Nhiều phần việc đã hoàn thành
Ngày 15/12, theo thông tin từ UBND tỉnh Sóc Trăng, tỉnh này vừa có báo cáo tháng 11/2022 về tình hình thực hiện dự án thành phần 4 thuộc Dự án Đầu tư xây dựng công trình đường bộ cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng giai đoạn 1.
Đến thời điểm này, tỉnh Sóc Trăng đã thành lập Ban Chỉ đạo điều hành các dự án đầu tư xây dựng công trình trọng điểm trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng, trong đó, có Dự án Đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng, giai đoạn 1.
Thứ trưởng Bộ GTVT - Nguyễn Duy Lâm (người mặc áo đen) cùng đoàn công tác trên tàu khảo sát khu vực khai thác cát biển đắp nền đường tại cửa biển Trần Đề (tỉnh Sóc Trăng) vào chiều 14/12.
Ban Chỉ đạo do Bí thư Tỉnh ủy - Lâm Văn Mẫn làm Trưởng ban đã ban hành Quy chế hoạt động của Ban Chỉ đạo điều hành.
Về tình hình triển khai dự án, đã hoàn thiện công tác lựa chọn nhà thầu và ký kết hợp đồng với tư vấn khảo sát lập dự án, tư vấn giám sát khảo sát lập dự án, tư vấn lập khung chính sách và tư vấn lập báo cáo đánh giá tác động môi trường.
Hoàn thành việc lựa chọn nhà thầu tư vấn thực hiện các khu tái định cư; khảo sát địa hình, thủy văn, khoan địa chất và thí nghiệm, bãi đổ thải. Đã khảo sát xong các mỏ đá, mỏ cát xây dựng và đang thực hiện công tác khảo sát mỏ cát đắp nền đường; hoàn thành hồ sơ khung chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư.
Tư vấn đã hoàn thiện hồ sơ thiết kế cơ bản đoạn 1, đoạn 2 (tổng chiều dài 53,1/58,4km) và đã phê duyệt hồ sơ sau khi cơ quan chuyên môn về xây dựng của Bộ GTVT có ý kiến.
Bên cạnh đó, chủ đầu tư đã trình Cục Quản lý đầu tư xây dựng cho ý kiến hồ sơ thiết kế một số yếu tố cơ bản các đoạn còn lại. Đồng thời đã trình thẩm định và trình song song cùng dự án đến cơ quan chuyên môn về xây dựng thuộc Bộ GTVT.
Tư vấn đã hoàn thiện hồ sơ thiết kế cơ bản và đã phê duyệt đoạn 1, đoạn 2 (tổng chiều dài 53,1/58,37km), đang trình hồ sơ thiết kế cơ bản đợt 3.
Đến nay, HĐND tỉnh Sóc Trăng đã phân bổ kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 cho dự án với số vốn là hơn 993 tỷ đồng.
Kiến nghị nhiều bộ ngành phối hợp
UBND tỉnh Sóc Trăng đánh giá rằng, nhìn chung các bước triển khai thực hiện cơ bản đảm bảo theo các mốc thời gian yêu cầu tại Nghị quyết số 91/NQ-CP ngày 25/7/2022 của Chính phủ và kế hoạch chi tiết của tỉnh.
Các công việc đã triển khai đảm bảo yêu cầu theo ý kiến kết luận của Trưởng Ban Chỉ đạo tại kỳ họp tháng 10/2022 (phiên họp thứ 3).
Tuy nhiên, do đây là lần đầu tỉnh triển khai dự án có quy mô rất lớn, phức tạp, phải phối hợp với nhiều Bộ, ngành, địa phương có liên quan, áp dụng nhiều cơ chế chính sách đặc thù và triển khai trong thời gian ngắn nên sẽ không lường hết được các khó khăn vướng mắc trong quá trình thực hiện.
UBND tỉnh Sóc Trăng kiến nghị Chính phủ sớm phê duyệt khung chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư.
Đồng thời, Bộ GTVT có văn bản hướng dẫn trình tự thực hiện đầu tư các khu tái định cư trong trường hợp sử dụng chi phí từ nguồn GPMB của dự án. Có ý kiến thống nhất về vị trí, quy mô trạm dừng nghỉ qua địa bàn tỉnh Sóc Trăng tại lý trình khoảng Km 135+700.
Song song đó, UBND tỉnh Sóc Trăng cũng kiến nghị Bộ TN&MT xem xét sớm triển khai thực hiện Dự án Đánh giá tài nguyên khoáng sản, phục vụ khai thác cát biển, đáp ứng nhu cầu san lấp các dự án đường cao tốc và hạ tầng giao thông, đô thị vùng ĐBSCL, nhằm đáp ứng kịp thời nhu cầu nguồn vật liệu cát san lấp.
Dự án thành phần 4 thuộc Dự án Đầu tư xây dựng công trình đường bộ cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng giai đoạn 1 có tổng chiều dài tuyến khoảng 58,4km (sau khi vi chỉnh phương án tuyến). Trong đó, chiều dài qua địa bàn tỉnh Hậu Giang khoảng 0,5km.
Quy mô mặt cắt ngang giai đoạn hoàn thiện 6 làn xe, mặt cắt ngang 32,25m. Cụ thể: phần xe chạy 6x3,75m=22,5m; làn dừng xe khẩn cấp 2x3,0m=6,0m; dải phân cách và dải an toàn trong 3x0,75m=2,25m; phần lề đất 2x0,75m=1,5m.
Quy mô mặt cắt ngang giai đoạn 1 phân kỳ là 4 làn xe, mặt cắt ngang17m. Cụ thể: Phần xe chạy 4x3,5m=14m; dải phân cách và dải an toàn trong 3x0,5m=1,5m; dài an toàn phía trong lề: 2x0,25m=0,5m; Phần lề đất 2x0,5m=1,0m.
Tổng mức đầu tư theo báo cáo nghiên cứu tiền khả thi: Khoảng 11.120 tỷ đồng, trong đó chi phí bồi thường, hỗ trợ và tái định cư 1.958 tỷ đồng (giải phóng mặt bằng (GPMB) toàn bộ 6 làn xe); chi phí xây dựng và thiết bị 7.221 tỷ đồng; chi phí quản lý dự án, tư vấn đầu tư xây dựng và chi phí khác 650 tỷ đồng; chi phí dự phòng khoảng 1.291 tỷ đồng.
Nguồn vốn đầu tư chủ yếu sử dụng ngân sách Trung ương, riêng tỉnh Sóc Trăng cam kết bố trí 1.000 tỷ đồng (tối thiểu 50% chi phí GPMB).
Chủ đầu tư dự án thành phần là Ban Quản lý dự án 2 tỉnh Sóc Trăng.
Dự kiến phê duyệt dự án đầu tư trước ngày 20/1/2023, bảo đảm khởi công trước ngày 30/6/2023.
Phấn đấu bàn giao 70% diện tích mặt bằng các gói thầu xây lắp trước ngày 30/6/2023 và cơ bản bàn giao diện tích còn lại trước ngày 31/12/2023.
Cơ bản hoàn thành một số đoạn tuyến có lưu lượng giao thông lớn năm 2025, hoàn thành toàn tuyến trong năm 2026 và hoàn thành đưa vào khai thác đồng bộ toàn dự án vào năm 2027.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận