Một cảm biến radar được lắp trên tuyến cao tốc Kwinana dài 72km ở Úc
Đầu tư hệ thống giao thông thông minh (ITS) trong quá trình quản lý, vận hành dự án cao tốc Bắc - Nam bằng các công nghệ tiên tiến, hiện đại trong đó có việc tích hợp công nghệ radar được kỳ vọng là bước đột phá giúp quá trình chuyển đổi số trong ngành GTVT diễn ra nhanh hơn, mạnh hơn so với hiện nay.
Minh bạch về chủ trương đầu tư hệ thống ITS cao tốc Bắc - Nam
Cao tốc Bắc - Nam là công trình trọng điểm quốc gia, do vậy, ngay từ thời điểm này, cùng với việc đốc thúc các ban quản lý dự án, nhà thầu đẩy nhanh tiến độ xây lắp, đảm bảo chất lượng, sớm hoàn thành các dự án thành phần theo các mốc thời gian đề ra.
Bộ GTVT đang tập trung chỉ đạo các cơ quan, đơn vị liên quan xây dựng phương án quản lý, vận hành khi đưa công trình vào khai thác, trong đó có việc áp dụng hệ thống giao thông thông minh (ITS) để đưa cao tốc Bắc - Nam trở thành tuyến đường kiểu mẫu về công nghệ hiện đại.
Tại cuộc họp mới đây của Bộ GTVT, Thứ trưởng Lê Đình Thọ cho biết, cao tốc Hà Nội - Hải Phòng được coi là tuyến đường có mô hình quản lý, khai thác vận hành hiện đại bậc nhất cả nước hiện nay.
Tuy nhiên, vừa qua, dự án này cũng phải bổ sung thêm hệ thống thu phí tự động không dừng vào dự án nên cũng chưa thể coi là đã hoàn thiện 100%. Vì vậy, theo ông, “Đối với dự án cao tốc Bắc - Nam, chúng ta phải tham khảo chọn lọc những mô hình tiên tiến, hiện đại để áp dụng phù hợp vào thực tiễn”.
“Từ hệ thống đường cao tốc và hệ thống ITS như hiện nay thì áp dụng mô hình nào cho phù hợp như đường truyền, trung tâm điều hành, trang thiết bị thu thập thông tin và dữ liệu, đầu tư công nghệ, đến việc ai chịu trách nhiệm quản lý cần phải rõ ràng ngay từ đầu. Bộ GTVT cần xây dựng chủ trương minh bạch về việc đầu tư hệ thống ITS cho cao tốc Bắc - Nam để các ban quản lý dự án, tư vấn bám theo đúng chủ trương của Bộ GTVT trong quá trình triển khai, thực hiện”.
“Điều này cũng tạo điều kiện thuận lợi cho các đơn vị trong việc giải trình với cơ quan liên quan về sau. Tuy nhiên, trước khi đưa ra chủ trương về đầu tư hệ thống ITS cho cao tốc Bắc - Nam, chúng ta phải bàn bạc, thảo luận kỹ lưỡng về hành lang pháp lý, cơ sở thực hiện và phải có so sánh giữa các phương án để lựa chọn giải pháp tối ưu”, Thứ trưởng Thọ cho hay.
Công nghệ giữ vai trò cú hích tạo đột phá và góp phần phát triển bền vững mạng lưới đường bộ cao tốc
Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã chỉ rõ cần đẩy mạnh chuyển đổi số và ứng dụng thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Đây cũng là trăn trở của lãnh đạo Bộ GTVT và mục tiêu phấn đấu của ngành trong thời gian tới, như chia sẻ gần đây của Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể: “Cách mạng công nghiệp 4.0 là con đường tất yếu phải theo.
Thời gian qua mặc dù Bộ GTVT đã cố gắng nhiều nhưng việc ứng dụng thành tựu công nghệ, đặc biệt là công nghệ tự động hóa vẫn còn hạn chế”.
Khách quan mà nói, so với yêu cầu đề ra trong các quy định hiện hành về hệ thống ITS như Nghị định số 32/2014/NĐ-CP, Thông tư số 90/2014/TT-BGTVT, TCVN 10850:2015 thì hệ thống ITS hiện tại ở nước ta chưa hoàn toàn đáp ứng được.
Nếu tham chiếu đến tiêu chuẩn gần đây nhất là TCVN 12836-1:2020 thì nguy cơ tụt hậu, không tận dụng được lợi thế do công cuộc chuyển đổi số mang lại, cũng như đánh mất cơ hội “đi tắt đón đầu” trong lĩnh vực ITS đang dần xuất hiện.
Đơn cử như việc phát hiện tự động các sự cố/sự kiện giao thông một cách liên tục, không gián đoạn, trong thời gian thực (thông tin động) vẫn chưa đạt yêu cầu, do hai thành phần chính trong việc thu thập dữ liệu của ITS trong thiết kế là camera giám sát (CCTV) và camera dò xe (VDS) bị hạn chế về hiệu suất, hiệu năng trong các môi trường và điều kiện thời tiết bất lợi (chói sáng, đêm tối, mưa lớn, sương mù, khói bụi…).
Hệ quả là hệ thống không phát hiện và cảnh báo kịp thời tất cả các sự cố tiềm ẩn nguy cơ tai nạn như: Phương tiện gặp sự cố, người và súc vật băng ngang, vật rơi trên đường, hoặc phương tiện “bám đuôi” nhau không an toàn, chuyển làn đột ngột gây mất tầm nhìn cho phương tiện khác…
Tương tự, việc chủ động điều tiết giao thông cũng còn một khoảng cách khá xa giữa thực tế và mong muốn.
Về nguyên tắc, khi lượng dữ liệu không đủ nhiều và kịp thời để hình thành CSDL lớn (Big Data) thì quá trình phần tích, dự báo và điều khiển giao thông sẽ kém hiệu quả. Giới hạn trong nguyên lý hoạt động của camera khiến dữ liệu về “dòng giao thông trong thời gian thực” khó có chất lượng cao, từ đó cũng làm giảm năng lực điều tiết lượng xe ra vào cao tốc (Ramp-metering) được tối ưu, trong khi đây lại là một trong những điều kiện tiên quyết để lưu thông trên cao tốc được thông suốt.
Chính những điều trên khiến cho nhu cầu phải áp dụng công nghệ mới vào ITS là một nhu cầu bức thiết, đúng như tinh thần mà Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình, Chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông quốc gia đã nhấn mạnh trong cuộc họp tổng kết 5 năm thực hiện phong trào thi đua đảm bảo trật tự, an toàn giao thông giai đoạn 2016 - 2020: Khoa học công nghệ là giải pháp quan trọng nhất, là chìa khóa để triển khai 5 trụ cột chính sách về trật tự, an toàn giao thông.
Radar liệu có là lựa chọn thích hợp?
Trao đổi với Báo Giao thông, TS. Nguyễn Đình Thạo - Giảng viên bộ môn đường ô tô và sân bay (khoa Công trình, Đại học GTVT) cho biết, hiệu quả đầu tư của các tuyến đường cao tốc được thể hiện rõ ở 3 tiêu chí: Thu hút phương tiện, khai thác an toàn và công trình đảm bảo bền vững. Trong đó, hệ thống ITS có tác động đến hai tiêu chí đầu tiên, vốn liên quan trực tiếp đến quyết định sử dụng đường cao tốc của người tham gia giao thông.
Một thực tế trong khai thác đường cao tốc đó là, khi khai thác được một thời gian, lưu lượng tăng lên đáng kể và mang lại nhiều lợi ích cho nhà đầu tư, xã hội thì mức độ tiện nghi có xu hướng giảm đi rõ rệt (đường đông đúc hơn, dễ xảy ra sự cố giao thông, mặt đường hư hỏng, xuống cấp kể cả về mặt vật lý lẫn cảnh quan…) đưa đến sự kém thỏa mãn, không thoải mái cho người sử dụng đường cao tốc.
Việc hệ thống ITS bị hạn chế sẽ làm cho quá trình phân tích, dự báo và quản lý, điều hành giao thông kém hiệu quả, dẫn tới tăng xác suất các kịch bản không mong muốn (ùn tắc, tai nạn, dòng giao thông “hỗn loạn”), không tối ưu được năng lực của đường, giảm mức độ phục vụ và khiến “bào mòn” niềm tin của người tham gia giao thông về độ tin cậy ATGT cũng như mức độ tiện nghi của đường cao tốc.
Bài toán đánh đổi giữa “phải trả phí” và “được nhận dịch vụ tốt” có thể không được giải đáp, từ đấy nảy sinh việc người tham gia giao thông có lựa chọn khác thay vì đường cao tốc. Và đây sẽ là kịch bản không mong muốn cho bất cứ bên nào liên quan (nhà đầu tư, cơ quan quản lý, chủ phương tiện và xã hội).
Xét trong bối cảnh chuyển đổi số đang trong đà tiến triển mạnh mẽ với những công cụ hỗ trợ xử lý rất mạnh thì không khó để nhận ra điểm yếu chính của các hệ thống ITS hiện tại nằm ở khâu thu thập thông tin.
Việc không hình thành được CSDL lớn trên toàn bộ đường cao tốc theo thời gian thực đã dẫn đến sự bất khả thi trong việc tự động hóa các công tác: Giám sát giao thông, phát hiện sự cố/tình huống nguy hiểm, phát hiện hành vi vi phạm và đưa ra cảnh báo tức thời.
Thật vậy, mặc dù camera đã rất phát triển nhưng vẫn tồn tại những hạn chế về “miền hoạt động” như đã nêu ở phần đầu và đây là khởi nguồn của việc phát triển các giải pháp về radar trong giao thông, bởi radar vốn là công nghệ ưu việt xem như tuyệt đối trong lĩnh vực dò tìm, giám sát đối tượng trong không gian theo nguyên lý phát truyền - thu sóng vô tuyến.
Bằng chứng là công nghệ radar đã được không ít các quốc gia áp dụng từng bước vào hệ thống giao thông đường bộ nói chung, cũng như đường cao tốc nói riêng.
Như vậy có thể thấy, ứng dụng công nghệ radar kết hợp cùng camera là một chọn lựa tối ưu cho chức năng thu thập dữ liệu nhằm đảm bảo việc thực thi tốt hơn các miền dịch vụ của hệ thống ITS (xem thêm bài “Lợi gì khi triển khai radar trên cao tốc”, Báo Giao thông ngày 1/2/2021).
Rộng hơn nữa, theo ông Huỳnh Phước Nghĩa, Phó Viện trưởng Viện Đổi mới sáng tạo (Đại học Kinh tế TP HCM) thì khi có sự đổi mới, mà cụ thể hơn là việc áp dụng loại hình công nghệ cao như công nghệ radar trên các tuyến cao tốc sẽ làm tăng thêm cơ hội chia sẻ thông tin dữ liệu hiệu quả đáp ứng chiến lược chuyển đổi số quốc gia, đồng thời tạo thêm dư địa cho sự đổi mới ở các ngành có mối quan hệ hữu cơ như: Điện tử, công nghệ thông tin…
Về vấn đề này, TS. Thạo cũng nêu quan điểm: Các nước phát triển như Hàn Quốc, Nhật Bản đã từng thành công khi xuất khẩu công nghệ ITS trong quá trình phát triển mạng lưới đường cao tốc, vậy tại sao chúng ta không đặt vấn đề phát triển hệ thống ITS mới trong cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư hướng tới xuất khẩu ra thế giới, khi mà Việt Nam còn dư địa rất lớn là trên 80% mạng lưới đường cao tốc chưa được đầu tư xây dựng?
Phải có tư duy đột phá để bắt kịp công nghệ hiện đại
Liên quan đến một số thông tin cho rằng, Bộ GTVT chưa cần “xài sang” đến mức phải tích hợp công nghệ radar vào hệ thống ITS của các dự án cao tốc Bắc - Nam vì thiết kế hiện tại đã được xem là hiện đại, trao đổi với Báo Giao thông, một chuyên gia trong lĩnh vực công nghệ cho rằng, cách đặt vấn đề như vậy là thể hiện “bước lùi về tư duy”.
“Nếu việc đầu tư vẫn đảm bảo cân đối nguồn lực và đem lại nhiều lợi ích, hiệu quả để nâng cao năng lực điều hành giao thông, đảm bảo ATGT thì không có lý do gì không đầu tư công nghệ này cho các dự án cao tốc Bắc - Nam, nhất là Nghị quyết số 52/2017 của Quốc hội khóa XIV đã yêu cầu dự án cao tốc Bắc - Nam cần áp dụng công nghệ tiên tiến, hiện đại.
Nếu chúng ta vẫn giữ lối tư duy cũ thì Việt Nam đã không có sự chuyển đổi về mạng 5G như hiện nay, bởi với nhiều người thì mạng 4G vẫn “chưa dùng hết”. Do đó, đầu tư ITS cho dự án cao tốc Bắc - Nam chắc chắn cũng cần một tư duy đột phá để theo kịp xu hướng của thời đại, bởi radar là công nghệ giúp quá trình chuyển đổi số trong ngành GTVT diễn ra nhanh hơn”, vị chuyên gia này chia sẻ.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận