Bên cạnh đó, Cơ quan quốc gia quản lý thương mại thực phẩm (CBL) cho biết, sẽ kiểm tra chặt chẽ hơn và rà soát lại các quy định về dư lượng kháng sinh theo hướng điều chỉnh giảm các chỉ số dư lượng kháng sinh đối với các sản phẩm thủy sản nhập khẩu.
Theo Vụ Thị trường châu Âu, động thái trên xuất phát từ việc Tổ chức phúc lợi động vật của Hà Lan Wakker Dier đã phát hiện một nửa mẫu cá basa và rô phi có chứa vi khuẩn kháng kháng sinh trong số 43 mẫu cá nhập khẩu từ Đông Nam Á trong đó có sản phẩm của Việt Nam và Thái Lan.
Tuy hiện nay chưa đủ cơ sở pháp lý để Hà Lan đề nghị Ủy ban Châu Âu (EC) hạn chế hoặc cấm nhập khẩu các mặt hàng này từ Việt Nam và các nước Đông Nam Á khác nhưng thông tin này đã ảnh hưởng nặng nề đến tâm lý người tiêu dùng Hà Lan nói riêng và châu Âu nói chung.
Do vậy, Vụ Thị trường châu Âu cảnh báo các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản đặc biệt là các mặt hàng cá basa, rô phi của Việt Nam cần tăng cường kiểm soát dư lượng kháng sinh và tuân thủ đúng các quy định nuôi trồng thủy sản nhằm bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng và giữ gìn hình ảnh, uy tín cho thủy sản Việt Nam tại thị trường EU.
Trước đó, ngay hồi đầu tháng 10, Tổng vụ Sức khỏe và Người tiêu dùng châu Âu (DG SANCO) cũng đã có thông báo, trong thời gian 1 năm kể từ ngày 1/2/2014 đến ngày 1/2/2015 nếu phát hiện 5 trường hợp vi phạm quy định an toàn thực phẩm và kiểm dịch thực vật thì EU sẽ ban hành lệnh cấm nhập khẩu rau, quả của Việt Nam.
Thông báo này bắt nguồn từ việc các nước thành viên EU thông báo 3 lần liên tiếp về việc 3 chuyến hàng nhập khẩu từ Việt Nam vào EU bị phát hiện vi khuẩn gây hại sức khỏe người tiêu dùng bị cấm trên cây húng quế (Ocimum santum) và mướp đắng (Momordica charantia) tính từ ngày 1/2/2014 đến nay.
Do đó, để tránh nguy cơ hàng xuất khẩu của Việt Nam vào EU bị cấm nhập khẩu vì lý do vệ sinh an toàn thực phẩm, Bộ Công thương đã hơn một lần yêu cầu các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, xuất khẩu cần tuân thủ chặt chẽ các quy định về kiểm dịch thực vật và an toàn thực phẩm của EU.
C.S
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận