Góp ý vào dự thảo quy hoạch, nhiều chuyên gia đề xuất, nên dựa vào trục cao tốc Bắc - Nam và coi đây là “xương sống”, là cầu nối những động lực kinh tế.
Giao thông phải đi trước một bước
Bộ KH&ĐT vừa đưa ra dự thảo Quy hoạch tổng thể quốc gia năm 2021 - 2030, tầm nhìn 2050 để tham vấn, lấy ý kiến các tổ chức liên quan. Quy hoạch tổng thể quốc gia là quy hoạch cấp cao nhất trong hệ thống quy hoạch của Việt Nam.
Đoàn công tác Bộ GTVT do Thứ trưởng Nguyễn Duy Lâm (hàng đầu, thứ 3 từ trái qua) dẫn đầu đi kiểm tra hiện trường và hướng tuyến cao tốc Bắc - Nam đoạn qua tỉnh Bình Định ngày 27/4/2022
Mục tiêu của quy hoạch là kiến tạo một mô hình phân bổ không gian phát triển quốc gia hiệu quả, bền vững, hình thành được các vùng động lực, các trung tâm kinh tế, đô thị chiến lược, mạng lưới kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, kết nối giữa các vùng, giữa thành thị và nông thôn, tạo điều kiện cho tăng trưởng kinh tế cao.
Nếu xem cao tốc Bắc - Nam là “xương sống” và phát triển kinh tế theo hành lang này, cần có những ưu tiên nguồn lực, thể chế riêng để đẩy nhanh tiến độ.
Trong đó, riêng về giải phóng mặt bằng, việc triển khai nhanh hay chậm phụ thuộc rất lớn vào quyết tâm của các địa phương... Bài học kinh nghiệm trong những năm qua cho thấy, địa phương nào nỗ lực thì công đoạn này sẽ được thực hiện nhanh gọn. Bởi vậy, cần có cơ chế gắn trách nhiệm người đứng đầu để triển khai nhanh các dự án thành phần.
PGS. TS. Đinh Trọng Thịnh, chuyên gia kinh tế
Đối với các ngành hạ tầng kỹ thuật, Quy hoạch đưa ra quan điểm phát triển kết cấu hạ tầng giao thông là một trong ba đột phá chiến lược, tạo tiền đề cho phát triển kinh tế xã hội. Vì vậy, hạ tầng giao thông sẽ được ưu tiên huy động mọi nguồn lực để đầu tư đồng bộ, hiện đại.
Quy hoạch đặt ra phương hướng phát triển để đến năm 2030 cả nước có khoảng 5.000km, đến năm 2050 có trên 9.000km đường bộ cao tốc; đến năm 2050, hoàn thành tuyến đường sắt cao tốc Bắc - Nam…
Trao đổi với Báo Giao thông, TS. Trần Hồng Quang, Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển (Bộ KH&ĐT) cho rằng, mục tiêu của Quy hoạch trên là tập trung theo một số hành lang kinh tế và một số vùng động lực, không phát triển dàn trải.
“Hiện hành lang kinh tế phía Đông đang được ưu tiên, nên chỉ có hành lang kinh tế Bắc - Nam là lựa chọn. Nếu cùng lúc phát triển cả phía Tây hoặc nhiều trục sẽ không hiệu quả.
Về hạ tầng giao thông, ý tưởng của Quy hoạch là phát triển cả đường sắt, đường bộ, cao tốc. Đất nước ta có chiều dài lớn, cần phát triển song song cả đường sắt làm trục “xương sống” hỗ trợ cho đường bộ”, ông Quang nói và cho rằng, để phát triển kinh tế, hạ tầng giao thông phải đi trước một bước.
Cũng theo ông Quang, khi tập trung nguồn lực cho trục Bắc - Nam, đường mở đến đâu, kinh tế - xã hội có điều kiện phát triển đến đó, từ đây ngân sách sẽ có điều kiện quay lại hỗ trợ, phát triển các vùng, các trục khác.
Cao tốc Bắc - Nam sẽ là cầu nối
Thi công cao tốc Mai Sơn - QL45. Ảnh: Tạ Hải
Cùng đưa ra quan điểm cần định hướng phát triển không gian vùng theo chiều dọc đất nước, bám theo sự phát triển của hệ thống hạ tầng giao thông, TS. Lê Xuân Nghĩa, nguyên Phó chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính, tiền tệ Quốc gia cho rằng, các nước phát triển đều xem hạ tầng giao thông là chìa khóa của phát triển và thu hút đầu tư. Bởi vậy, việc ưu tiên nguồn lực phát triển hạ tầng giao thông cần được thúc đẩy hơn nữa.
Theo PGS. TS. Doãn Minh Tâm, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học và Công nghệ GTVT, Bộ GTVT, hệ thống cơ sở hạ tầng giao thông đường bộ và tổng sản lượng vận tải đường bộ tuy đã có sự bứt phá song vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu. Tình trạng ùn tắc, nhất là tại các đô thị lớn đã diễn ra từ lâu nhưng chưa giải quyết được, trở thành điểm nghẽn.
TS. Doãn Minh Tâm cho rằng, hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông cần được quy hoạch theo chức năng, bảo đảm đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, quy mô nền kinh tế, nhu cầu phát triển vùng, miền và nhất là hiệu quả đầu tư.
“Đối với các hành lang vận tải chính, cần tái cơ cấu thị trường vận tải nội địa theo hướng tăng dần vận tải đường sắt, đường thủy nội địa”, ông Tâm đề xuất.
Cho rằng cần dựa vào trục cao tốc Bắc - Nam để phát triển hành lang kinh tế Bắc - Nam, PGS. TS. Vũ Năng Dũng, Hội Khoa học Đất Việt Nam góp ý, cần định hướng phát triển không gian theo vùng, chẳng hạn như vùng các tỉnh có biển để phát triển kinh tế ven biển, khai thác nuôi trồng thủy sản; vùng đồng bằng và núi thấp là vùng sản xuất lương thực, các cây công nghiệp hàng hóa chủ lực, các khu công nghiệp ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất...
“Vùng động lực phải gắn với phát triển hệ thống đô thị và nông thôn quốc gia. Quy mô của hệ thống đô thị tất yếu sẽ tăng, tỷ lệ đô thị hóa dự kiến đạt 50% vào năm 2030 và 70% vào năm 2050, dự kiến đóng góp tới 85% GDP năm 2030, tỷ lệ đất xây dựng đô thị đạt 2,3% diện tích tự nhiên”, ông Dũng phân tích.
Trong khi đó, TS. Phó Đức Tùng, chuyên gia thuộc Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam cho rằng, bên cạnh việc ưu tiên phát triển cao tốc Bắc - Nam, muốn phát triển kinh tế, hệ thống đô thị cần phải phát triển thành mạng lưới, có mối liên kết hệ thống, không chỉ là một tập hợp các điểm đô thị rời rạc.
“Cấu trúc của hệ thống đô thị cần gắn liền với chiến lược phát triển kinh tế, tạo ra sự tập trung theo hành lang, vùng trọng điểm, để có thể trở thành đầu tàu về tăng trưởng kinh tế. Cao tốc Bắc - Nam sẽ là cầu nối những động lực kinh tế này”, ông Tùng nhận định.
Cơ sở quan trọng để hoạch định phát triển
Quy hoạch tổng thể quốc gia là quy hoạch cấp cao nhất trong hệ thống quy hoạch của Việt Nam. Theo các chuyên gia kinh tế, Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 là văn bản hết sức quan trọng, hoàn thiện không gian, các lĩnh vực tổng thể của đất nước với tầm nhìn dài hạn, theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng về khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc.
Đây là cơ sở quan trọng để hoạch định phát triển đất nước trong những năm tới đảm bảo hiệu quả, bền vững, cũng là văn kiện chung để triển khai các quy hoạch trên các vùng, ngành, xây dựng quy hoạch các địa phương của cả nước. Nếu quy hoạch đúng, phù hợp sẽ phát huy được tối đa tiềm năng, lợi thế cạnh tranh, cơ hội hợp tác, phát triển và ngược lại, nếu quy hoạch không đạt yêu cầu, mong muốn đề ra, sẽ tác động tiêu cực đến các quy hoạch khác, suy rộng ra là kìm hãm sự phát triển của đất nước.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận