ông Minh cho biết, ngay sau khi dịch ập đến, DN khó khăn, không duy trì kết nối, thực hiện chế độ hỗ trợ đối với người lao động. Mặt khác, chính sách phòng, chống dịch ở các địa phương không đồng bộ, kéo quá dài…
“Tất cả những yếu tố này khiến người lao động hoang mang, không nắm được thông tin về kế hoạch phục hồi sản xuất cũng như tình hình chống dịch của địa phương. Trong khi đó lại phải dành ra lao động để trông nom con cái ở nhà học online… Do vậy, khi đã tiêu hết phần tích lũy, người lao động có tâm lý quê hương vẫn là điểm đến an toàn, nên quyết tâm trở về”, ông Minh cho hay.
Chăm lo tốt để giữ chân người lao động
Hàng nghìn lao động rời TP.HCM trở về quê nhà ở miền Tây ngày 2/10 qua cửa ngõ huyện Bình Chánh (giáp tỉnh Long An). Ảnh: Đặng Đại
Bà Mai Thị Tuyến, cán bộ Công ty Chí Hùng (Bình Dương) cho hay, công ty có hơn 13.000 công nhân nhưng ngày 10/10 chỉ có khoảng 1.000 người đăng ký test Covid-19 để đi làm lại vào ngày đầu tuần (11/10).
Dây chuyền sản xuất với quân số 70 người nhưng chỉ có 6 công nhân vào làm việc khiến cho quy trình bị đứt gãy.
Theo bà Tuyến, để thu hút người lao động quay trở lại doanh nghiệp làm việc, vấn đề an sinh như tạo điều kiện hỗ trợ về nơi ở, đưa đón đi lại, mở cửa trường lớp… nhất thiết phải được quan tâm hàng đầu.
Dù vậy, theo tìm hiểu của PV, trong bối cảnh hàng chục nghìn người lao động ở Bình Dương bỏ về quê, vẫn có không ít DN giữ chân được hầu như tất cả số lao động đang làm việc tại đơn vị.
Điển hình như Công ty Greating Fortune Logistics (chuyên gia công container, trụ sở tại TP Thuận An). Trong thời gian nghỉ việc, công ty này vẫn đảm bảo chế độ lương, bảo hiểm xã hội và các khoản phúc lợi khác cho người lao động.
Anh Bùi Văn Nhùng (42 tuổi), công nhân Công ty Greating Fortune Logistics cho biết, đến thời điểm hiện tại, anh vẫn chưa nhận được thông báo của công ty khi nào đi làm lại. Mặc dù vậy, hàng tháng tài khoản của anh Nhùng vẫn đều đặn nhận 6.000.000 đồng tiền lương và phụ cấp.
“Công ty quan tâm, chia sẻ với khó khăn của anh em công nhân nên anh em bảo nhau sẽ cống hiến hết mình khi được đi làm lại…”, anh Nhùng chia sẻ.
Bà Phạm Thị Tuyết Nhung, Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH Yazaki Eds Việt Nam (chuyên sản xuất thiết bị dẫn điện ô tô) cho hay, DN có tổng số hơn 7.000 công nhân và hiện tại chỉ có khoảng 7% công nhân xin về nhà.
“Do nhu cầu sản xuất “3 tại chỗ”, chúng tôi cho họ tạm nghỉ nhưng vẫn trả lương cơ bản cho 500 công nhân này với số tiền khoảng 5.000.000 đồng/người/tháng. Tất cả đều cam kết ngay khi công ty trở lại sản xuất, họ sẽ có mặt. Nhờ đó chúng tôi không lo thiếu nhân công. Chúng tôi chỉ kiến nghị với chính quyền tạo điều kiện hỗ trợ việc đi lại để công nhân quay trở lại làm việc”, bà Nhung cho biết.
Trao đổi với PV Báo Giao thông, ông Phạm Văn Tuyên, Phó giám đốc Sở LĐ-TB&XH tỉnh Bình Dương cho biết, Sở đang tham mưu cho UBND tỉnh dự thảo kế hoạch phối hợp thu hút, đón người lao động từ các tỉnh, thành phố có nhu cầu trở lại Bình Dương làm việc như đưa đón, phối hợp tiêm vaccine hoặc xét nghiệm y tế từ đầu vào…
Tại TP.HCM, Sở LĐ-TB&XH cũng cho biết, dù lao động có về quê ít nhiều nhưng chưa xuất hiện tình trạng khan hiếm. Tuy nhiên, khi các doanh nghiệp quay trở lại sản xuất 100% thì chưa thể nói trước được điều gì. Hiện nhiều công ty ở TP.HCM cũng đang lên phương án đón người lao động từ quê nhà trở lại làm việc khi TP.HCM cho phép.
Theo Sở LĐ-TB&XH các tỉnh thu hút nhiều lao động như TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai, hiện nay việc thiếu lao động chưa cấp bách do nhà máy, xí nghiệp chưa hoạt động lại hoặc hoạt động chưa hết công suất.
Thời điểm khan hiếm lao động ngặt nghèo nhất sẽ rơi vào trước và sau Tết Nguyên đán do đơn hàng nhiều. Trong khi đó, dự báo hàng trăm nghìn lao động đã về quê đợt này sẽ ở nhà đến qua Tết.
Kỳ 1: Hơn 9 vạn việc làm đang chờ người lao động
Vẫn rải rác người về quê
Đến ngày hôm qua (12/10), tại các chốt kiểm soát dịch ở các tỉnh Bình Phước, Bình Dương, Long An… vẫn rải rác những đoàn xe 100 - 200 người đi xe máy về quê được CSGT các tỉnh dẫn đường. Cách đó 3 ngày, khoảng 2.000 người qua cửa ngõ Bình Phước về Tây Nguyên và các tỉnh miền Trung, miền Bắc. Con số này cũng đã giảm rất nhiều so với cả chục nghìn người 1 tuần trước đó.
30,6% số doanh nghiệp ở Đông Nam Bộ thiếu lao động
Theo Tổng cục Thống kê, khảo sát đánh giá tác động của dịch Covid-19 đối với hơn 22.700 doanh nghiệp cho thấy có 17,8% doanh nghiệp thiếu lao động, phần lớn được ghi nhận ở vùng Đông Nam Bộ, với 30,6%. Trong đó, Bình Dương có 36,9% số doanh nghiệp (được khảo sát) thiếu lao động; Bình Phước 34,4%, TP.HCM 31,8%...
Một số ngành báo cáo có sự thiếu hụt nhiều lao động nhất là sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học (55,6%), sản xuất da và các sản phẩm liên quan (51,7%), sản xuất trang phục (49,2%), sản xuất thiết bị điện (44,5%), ngành dệt (39,5%).
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận