Khi thông tin Cloroquin/Hydroxycloroquin - một loại thuốc chống sốt rét điều trị khỏi cho bệnh nhân nhiễm Covid-19 được lan truyền trên mạng, tôi nhận được nhiều điện thoại, tin nhắn của bạn bè.
Họ hỏi tôi thông tin chính xác không, các kênh thông tấn nước ngoài đưa rồi đấy, đại loại như “Phải lùng mua để tích trữ sợ lúc cần không mua nổi”, rồi “Em đang sốt, cúm, uống được không?”.
Hôm kia, một bệnh nhân uống tới 15 viên thuốc sốt rét để dự phòng chống Covid-19 đã ngộ độc. Bệnh nhân nhập viện Bạch Mai trong tình trạng tụt huyết áp, nôn, lơ mơ.
Vậy đấy, phòng bệnh đâu không thấy, đã rước họa vào thân.
Thực chất, Cloroquin/Hydroxycloroquin là loại thuốc đã được nghiên cứu trong phòng thí nghiệm và đã được chứng minh có hiệu quả cao trong việc làm giảm sự nhân lên của virus.
Do đặc thù dịch bệnh, thuốc đã bỏ qua các giai đoạn thử lâm sàng bài bản và được thử nghiệm trực tiếp trên bệnh nhân.
Một nghiên cứu đăng tải trên Tạp chí International Journal of Antimicrobial Agents cho thấy đã có 23 thử nghiệm lâm sàng đăng ký.
Các thử nghiệm này đều được tiến hành tại Trung Quốc, trên các bệnh nhân viêm phổi ở các mức độ khác nhau do nhiễm SARS-CoV-2.
Từ các dữ liệu lâm sàng hiện có, một số hướng dẫn điều trị của Trung Quốc, Ý, Hà Lan, Mỹ… đã đưa Cloroquin/Hydroxycloroquin vào phác đồ điều trị nhưng viết rất rõ đây là các khuyến cáo mang tính đồng thuận, chứng cứ chưa đủ thuyết phục.
Đi kèm với đó là hướng dẫn cực kỳ chi tiết để tránh gây tác dụng phụ, ảnh hưởng đến an toàn cho người bệnh.
Phải khẳng định rằng, hiện chưa có quốc gia nào cấp phép Cloroquin/Hydroxycloroquin cho chỉ định điều trị Covid-19.
Kể cả Cục Quản lý thực phẩm và dược phẩm Hoa Kỳ đến ngày 19/3 vẫn tuyên bố là tích cực làm việc để tiến tới có thể cấp phép sử dụng thuốc này cho các trường hợp Covid-19 từ nhẹ đến trung bình, dù trước đó trong bài phát biểu của Tổng thống Trump đã có chút nhầm lẫn khi tuyên bố thuốc đã được cấp phép chính thức tại Mỹ.
Với các chứng cứ còn hạn chế về hiệu quả của thuốc, mỗi quốc gia tùy theo tình hình dịch bệnh sẽ cân nhắc đưa thuốc vào hướng dẫn điều trị để áp dụng cho các đối tượng bệnh nhân ở các mức độ bệnh nghiêm trọng khác nhau.
Thuốc có nhiều tác dụng không mong muốn bao gồm cả những tác dụng nghiêm trọng trên mắt, tim mạch, tâm thần, thần kinh…
Chỉ có hội đồng chuyên môn ở tầm quốc gia mới quyết định được thuốc nào sẽ đưa vào phác đồ điều trị chính thức, áp dụng cho đối tượng bệnh nhân nào và giám sát bệnh nhân ra sao để giảm thiểu tác dụng không mong muốn.
Hiện nay, Việt Nam chưa có khuyến cáo sử dụng thuốc này trong phác đồ điều trị của Bộ Y tế.
Thuốc không được nghiên cứu để dùng dự phòng bệnh.
Việc sử dụng tùy tiện thuốc này không những không hiệu quả mà còn đem lại các nguy cơ cho người sử dụng.
Trong đó nhấn mạnh nguy cơ gặp tác dụng không mong muốn nguy hiểm như độc tính trên máu (suy tủy mất bạch cầu hạt có hồi phục, giảm tiểu cầu và giảm bạch cầu trung tính), độc tính trên tuần hoàn (loạn nhịp, ngừng tim), độc tính trên tâm thần (loạn tâm thần, lo âu thay đổi nhân cách) và các độc tính khác (giảm thính lực, điếc, bệnh thần kinh cơ, bệnh cơ)...
Đây không phải là thuốc dự phòng để cố tìm mua tự ý sử dụng như một số người nhầm tưởng trong mấy hôm nay. Dùng sai sẽ nguy hiểm đến tính mạng.
Ngoài ra, xin đừng mua thuốc tích trữ khiến giá thuốc bị đẩy cao.
Người khỏe trữ thuốc, người ốm lại không có dùng. Hãy tin tưởng chính quyền và hệ thống y tế.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận