Tai nạn nghề nghiệp, vẫn lo
Đầu giai đoạn 2 của mùa dịch, nhiều người ngỡ ngàng khi nhận thông tin cách ly 20 nhân viên y tế Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) Hồng Ngọc (cơ sở Yên Ninh) và tạm đóng cửa cơ sở y tế này trong 2 tuần do chưa được dự phòng tốt khi tiếp nhận 1 bệnh nhân nhiễm Covid-19.
Ngay sau đó, Bộ Y tế đã gấp rút yêu cầu các cơ sở y tế cả công và tư nhanh chóng thực hiện đúng quy trình đón tiếp bệnh nhân, phân loại ngay khi tiếp nhận với đội ngũ y tế được trang bị đồ bảo hộ phòng chống lây nhiễm…
Thế nhưng mới đây, thông tin về các ca nhiễm Covid-19 trong cơ sở y tế liên tiếp xảy ra gồm 2 bác sĩ, 2 điều dưỡng và 1 bệnh nhân trong quá trình điều trị. Hệ lụy là gần 500 cán bộ, nhân viên y tế tại các Khoa Thần kinh, Tim mạch, Trung tâm Truyền nhiễm của BV Bạch Mai và Khoa Cấp cứu của BV Bệnh Nhiệt đới T.Ư buộc phải cách ly.
Tính đến sáng 26/3, cả nước có 148 bệnh nhân nhiễm Covid-19 được điều trị tại gần 20 cơ sở y tế. BV Bệnh Nhiệt đới T.Ư là cơ sở y tế tiếp nhận điều trị đông nhất với 54 bệnh nhân nhiễm Covid-19, trong đó có 4 ca nặng; ngoài ra còn theo dõi sức khỏe gần 400 ca nghi ngờ nhiễm vì có tiếp xúc gần với bệnh nhân nhiễm.
BS. Phạm Ngọc Thạch, Giám đốc BV Bệnh Nhiệt đới T.Ư cho biết, cơ sở đã đôn đốc lại việc phân luồng bệnh nhân, dành lại cơ số phòng để các bác sĩ điều trị làm việc ngày đêm, ăn, ngủ ngay tại bệnh viện để tránh nguy cơ lây nhiễm bệnh cho cộng đồng.
Tuy nhiên, BS. Nguyễn Trung Cấp, Trưởng khoa Cấp cứu tại BV cho hay: “Trong môi trường tải lượng virus cao, việc lây nhiễm được coi là tai nạn nghề nghiệp. Thực tế, thế giới cũng chưa sản xuất được các bộ đồ bảo hộ nào đảm bảo giúp nhân viên y tế miễn nhiễm 100%.
Ngay như khẩu trang y tế chuyên dụng N95 có độ an toàn cao nhất cũng chỉ ngăn được 95% số giọt nhỏ mang mầm bệnh. Tuy vậy, chúng tôi luôn cố gắng đáp ứng đúng quy trình điều trị để giảm thiểu tối đa việc lây nhiễm với cán bộ y tế”.
Về phía Bộ Y tế, ông Nguyễn Trọng Khoa, Phó cục trưởng Cục Quản lý khám, chữa bệnh cũng đề nghị BV Bệnh Nhiệt đới T.Ư chia 5 khu cách ly, xếp nhóm bệnh nhân nhằm đáp ứng nguy cơ lây nhiễm.
Cụ thể, khu dương tính chia 3 nhóm bệnh nhân nặng, nhóm can thiệp y tế vừa có xu hướng nặng, nhóm bệnh nhân nhẹ trung bình theo dõi chăm sóc; Khu các bệnh nhân nghi ngờ; Khu bệnh nhân nghi ngờ nhưng đã có xét nghiệm âm tính vẫn cần theo dõi; Khu đã điều trị khỏi, xét nghiệm âm tính cần theo dõi tiếp ổn định sức khỏe và khu dành cho người tiếp xúc gần với bệnh nhân trong gia đình bởi 80% có khả năng nhiễm. Đồng thời, yêu cầu trang bị đồ phòng hộ tốt nhất cho y, bác sĩ trực tiếp điều trị cho bệnh nhân.
Mỗi bệnh nhân có thể là 1 nguồn bệnh
Trước thực trạng lây nhiễm chéo dịch Covid-19 tại cơ sở y tế, ông Nguyễn Trường Sơn, Thứ trưởng Bộ Y tế cho biết, ngay sau khi có ca cán bộ y tế đầu tiên trực tiếp bị nhiễm từ bệnh nhân, Bộ Y tế đã có văn bản gửi các Sở Y tế chấn chỉnh lại công tác kiểm soát nhiễm khuẩn tại các bệnh viện, đặc biệt là tại các bệnh viện có tiếp nhận và điều trị bệnh nhân mắc Covid-19.
Đồng thời, khuyến cáo tất cả các đồng nghiệp khi làm các thao tác thủ thuật gần với đường thở của người bệnh thì rất dễ nhiễm nên phải chủ động hơn trong ngăn chặn, sử dụng đồ bảo hộ sẵn sàng.
“Chúng tôi luôn cung cấp những đồ bảo hộ chất lượng tốt nhất cho cơ sở thu dung, điều trị cho bệnh nhân. Bên cạnh đó, khuyến cáo nhân viên y tế làm việc ở các khoa, có chế độ cách ly sau khi hoàn thành nhiệm vụ tại nơi lưu trú, tránh tiếp xúc với cộng đồng”, ông Sơn cho biết thêm.
Chia sẻ kinh nghiệm phòng nhiễm khuẩn, lây nhiễm bệnh dịch, BS. Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Truyền nhiễm BV Nhi Đồng TP HCM cho biết: “Ngoài các giải pháp đã được Bộ Y tế khuyến cáo, trong thời điểm này nên chăng hạn chế hoặc có thể cấm người ra vào thăm nuôi bệnh nhân.
Với người đi về từ vùng dịch hay các cá nhân có thể đã biết mình thuộc F2, F3 khi vào bệnh viện thăm khám cần tự giác khai báo rõ với nhân viên y tế”.
Ông Khanh cũng lưu ý, mỗi cán bộ, nhân viên y tế trong bệnh viện phải thực hiện đúng biện pháp chống nhiễm khuẩn bệnh viện. Đặc biệt, trong tình hình thực tế hiện nay, y, bác sĩ không được lơ là, luôn phải xem mỗi bệnh nhân đều có khả năng lây nhiễm.
Trên thực tế, đa số các cán bộ y tế làm ở các khu vực như nội, ngoại, thần kinh… không thường xuyên tiếp xúc với bệnh truyền nhiễm thường dễ bỏ qua hay chủ quan.
“Những khoa có nguy cơ cao phải được ưu tiên như trang bị các phương tiện chống dịch, tập huấn kỹ càng quá trình thay đồ phòng hộ; tăng cường trang thiết bị, luôn có dung dịch sát khuẩn ở mọi nơi để nhân viên y tế sử dụng… Đồng thời, định kỳ ngày 2 lần, toàn bộ bề mặt bàn, sàn nhà, cầu thang máy, tay nắm cửa cũng cần được sát khuẩn”, ông Khanh nhấn mạnh.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận