Trẻ thích nghịch ngợm, trêu chọc bạn bè có thể mắc rối loạn tăng động. Ảnh minh họa. |
Trẻ nghịch mới thông minh?
Nhận được điện thoại của cô giáo dạy con, anh Nguyễn Văn Thanh tất tả bỏ việc đến lớp đón con. Từ đầu năm học đến giờ, đã hơn ba lần anh phải muối mặt đến gặp cô giáo để cho con được vào học lớp bán trú. Nguyên nhân cũng chỉ vì cậu con trai học lớp 3 của anh thường xuyên “phá đám” làm ảnh hưởng đến các bạn trong lớp. “Trẻ con, đứa nào chẳng nghịch. Chỉ có điều con nhà mình hiếu động hơn các bạn ở lớp thôi”, anh Thanh phân bua lý do phải đến đón con giữa giờ.
Còn bà Nguyễn Thị Hồng (trú tại phố Lò Đúc, Hà Nội) lại than vãn, cháu bà giờ đã học lớp 5 nhưng không ngày nào đi đón cháu mà bà không phải nghe cô giáo hay bạn bè “mách tội”. Hôm thì trong giờ bạn học thì cháu bà lăn ra ngủ, lúc lại gây sự đánh bạn trong lớp, đỉnh điểm có hôm cu cậu còn đứng tiểu tồ tồ giữa lớp. Bà Hồng bảo: “Cũng răn đe đủ kiểu nhưng đâu vẫn hoàn đấy. Mức độ còn gia tăng hơn so với năm học trước. Thế nhưng mình nói với bố mẹ nó thì chúng lại bảo trẻ… thông minh mới nghịch”.
Tại Bệnh viện (BV) Tâm thần Mai Hương, Hà Nội, anh Hoàng Văn An (trú tại Phan Chu Trinh, Hà Nội) cho con đi khám khá sửng sốt khi được bác sỹ chẩn đoán mắc chứng tăng động, giảm chú ý. Anh An cho hay, cậu con trai đang học lớp 3, cô giáo liên tục phàn nàn vì cháu thường xuyên vi phạm nội quy. “Cứ nghĩ trẻ con nào cũng hiếu động, thiếu tập trung. Nhưng càng lên lớp trên, sức học của con ngày càng giảm sút. Mình cũng nghe qua về chứng tăng động ở trẻ, nhưng vẫn không ngờ con mình mắc hội chứng này”, anh An buồn rầu cho biết.
Một nghiên cứu của nhóm bác sỹ BV Tâm thần Hà Nội, trên 6.308 học sinh tiểu học và THCS ở Hà Nội cho thấy, có tới 6,4% học sinh một số trường trên địa bàn Hà Nội bị rối loạn tăng động, giảm chú ý. Trong đó, cao nhất là ở trẻ 6 tuổi và thấp nhất là ở trẻ 14 tuổi. Tỷ lệ trẻ tăng động, giảm chú ý ở học sinh tiểu học chiếm tới 7,13%, cao hơn 4,17% học sinh THCS. Đáng lưu ý, đa phần cha mẹ không chú ý đến chứng rối loạn tăng động, giảm chú ý ở trẻ, có tới 2/3 số cha me phải sau hai năm mới biết con mình mắc hội chứng này.
Không can thiệp sớm, tương lai trẻ thiệt thòi
Theo BS. Lý Trần Tình, Giám đốc BV Tâm thần Hà Nội, có thể nhận biết trẻ mắc rối loạn tăng động khi thấy các biểu hiện như: Hoạt động luôn chân tay, cãi nhau, đánh nhau với bạn, luôn cựa quậy chân tay hoặc vặn vẹo, ngồi không yên, nói quá nhiều, chạy nhảy leo trèo quá mức ở những nơi cần phải ngồi yên, mất trật tự thường xuyên trong lớp, dễ sao nhãng bởi các kích thích bên ngoài…
Theo tổ chức Y tế thế giới, 3-10% các cháu tuổi học đường mắc chứng tăng động, giảm chú ý. Hiện, Việt Nam chưa có con số thống kê trên toàn quốc. Riêng ở Hà Nội, qua kết quả điều tra của Bệnh viện Tâm thần Hà Hội tại 8 trường thì 6,4% các trẻ tuổi học đường mắc chứng tăng động, giảm chú ý, trong đó tập trung nhiều ở tiểu học với tỷ lệ nam gấp 2-3 lần nữ. |
Hầu hết bệnh được phát hiện ở những năm đầu trẻ đến trường vì lúc đó trẻ phải tiếp xúc với những môi trường mới có những quy tắc, nền nếp nhất định. Các triệu chứng biểu hiện dai dẳng, có thể kéo dài tới tuổi vị thành niên hoặc trưởng thành chiếm khoảng 50% các trường hợp.
Giảm chất lượng học tập là hậu quả nhãn tiền khi trẻ mắc chứng tăng động, giảm chú ý. Kết quả khảo sát cho thấy, tỷ lệ trẻ mắc chứng tăng động có học lực loại giỏi thấp nhất, chỉ 5,22%, sau đó đến học lực loại khá 14,18%, có 24,13% xếp loại học lực kém.
Theo BS. Trần Tình, trí thông minh và tăng động, giảm chú ý không có liên quan gì đến nhau. Khó khăn trong học tập là hậu quả của việc giảm tập trung chú ý và tăng động gây nên chứ không phải do trẻ kém thông minh. Bên cạnh đó, chứng tăng động, giảm chú ý khiến trẻ gặp rắc rối trong các mối quan hệ; Đặc biệt, trẻ có nguy cơ cao trở nên lạm dụng rượu, bia và ma túy cũng như các hành vi phạm pháp khác.
Theo các bác sỹ chuyên khoa tâm thần, vì nguyên nhân hội chứng tăng động, giảm chú ý chưa rõ ràng và có yếu tố di truyền nên việc phòng hội chứng này không đơn giản. Tuy nhiên, cần tránh những yếu tố nguy cơ như: Phòng chống những bệnh gây tổn thương não bộ, không hút thuốc uống rượu khi mang thai, tránh tiếp xúc với các chất kim loại nặng, thuốc trừ sâu.... Hạn chế trẻ tiếp xúc nhiều với màn ảnh, nhất là trong 5 năm đầu đời, không cho trẻ em xem tivi hoặc chơi trò chơi điện tử quá nhiều.
“Phần lớn trẻ mắc rối loạn tăng động, giảm chú ý không được công nhận là đang bị bệnh mà vẫn cho rằng trẻ vô kỷ luật, nghịch ngợm quá mức. Nếu không được can thiệp kịp thời sẽ thiệt thòi cho trẻ sau này”, BS. Trần Tình khuyến cáo.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận