Chiều nay (10/11), Quốc hội tiếp tục chương trình làm việc với phiên chất vấn và trả lời chất vấn của các Bộ trưởng.
Tại đây, Bộ trưởng Bộ Công an, Đại tướng Tô Lâm đã có những thông tin về việc điều tra lùm xùm hoạt động từ thiện của các nghệ sĩ trong thời gian qua.
Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm
Bộ trưởng Tô Lâm cho biết, về kết quả tiếp nhận giải quyết sai phạm trong tố cáo từ thiện, Bộ Công an đang giao cho Cục Cảnh sát hình sự (CSHS) phối hợp với UBND và MTTQ Việt Nam các địa phương Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi... xác minh, làm rõ số tiền, hàng các nghệ sĩ đã tiến hành cứu trợ, từ thiện ở các địa phương.
Đồng thời, cũng đã mời làm việc với 1 số cá nhân, tổ chức đề nghị cung cấp các thông tin liên quan để sớm xác minh, làm rõ vụ việc.
Hiện Cục CSHS cũng đã chỉ đạo lực lượng CSHS toàn quốc rà soát, nắm tình hình hoạt động từ thiện diễn ra trên địa bàn, kịp thời phát hiện các trường hợp cá nhân, tổ chức lợi dụng kêu gọi từ thiện để thực hiện các hành vi chiếm đoạt tài sản.
Qua rà soát tại các địa phương, hiện nay cơ quan CSĐT Công an TP.HCM đã tiếp nhận 6 tố giác tội phạm của công dân có liên quan đến việc huy động tiền từ thiện của các nghệ sĩ và đang phân loại để xử lý theo quy định của pháp luật.
Theo Bộ trưởng Bộ Công an, qua rà soát, nắm tình hình, Bộ Công an sẽ kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền nghiên cứu, sửa đổi quy định về cá nhân vận động tiếp nhận, sử dụng, phân bổ các nguồn đóng góp thiện nguyện hỗ trợ nhân dân khắc phục khó khăn do thiên tai, hỏa hoạn các sự cố nghiêm trọng, các bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo... theo hướng công khai, minh bạch.
Trước đó, đại biểu Dương Văn Phước (đoàn Quảng Nam) nêu sự tùy tiện trong kêu gọi, quản lý quyên góp từ thiện, làm mất đi tính nhân văn của hoạt động này và lòng tin của nhà hảo tâm.
Trả lời nội dung này, Bộ trưởng Bộ Lao động - thương binh và xã hội Đào Ngọc Dung cho biết, Chính phủ khuyến khích các tổ chức, cá nhân và mọi người dân tham gia làm việc từ thiện, cứu trợ người bị ảnh hưởng bởi thiên tai, lũ lụt, dịch bệnh.
"Trong Nghị định 64, Bộ Tài chính là chủ thể thay mặt Nhà nước đứng ra tiếp nhận tiền thiện nguyện để cấp phát và giám sát việc thực hiện các chính sách hỗ trợ. Cùng với đó, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam và Hội Chữ thập đỏ cũng là cơ quan đứng ra tiếp nhận và thực hiện các chính sách hỗ trợ", ông Dung nói.
Tuy nhiên, ông Dung cho biết, trong quy định có khuyến khích các tổ chức, cá nhân khác huy động nhưng lại không quy định cụ thể cách thức huy động, quyên góp thế nào, cấp phát ra sao. Về cơ bản, ông Dung cho rằng các tổ chức, cá nhân đã tiếp nhận, ủng hộ người chịu ảnh hưởng bão lũ, dịch bệnh đến với người nhận.
"Nhưng vẫn còn chỗ này, chỗ kia. Theo tôi, làm thiện nguyện cần được khuyến khích nhưng trên có sở quy định, nguyên tắc pháp luật", ông Dung nhấn mạnh.
Ông cũng cho biết thêm thời gian qua, trước những vụ việc lùm xùm liên quan đến từ thiện, Thủ tướng đã giao cho Bộ Lao động - thương binh và xã hội, Bộ Tài chính đề xuất sửa đổi Nghị định 64. Và Thủ tướng đã ban hành Nghị định 93 ngày 27/10, trong đó quy định rất rõ nguyên tắc, tiêu chí cách làm, đối với các hoạt động kêu gọi quyên góp.
"Từ 1/12 này, sau khi Nghị định 93 có hiệu lực, chắc chắn hoạt động thiện nguyện sẽ đi vào nền nếp. Tổ chức, cá nhân nào sai phải xử lý theo pháp luật", Bộ trưởng Đào Ngọc Dung khẳng định.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận