Kỳ cuối: Chỉ định thầu có xóa được bất cập bù giá?
Những khó khăn trong thi công dự án cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 1 khiến nhiều nhà thầu e dè khi nghĩ đến việc tham gia 12 dự án thành phần giai đoạn 2.
Cơ chế nào khắc phục bất cập hiện nay để doanh nghiệp dốc sức vào dự án mới?
Các nhà thầu kỳ vọng cơ quan có thẩm quyền sẽ sớm nghiên cứu, ban hành chỉ số giá đặc thù về vật liệu chính thi công cao tốc Bắc - Nam (Trong ảnh: Thi công cao tốc Bắc - Nam đoạn Nghi Sơn - Diễn Châu). Ảnh: Tạ Hải
Bộ Xây dựng sẵn sàng hỗ trợ, hướng dẫn cụ thể
Liên quan đến khó khăn, bất cập do giá vật liệu leo thang, đặc biệt là cơ chế bù giá chưa hợp lý, ông Đàm Đức Biên, Cục trưởng Cục Kinh tế xây dựng (Bộ Xây dựng) cho biết, pháp luật xây dựng đã phân cấp, quy định đầy đủ, rõ ràng về quyền, trách nhiệm, nghĩa vụ của các chủ thể tham gia hoạt động đầu tư xây dựng (gồm Bộ Xây dựng, Bộ quản lý chuyên ngành, địa phương, chủ đầu tư, đơn vị tư vấn) trong việc tổ chức xác định, điều chỉnh và quản lý định mức.
Bộ Xây dựng cũng đã ban hành phương pháp xác định tại Thông tư số 13/2021 để hướng dẫn các chủ thể thực hiện.
Hệ thống định mức xây dựng do các cơ quan có thẩm quyền ban hành gồm: Các định mức xây dựng do Bộ Xây dựng ban hành để áp dụng chung; các định mức dự toán công tác xây dựng đặc thù chuyên ngành do các Bộ quản lý xây dựng công trình chuyên ngành ban hành; các định mức dự toán công tác xây dựng đặc thù của địa phương do UBND cấp tỉnh ban hành.
“Trường hợp chưa có định mức dự toán hoặc áp dụng định mức dự toán do cơ quan có thẩm quyền ban hành nhưng không phù hợp thì chủ đầu tư tự tổ chức xác định định mức mới, điều chỉnh định mức để áp dụng cho công trình.
Cơ quan chuyên môn về xây dựng sẽ thẩm định nội dung này trong quá trình thẩm định dự toán xây dựng công trình theo quy định”, ông Biên nói và khẳng định, Bộ Xây dựng sẽ tiếp tục lắng nghe ý kiến, sử dụng các số liệu cụ thể được cung cấp làm cơ sở rà soát, điều chỉnh định mức.
Các chủ đầu tư, nhà thầu, địa phương cần phối hợp, xây dựng định mức phù hợp với những dự án giao thông đặc thù, đảm bảo chủ động trong quá trình thi công.
“Đối với những hợp đồng điều chỉnh giá, các bên cần ngồi lại đánh giá mức độ tác động, đầy đủ các nguyên nhân, cơ sở pháp lý... từ đó đề xuất các kiến nghị, giải pháp phù hợp. Bộ Xây dựng sẵn sàng hỗ trợ, hướng dẫn theo thẩm quyền đối với từng hợp đồng cụ thể”, ông Biên nói.
“Tiết kiệm tối thiểu 5% giá trị dự toán gói thầu” - Đầu bài khó
Một đại diện Ban QLDA Thăng Long cho biết, theo Nghị quyết 18 của Chính phủ, dự án cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2 được áp dụng hình thức chỉ định thầu đối với gói thầu xây lắp các dự án thành phần trong 2 năm 2022 và 2023 kèm theo yêu cầu tiết kiệm tối thiểu 5% giá trị dự toán gói thầu (không bao gồm chi phí dự phòng).
Tuy nhiên, theo đại diện này, cơ chế đặc thù trên nếu được triển khai sẽ mang lại cả cơ hội và thách thức đối với nhà thầu.
Cụ thể, trong đấu thầu, nhà thầu bỏ giá theo hướng “lời ăn lỗ chịu”, không được đưa dự toán có sẵn, chủ đầu tư chỉ đưa đề bài về khối lượng, tiêu chuẩn kỹ thuật, quy mô công trình trên tuyến, trên cơ sở đó nhà thầu tự khảo sát xác định giá thành cho phần xây dựng được bỏ thầu.
Trong chỉ định thầu, chủ đầu tư sẽ giao hạng mục và dự toán được duyệt cho nhà thầu. Trên cơ sở đó, nhà thầu thực hiện nếu giá trị vượt lên thì tính thêm, thực hiện ít hơn thì trừ đi. Quá trình làm có thay đổi về cơ chế theo quy định của Nhà nước, các chính sách tính toán về giá thành vẫn có thể được đưa ra để bổ sung cho nhà thầu.
Nghĩa là với chỉ định thầu, làm hạng mục nào, đến đâu sẽ có thỏa thuận trực tiếp để thống nhất làm theo đơn giá dự toán nhà nước.
“Về giá vật liệu, chỉ định thầu hay đấu thầu đều tính trượt giá ở thời điểm thanh toán. Tuy nhiên, trong đấu thầu hiện nay, các gói thầu thi công xây dựng công trình giao thông chủ yếu áp dụng loại hợp đồng theo đơn giá điều chỉnh (theo phương pháp hệ số giá điều chỉnh; sử dụng chỉ số giá do địa phương công bố). Trong những đợt biến động về giá vật liệu, chỉ số giá địa phương công bố không đủ bù trượt giá thực tế, gây thiệt hại cho nhà thầu”, đại diện Ban QLDA Thăng Long nói.
Tái khẳng định cơ chế chỉ định thầu xây lắp ở dự án cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2 sẽ mang lại lợi thế nhất định cho nhà thầu, song, đại diện Ban QLDA Thăng Long cũng nhìn nhận, điều kiện nhà thầu phải tiết kiệm tối thiểu 5% giá trị dự toán gói thầu (chưa bao gồm chi phí dự phòng) là yêu cầu khó so với đấu thầu.
“Tại những dự án giao thông hiện hữu, kể cả các dự án thành phần giai đoạn 1, không nhà thầu nào dám giảm giá 5%, tỷ lệ giảm cao cũng chỉ được 1 - 2%”, vị này chia sẻ thêm.
Khung giá đầu vào phải chính xác, nhà thầu mới không thiệt hại
Ông Phan Văn Thắng, Phó chủ tịch HĐQT Công ty CP Tập đoàn Đèo Cả cũng cho rằng, trong cơ chế chỉ định thầu, lợi thế có được là việc thanh toán theo hướng “thực thanh thực chi”.
Tuy nhiên, kể cả thực hiện theo cơ chế này, việc xây dựng khung giá đầu vào phải chính xác, kịp thời. Hệ thống thông báo giá, chỉ số giá phải “chạy” kịp thời và tiêu chí xác định chỉ số giá cũng phải đồng nhất, tránh tình trạng mỗi nơi một tiêu chí ban hành.
Muốn làm được vậy, cần phải có những cơ quan chuyên môn hoặc đơn vị tư vấn độc lập chuyên trách về vấn đề giá để cập nhật kịp thời khi nhà thầu thanh toán, dòng tiền không bị thâm hụt.
“Cơ quan có thẩm quyền cũng cần chỉ đạo các đơn vị chuyên môn, tư vấn rút kinh nghiệm dự án cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 1, làm kỹ bước thiết kế kỹ thuật để tránh phát sinh các hạng mục và xác lập dự toán sát với thực tế, nhu cầu sử dụng vật tư, vật liệu trong bối cảnh nhiều dự án giao thông triển khai cùng lúc”, ông Thắng nói.
Cũng theo ông Thắng, chỉ định thầu là cơ chế vừa phục vụ rút ngắn tiến độ triển khai dự án. Qua đó, “chọn mặt gửi vàng”, giao trách nhiệm cho những doanh nghiệp có uy tín. Song, yêu cầu tiết kiệm 5% tạo ra áp lực nhất định với nhà thầu khi vừa phải đảm bảo chất lượng công trình, vừa phải đảm bảo chỉ tiêu lợi nhuận doanh nghiệp khi tham gia dự án.
“Cơ quan có thẩm quyền cần sớm triển khai công tác chỉ định thầu, xác lập rõ khối lượng công việc giao để nhà thầu có đủ thời gian huy động nhân lực, tập hợp lực lượng (thầu phụ), máy móc thiết bị, tài chính, chuẩn bị sẵn nguồn vật liệu, đảm bảo quá trình thi công không bị thiếu về nguồn cung, ảnh hưởng đến tiến độ như thời gian qua”, ông Thắng đề xuất.
Kỳ 1: Lỗ nặng, nhà thầu vẫn phải xoay tiền thi công
Kỳ 2: Địa phương công bố chỉ số giá quá chậm, chênh lệch lớn
Kỳ 3: Thuê tư vấn độc lập xây dựng chỉ số giá đặc thù?
Vì sao chủ đầu tư “ngại” chọn phương án bù giá trực tiếp?
Theo đại diện Ban QLDA Thăng Long, hiện nay, có hai phương pháp bù giá trong điều chỉnh giá hợp đồng là bù giá trực tiếp (lấy toàn bộ khối lượng nhân với đơn giá, tính lại giá để bù giá theo đúng dự toán giá vật liệu thay đổi tại thời điểm thi công) và phương pháp bù giá theo chỉ số giá (tính trung bình bù giá cho các dự án).
Về nguyên tắc, bản chất bù giá của hai phương pháp là như nhau. Thế nhưng, chủ đầu tư thường chọn bù giá theo phương pháp chỉ số giá để đơn giản hóa thủ tục.
Tính phức tạp của bù giá trực tiếp là chẳng hạn có 10 nhà thầu trong một gói thầu, vật liệu cấp phối đá dăm một nhà thầu A mua 230.000 đồng/m3, nhà thầu B mua 250.000 đồng/m3 nhưng giá nhà thầu C mua lại là 290.000 đồng/m3. Công thức bù giá ở trường hợp này sẽ rất khó tính. Phương pháp bù giá trực tiếp có thể có tình trạng “khống giá” và mang đến nhiều rủi ro trong quá trình thanh, quyết toán.
Bất cập vật liệu đất không có trong danh mục điều chỉnh giá
Liên quan đến khó khăn của nhà thầu thi công cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 1, Cục trưởng Cục Kinh tế xây dựng Đàm Đức Biên cho rằng, việc không đưa vật liệu đất đắp vào danh mục điều chỉnh giá đang là bất cập hiện nay.
“Đất đắp là vật liệu chiếm tỷ trọng tương đối lớn, khoảng 15 - 20% chi phí vật liệu xây dựng. Trường hợp mỏ chưa được cấp phép, nhà thầu phải đi mua ngoài dẫn đến đội giá. Đây cũng là nguyên nhân tác động đến chi phí của nhà thầu”, ông Biên nói.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận