Làm báo cùng Giao thông

Cảnh sát bị kéo lê và sự đổi thay cảm xúc

18/12/2015, 07:26

Vụ thượng úy CSGT Nguyễn Quốc Đạt bị xe tải kéo lê mới đây khiến tôi nhớ đến vụ thượng sỹ Đinh Trọng Lịch...

14

Với công nghệ hiện đại, việc xử lý vi phạm bằng hình thức phạt nguộiqua hình ảnh camera sẽ trở nên dễ dàng, chính xác - Ảnh: Trần Hải

Vụ thượng úy CSGT Nguyễn Quốc Đạt bị xe tải kéo lê mới đây khiến tôi nhớ đến vụ thượng sỹ Đinh Trọng Lịch ở Hải Phòng năm 1980. Khi đó, trong lúc đấu tranh với kẻ gian ăn cắp mấy bao phân đạm, anh Lịch đã kiên quyết bám thành xe yêu cầu kẻ gian dừng lại. Nhưng lái xe ngoan cố chống cự bằng cách miết thành xe vào tường, cột điện, khiến thượng sỹ Lịch rơi xuống đất trong trạng thái chấn thương nghiêm trọng.

Sách báo chép lại rằng trong lần duy nhất tỉnh lại trong bệnh viện, anh Lịch nói: “Súng của tôi đâu? Các đồng chí, hãy bắt lấy bọn ăn cắp, bảo vệ tài sản xã hội chủ nghĩa!”. Anh Lịch hy sinh, sau đó được phong tặng danh hiệu Anh hùng.

Câu nói trên của người anh hùng, rất có thể, đã bị “biên tập” vì sự đòi hỏi tuyên truyền của hoàn cảnh lúc đó. Nhưng, tôi có niềm tin rằng chi tiết này là đúng: Niềm tự tôn nghề nghiệp, tinh thần quả cảm của một thượng sỹ 19 tuổi trong bầu không khí xây dựng xã hội chủ nghĩa lúc đó là điều có thể lý giải được.

Anh hùng Đinh Trọng Lịch trở thành nhân vật trong cuốn “Sức sống Đinh Trọng Lịch” của tác giả Trầm Kiểm và cuốn truyện ký “Bông hoa lửa trắng” của nhà văn Đỗ Vĩnh Bảo được phát hành vào những năm 80. Mặc nhiên, không ai nêu vấn đề: có giải pháp nào tốt hơn trong tình huống đó hay không, khi anh có trong tay một khẩu AKA và có thêm hai đồng đội đang chạy theo hỗ trợ? Khi đó, sự quên mình luôn được tôn vinh.

Thế hệ chúng tôi đã lớn lên trong một cảm hứng anh hùng như vậy. Những năm 80-90, chúng tôi từng mất ngủ sau khi xem trung úy Nam Hà trong “Săn bắt cướp”, đầy bản lĩnh mỗi khi đối diện tướng cướp Bạch Hải Đường. Nhiều đêm, mười mấy đứa con nít chia nhau diễn săn bắt cướp bên bụi chuối, đấm đá huỵch hự ỏm cả xóm.

Mấy hôm nay báo chí râm ran chuyện thượng úy Nguyễn Quốc Đạt bị lái xe lao thẳng vào, kéo lê 20 m trong khi làm nhiệm vụ. Nhìn người chiến sỹ công an thương tích như thế, là con người, ai có thể vô cảm. Nhưng bảo có cảm xúc như khi biết đến sự quên mình của anh hùng Đinh Trọng Lịch năm xưa hay không, thì chắc chắn là sẽ không còn nữa.

Chỉ trong 5 năm qua, ngành công an cho biết có tới gần 250 vụ chống lại CSGT, làm một số chiến sỹ hy sinh, gần 100 trường hợp bị thương, có những đồng chí bị thương rất nặng.

Đã 35 năm trôi qua, từ vụ hy sinh điển hình của thượng úy Đinh Trọng Lịch, điều gì khiến chúng ta vẫn còn phải chứng kiến những hiểm nguy như thế khi thế giới đã đổi thay từng ngày, từng giờ. Khi ngồi nhà cũng ghi hình được tai nạn, mọi hoạt động vận tải đều có thể giám sát qua camera.

Câu hỏi cũ lại hiện về: liệu có giải pháp tốt hơn không khi khắp mọi nẻo đường tuyến phố anh Đạt đều có thể được hỗ trợ bởi đông đảo đồng nghiệp, giữa thời ăm ắp công nghệ, một tin nhắn, một cuộc gọi cũng là quá đủ! Hết sức sẻ chia với những khó khăn vất vả của các chiến sỹ công an phải trần thân đối mặt khó khăn nguy hiểm mỗi ngày, nhưng tôi không bao giờ vỗ tay cổ vũ việc đu thành xe, nhảy nắp capo được. Tôi cũng không cho rằng, việc CSGT lao băng băng giữa dòng phương tiện, đứng chắn đầu xe để dừng xe vi phạm là cần thiết.

Cảm hứng anh hùng xin gửi về quá khứ, tương lai phải là hiệu quả tác nghiệp và giảm thiểu tổn thất xương máu tới mức thấp nhất, phải không quý vị?

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.