Cảnh giác bệnh hô hấp bùng phát mùa lạnh - Ảnh minh họa |
Cứ đông về lại gia tăng bệnh nhân hô hấp
Trời trở lạnh được hai ngày, cậu con trai lên 5 tuổi của anh Nguyễn Minh Hoàng lại ho như cuốc kêu, đặc đờm kèm theo ngạt mũi suốt đêm, cho dù vợ chồng anh Hoàng đã làm nhiều cách để giữ ấm cho con.
Theo TS. Ngô Quý Châu, Giám đốc Trung tâm Hô hấp BV Bạch Mai, thông thường, khi trời trở lạnh từ 3-5 ngày, số bệnh nhân hô hấp đến khám lại tăng lên. “Không khí lạnh làm đường hô hấp trên, các mạch máu dưới niêm mạc co lại, khả năng bảo vệ của niêm mạc chống lại virus, vi khuẩn qua đường thở giảm dần, các hoạt động bảo vệ khác cũng kém đi. Vì vậy, mọi người sẽ bị nhiễm bệnh hô hấp trên như: Viêm mũi họng, viêm khí quản, phế quản, viêm amidan, viêm phổi, màng phổi”, ông Châu phân tích.
"Nếu xuất hiện triệu chứng ho kéo dài một vài ngày và kèm theo các triệu chứng khác như sốt, đau ngực, khó thở... thì cần đi khám để được phát hiện và chẩn đoán". PGS.TS. Vũ Văn Giáp |
Đối với những bệnh nhân đã có bệnh phổi mạn tính như bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, hen phế quản, ông Châu cho biết, thời tiết lạnh sẽ làm bệnh nặng thêm, thậm chí phải cấp cứu. “Dù chưa thống kê cụ thể nhưng sau đợt lạnh, đặc biệt là khi trời lạnh sâu và kéo dài, tỷ lệ bệnh nhân tăng lên đột biến sau 1 tuần. Các đối tượng bị ảnh hưởng nặng nhất là trẻ em, người lớn tuổi và người có bệnh phổi mạn tính. Trong đó, viêm phổi trẻ em vẫn là nguyên nhân quan trọng ảnh hưởng tới sức khỏe của trẻ”, ông Châu cho biết.
Riêng với trẻ nhỏ mắc bệnh lý hô hấp vào ngày đông, ông Châu chỉ dẫn cha mẹ có thể dùng dung dịch rửa mũi với trẻ em bị sổ mũi (nước mũi xanh, vàng đục). Điều này giúp thông thoáng đường hô hấp, trẻ có thể tự khỏi và không cần dùng kháng sinh và đặc biệt không bị lan lên tai, xuống phế quản. Tuyệt đối không tự ý dùng thuốc ức chế phản xạ ho của trẻ, vì nếu ức chế thì các chất tiết như đờm, vi khuẩn, virus ứ đọng trong phổi… tăng nặng bệnh cho trẻ. Ngoài ra, cha mẹ có thể dùng có một số chế phẩm giúp loãng đờm, giúp bệnh nhân ho khạc dễ hơn.
Theo PGS. TS. Vũ Văn Giáp, Phó giám đốc Trung tâm Hô hấp BV Bạch Mai, khi trẻ ho có thể do nhiều căn nguyên khác nhau. Vì thế, cha mẹ không được tự ý mua thuốc cho trẻ uống theo đơn thuốc cũ hoặc gợi ý từ người bán thuốc. Khi trẻ có dấu hiệu bệnh lý hô hấp thường do hai căn nguyên: Có thể trẻ bị hen với triệu chứng không điển hình; có thể ho thành đợt mỗi khi thay đổi thời tiết, hay tiếp xúc với dị nguyên, trong khi triệu chứng khò khè không rõ ràng khiến cho cha mẹ và bác sĩ có thể bỏ qua. Căn nguyên thứ hai là nhiễm trùng hô hấp trên, viêm tai mũi họng, viêm VA, viêm amidan… Do vậy, trẻ cần được khám chuyên khoa để có chẩn đoán chính xác và phác đồ điều trị hợp lý.
Cẩn trọng với ô nhiễm không khí
Hơn 1 tuần đầu tháng 12, các số liệu quan trắc chất lượng không khí (AQI) đo tại Đại sứ quán Mỹ, Hà Nội luôn thể hiện mức hơn 150. Đây là mức cảnh báo màu đỏ, ảnh hưởng tới sức khỏe con người.
Theo ông Châu, ô nhiễm không khí ảnh hưởng đến tất cả mọi người, không chỉ ảnh hưởng tới hệ hô hấp mà tác động tới tất cả các bộ phận của cơ thể. Chất ô nhiễm có trong không khí bao gồm bụi, bụi lớn không vào được sâu, nhưng các hạt bụi nhỏ có đường kính hạt bụi PM 10, PM 2,5, siêu nhỏ, có thể đi vào tiểu phế quản, phế nang. Bên cạnh bụi, còn có các chất độc hại khác như khí SO2, NO2, các kim loại nặng như chì, thủy ngân, chất đốt từ diesel cháy không hết sẽ đi vào trong, lắng đọng trên bề mặt phế quản, tiểu phế quản, niêm nhu mô phổi, từ đó vào máu tới các tạng khác.
Cơ quan hô hấp là cơ quan bị ảnh hưởng đầu tiên bởi ô nhiễm không khí. Khi hít thở không khí ô nhiễm sẽ làm sức bảo vệ đường thở kém, những người sống trong môi trường ô nhiễm dễ bị nhiễm virus, vi khuẩn. Những người đã bị các bệnh mạn tính làm các đợt cấp tăng lên. “Bên cạnh bệnh lý hô hấp, số bệnh nhân tim mạch cũng tăng lên. Ô nhiễm không khí còn ảnh hưởng tới các đối tượng là trẻ em”, ông Châu khuyến cáo.
Vì vậy, ông Châu cho biết, với những người có sẵn bệnh lý hô hấp, cần hạn chế tối đa tiếp xúc với không khí ô nhiễm. Những người không có việc phải ra đường nên ở nhà, tránh những chỗ có đông phương tiện tham gia giao thông,. Những người có thói quen tập thể dục, có thể tập tại nhà. Nếu buộc phải ra đường, mọi người có thể sử dụng các phương tiện phòng hộ như khẩu trang giấy, khẩu trang vải không ăn thua, có thể sử dụng khẩu trang chuyên dụng. Việc tham gia các phương tiện công cộng, hạn chế dùng xe cá nhân rất tốt bởi giảm được ô nhiễm không khí. Đặc biệt, các bà mẹ có con nhỏ, không nên đưa trẻ con ra ngoài đường bằng xe đẩy trong lúc môi trường ô nhiễm.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận