Tự ý đào núi, phá rừng đặc dụng để làm đường
Thời gian gần đây, PV Báo Giao thông tiếp nhận nhiều thông tin phản ánh về việc rừng đặc dụng tại Vườn quốc gia Phia Oắc - Phia Đén, huyện Nguyên Bình, Cao Bằng bị xâm phạm trái phép để xây dựng đường giao thông. Theo đó, nhiều ha rừng đã bị chặt hạ, đào đắp, bị đất đổ thải vùi lấp, phục vụ dự án xây dựng đường giao thông.
Cận cảnh một điểm rừng tại Vườn quốc gia bị tác động khi làm đường giao thông tại huyện Nguyên Bình, Cao Bằng. (Ảnh chụp ngày 13/3/2023)
Có mặt tại tuyến đường trên, PV Báo Giao thông ghi nhận: Tuyến đường dài 23km đã hoàn thành, đưa vào sử dụng chạy qua vườn quốc gia. Tuy nhiên, nhiều điểm đã bị sạt lở nghiêm trọng khiến nhiều diện tích rừng và cây cối tiếp tục bị xâm phạm, mất ATGT. Tại khu vực trên vẫn còn hàng chục khúc gỗ được khai thác trong quá trình làm đường đang có dấu hiệu mục, hỏng.
Được biết, năm 2021, UBND huyện Nguyên Bình được UBND tỉnh Cao Bằng phê duyệt triển khai dự án đường liên xã nối từ QL34 đi xã Phan Thanh, khu du lịch Phia Oắc - Phia Đén, xã Thành Công.
Cả khu vực vườn quốc gia rộng lớn bị xâm phạm trái phép khi làm đường tại Nguyên Bình, Cao Bằng (Ảnh chụp ngày 13/3/2023)
Dự án có tổng mức đầu tư hơn 120 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách tỉnh Cao Bằng. Đơn vị thi công là liên danh Công ty CP Đầu tư và Xây dựng Ân Phú - Công ty CP Xây dựng công trình 399 và Công ty Thương mại Xuân Hòa.
Để thực hiện dự án này, tháng 3/2021, Chủ tịch UBND tỉnh Cao Bằng Hoàng Xuân Ánh đã ký văn bản ủy quyền cho huyện Nguyên Bình thu hồi đất để thực hiện dự án. Trong quá trình thực hiện, các nhà thầu thi công đã tác động hơn 3,2 hecta rừng đặc dụng. Trong số này, có hơn 7.000m2 rừng đặc dụng bị tác động nằm ngoài phạm vi được phê duyệt xây dựng.
Nhiều diện tích rừng tiếp tục bị xâm phạm do sạt lở sau làm đường trong vườn quốc gia tại Nguyên Bình, Cao Bằng
Trao đổi với PV Báo Giao thông, lãnh đạo UBND huyện Nguyên Bình thừa nhận: Theo quy định, toàn bộ diện tích rừng bị tác động nêu trên thuộc Vườn quốc gia Phia Oắc - Phia Đén, thẩm quyền phê duyệt chuyển đổi mục đích sử dụng rừng do Thủ tướng Chính phủ quyết định. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện dự án, các cơ quan chức năng của huyện đã không nắm được quy định này. Đến nay, toàn bộ diện tích rừng trên vẫn chưa được chuyển đổi mục đích sử dụng.
Nguyên nhân chậm được chuyển đổi là do sau khi tuyến đường đã được làm xong, rừng đã bị tác động, chặt phá thì các cơ quan chức năng tỉnh Cao Bằng mới hoàn thiện hồ sơ trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, cho phép chuyển đổi. Khi đoàn thẩm định của Bộ NN&PTNT vào cuộc đã kết luận: Rừng đã bị tác động, không còn hiện trường nên không có căn cứ để thẩm định cho chuyển đổi.
Dù nhiều điểm đã bị sạt lở, mất ATGT nhưng hiện vẫn không thể xử lý vì nếu đưa máy đến thi công thì phải mở rộng diện tích xâm phạm trái phép đến rừng đặc dụng trong vườn quốc gia.
Nhiều người chuyển công tác, hạ bậc thi đua
Trao đổi nguyên nhân dẫn đến vụ việc trên, lãnh đạo UBND huyện Nguyên Bình cho biết: Trong quá trình triển khai, huyện không nắm được quy định liên quan nên đã chỉ đạo nhà thầu xâm phạm rừng đặc dụng. Khi biết đến quy định liên quan thì dự án đã hoàn thành từ lâu.
Sau vụ việc, lãnh đạo Huyện ủy, UBND huyện Nguyên Bình đã tổ chức kiểm điểm, kỷ luật khiển trách, luân chuyển Giám đốc Ban QLDA huyện về làm Phó phòng Kinh tế hạ tầng huyện.
Gỗ được khai thác trong quá trình làm đường hiện vẫn tập kết tại hiện trường.
Chi cục Kiểm lâm tỉnh Cao Bằng cũng cho biết: Ngay khi xảy ra vụ việc xâm phạm trái phép đến rừng đặc dụng Vườn quốc gia Phia Oắc - Phia Đén, Trạm kiểm lâm địa bàn đã lập biên bản ghi nhận có 40m3 gỗ bị khai thác, chặt hạ trái phép.
Theo quy định: Vụ việc sẽ phải được yêu cầu giữ nguyên hiện trạng, hoàn thiện hồ sơ để Hạt Kiểm lâm huyện Nguyên Bình ban hành quyết định khởi tố vụ án hình sự vì đã vượt khu xử lý vi phạm hành chính. Tuy nhiên, sau đó vụ việc đã không được Hạt và Ban Quản lý rừng đặc dụng tỉnh báo cáo, xử lý kịp thời.
Cận cảnh gỗ khai thác trong quá trình làm đường qua Vườn quốc gia tại Nguyên Bình, Cao Bằng
Tháng 9/2021, khi Chi cục Kiểm lâm tỉnh Cao Bằng mới nắm được vụ việc thì rừng đã cơ bản bị xâm phạm. Do đó, Sở NN&PTNT tỉnh Cao Bằng đã hạ bậc thi đua năm của Hạt trưởng Kiểm lâm huyện Nguyên Bình từ hoàn thành tốt nhiệm vụ xuống mức hoàn thành nhiệm vụ. Vụ việc cũng khiến Giám đốc Ban Quản lý rừng đặc dụng tỉnh Cao Bằng và 3 công chức kiểm lâm huyện Nguyên Bình bị xếp loại thi đua không hoàn thành nhiệm vụ trong năm.
Về khối lượng gỗ bị khai thác, chặt hạ trong quá trình thi công tuyến đường trên, lãnh đạo UBND huyện Nguyên Bình và Chi cục Kiểm lâm tỉnh Cao Bằng đều khẳng định: Đây là tài sản Nhà nước, theo quy định sẽ phải được kê khai, bảo quản, lập phương án đấu giá. Tuy nhiên, đến nay việc đấu giá vẫn chưa được thực hiện do chưa thể chuyển đổi mục đích sử dụng rừng.
Trao đổi với PV Báo Giao thông, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cao Bằng - Nguyễn Trung Thảo cho biết: Ngày 14/3, Thường trực Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tỉnh Cao Bằng đã tổ chức phiên họp lần thứ 4 dưới sự chủ trì của ông Trần Hồng Minh, Bí thư Tỉnh ủy. Kết luận phiên họp, Thường trực Tỉnh ủy, Thường trực Ban chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tỉnh giao Đảng ủy Công an tỉnh chỉ đạo Cơ quan Cảnh sát điều tra khẩn trương tiến hành xác minh, điều tra, làm rõ những sai phạm trong vụ án trên.
Trước thông tin PV Báo Giao thông cung cấp về việc khối lượng gỗ tập kết tại hiện trường có dấu hiệu mục, hỏng, có nguy cơ lãng phí, thất thoát tài sản nhà nước, ông Thảo khẳng định sẽ chỉ đạo kiểm tra, thu giữ ngay để xử lý theo quy định.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận