Thậm chí, không ít F0 còn tự ý sử dụng khi chưa có chỉ định của y, bác sĩ. Điều này không chỉ gây nguy hiểm cho người bệnh mà còn mang lại nhiều hệ lụy khác.
Thuốc Molnupiravir chưa được cấp phép
Lãnh đạo Cục Khoa học - Công nghệ và Đào tạo, Bộ Y tế cho biết đến ngày 7/12, đã có 42 tỉnh, thành điều trị có kiểm soát bằng thuốc kháng virus Molnupiravir cho bệnh nhân Covid-19 nhẹ và không triệu chứng tại nhà, tăng gần gấp đôi so với đầu tháng 11.
Đến thời điểm này, Bộ Y tế đã cung cấp miễn phí khoảng gần 250.000 liều thuốc kháng virus Molnupiravir cho người bệnh sử dụng.
Thuốc kháng virus Molnupiravir được rao bán với nhiều mức giá khác nhau, nếu xuất xứ Ấn Độ có giá từ 7 - 10 triệu đồng/hộp, từ Banglades có giá 5 triệu đồng/hộp…
Theo kết quả báo cáo giữa kỳ của chương trình thí điểm điều trị có kiểm soát thuốc Molnupiravir cho các trường hợp mắc Covid-19 thể nhẹ do Bộ Y tế triển khai tại 22 tỉnh/thành phố cho thấy, thuốc có tính an toàn cao, dung nạp tốt, hiệu quả rõ rệt về giảm tải lượng virus, giảm lây lan, giảm chuyển nặng, rút ngắn thời gian điều trị với tỷ lệ bệnh nhân có kết quả xét nghiệm RT-PCR sau 5 ngày âm tính hoặc dương tính với giá trị CT ≥ 30 từ 72,1 - 99,1%.
Tỷ lệ bệnh nhân có kết quả xét nghiệm RT-PCR sau 14 ngày âm tính hoặc dương tính với giá trị CT ≥ 30 gần 100%; tỷ lệ chuyển nặng rất thấp, từ 0,02 - 0,06% và không có ca nào dẫn đến tử vong.
Dù thuốc chưa chính thức được cấp phép tại Việt Nam, nhưng sau công bố của Bộ Y tế về hiệu quả thử nghiệm lâm sàng của thuốc kháng virus Molnupiravir, nhiều người dân đã lùng mua.
Dưới nhiều hình thức, loại thuốc này được rao bán với nhiều mức giá khác nhau. Phần nhiều được mời chào thuốc nhập khẩu với xuất xứ Ấn Độ có giá từ 7 - 10 triệu đồng/hộp, thuốc từ Banglades có giá mềm hơn khoảng 5 triệu đồng/hộp…
Trước thực trạng này, BS. Nguyễn Thị Hiền, Khoa Dược BV ĐH Y Dược TP.HCM cảnh báo, bất kỳ thuốc Molnupiravir nào nằm ngoài chương trình thử nghiệm đều không xác định rõ được nguồn thuốc.
Việc người bệnh tự ý mua thuốc rất có thể gặp trường hợp giả, kém chất lượng.
“Người dân cần lưu ý, một số đối tượng người bệnh không được chọn vào chương trình thuốc thử nghiệm lâm sàng bao gồm: Người có thai, người cho con bú, người có kế hoạch mang thai; người dị ứng, chống chỉ định với thành phần thuốc; người có các bệnh lý gan thận, suy giảm miễn dịch…”, BS. Hiền khuyến cáo.
Vì sao lợi bất, cập hại?
Theo PGS.TS. Đỗ Văn Dũng, Trưởng khoa Y tế công cộng Đại học Y dược TP.HCM, người dân lùng mua thuốc kháng virus Molnupiravir xuất phát từ nhu cầu muốn bảo vệ sức khỏe, tuy nhiên việc này mang lại nhiều hệ lụy.
Trước hết, việc làm này gây hại cho chính người sử dụng thuốc Molnupiravir, bởi phần lớn người bệnh không biết được dùng khi nào, không được dùng khi nào, vì cần có chỉ định của bác sĩ.
Bình thường việc tự ý dùng thuốc kháng sinh đã nguy hiểm, thuốc kháng virus này còn nguy hiểm hơn.
Hơn nữa, loại thuốc kháng virus này hiện chưa được cấp phép, những thuốc rao bán ngoài thị trường có thể là thuốc giả nhập lậu, chất lượng kém…
Cũng theo BS. Dũng, việc tích trữ kháng virus Molnupiravir còn có thể gây hại cho người trong gia đình, bởi thuốc chỉ định dùng cho người lớn, cấm dùng trong một số trường hợp.
Việc tích trữ nếu không cẩn thận, người trong gia đình uống nhầm rất nguy hại.
Tình trạng cá nhân, gia đình tích trữ loại Molnupiravir trong thời điểm này còn ảnh hưởng cho bệnh nhân Covid-19 khác.
Bởi, hiện nhiều bệnh nhân có nhu cầu sử dụng, đặc biệt là người có chỉ định từ bác sĩ để giảm nguy cơ nặng và tử vong. Trong khi việc tự tích trữ thuốc góp phần đẩy giá thuốc lên cao, người cần được điều trị khó có cơ hội tiếp cận.
“Cùng đó, việc sử dụng thuốc tràn lan không đúng chỉ định sẽ gây tăng kháng thuốc. Chúng ta cần biết cơ chế của thuốc này gây tăng đột biến virus, trong khi việc xuất hiện nhiều biến chủng xuất phát từ tăng đột biến virus. Việc sử dụng bừa bãi sẽ khiến nguy cơ làm tăng biến chủng virus xuất hiện, gây khó khăn cho chiến lược chống dịch Covid-19”, ông Dũng phân tích.
Liên quan đến thuốc điều trị kháng virus cho F0, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên cho biết, đến nay Việt Nam đã đưa vào sử dụng nhiều loại thuốc trong điều trị bệnh nhân Covid-19 như: Molnupiravir, Remdesivir, Favipiravir...
Ngoài ra, thuốc kháng thể kép cũng đang được đưa vào điều trị cho bệnh nhân nặng.
Được biết, Bộ Y tế đang tiếp cận các loại thuốc điều trị Covid-19 đã lưu hành hoặc đang nghiên cứu trên thế giới, với nỗ lực cố gắng đưa lượng thuốc về với tỷ lệ cao nhất đáp ứng nhu cầu điều trị của bệnh nhân nặng.
Thuốc Molnupiravir hiện đang thử nghiệm nghiên cứu. Hiện, có 6 nhà máy nộp hồ sơ đăng ký thuốc Molnupiravir. Trong trường hợp Bộ Y tế được Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho cơ chế cấp giấy lưu hành sản phẩm để tháo gỡ khó khăn bởi quy định tại Luật Dược thì các nhà máy trong nước có thể sớm chủ động được nhu cầu thuốc Molnupiravir trong nước.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận