Sau khi hoàn thành, thời gian chạy xe từ TP.HCM đến Bà Rịa - Vũng Tàu được rút ngắn, chỉ còn khoảng 70 phút.
QL51 đoạn qua Đồng Nai quá tải, xe cộ chật cứng vào các giờ cao điểm (Trong ảnh: Ô tô xếp hàng qua trạm thu phí T2, huyện Long Thành dịp Tết 2022)
Ám ảnh quá tải, ùn tắc QL51
QL51 là tuyến đường bộ độc đạo từ Đồng Nai đi Bà Rịa - Vũng Tàu, chật chội và thường kẹt xe, khói bụi mù mịt. Các ngày cuối tuần và nghỉ lễ, Tết, ô tô, xe máy chen chân nhích từng mét.
Dọc tuyến có nhiều khu công nghiệp, mỏ vật liệu xây dựng. Mỗi ngày có hàng nghìn lượt xe qua lại luôn tiềm ẩn nguy cơ TNGT.
Ngã ba Bến Thái Lan gần KCN Tam Phước và các giao lộ luôn là nỗi ám ảnh của tài xế. Vào giờ tan tầm, hàng nghìn ô tô, xe máy cùng đổ ra giao lộ khiến giao thông hỗn loạn, ùn ứ.
QL51 đoạn qua Long Thành thường xuyên ùn tắc giao thông, là nỗi ám ảnh của tài xế.
Tài xế Nguyễn Văn Hiền chạy tuyến TP.HCM - Vũng Tàu than thở: “Các nút giao 25B và đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây hàng ngày xe tải trọng lớn ra vào các KCN Nhơn Trạch và vào cao tốc rẽ ra QL51 gây ách tắc giao thông luôn là nỗi ám ảnh của tài xế. Kẹt xe nhiều nhất là đoạn qua Biên Hòa và thị trấn Phú Mỹ”.
Theo thống kê của Công ty CP Phát triển đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu (BVEC - chủ đầu tư dự án mở rộng QL51), thiết kế ban đầu tuyến QL51 có công suất 12.000 lượt xe/ngày đêm. Đến cuối năm 2020, công suất trung bình đã tăng lên gấp 3 lần thiết kế ban đầu. Trong dịp lễ nghỉ lễ, trung bình mỗi ngày có gần 50.000 lượt xe qua trạm T2 (Long Thành, Đồng Nai).
Theo ông Bùi Văn Tuấn, Chánh văn phòng Ban ATGT tỉnh Đồng Nai, mật độ phương tiện tham gia giao thông trên tuyến QL51 quá tải. Tình trạng ùn ứ giao thông thường xuyên xảy ra, nhất là vào giờ cao điểm. Một số nút giao trọng yếu tiềm ẩn nguy cơ cao TNGT.
“Việc sớm đưa vào khai thác cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu và các dự án đường kết nối liên vùng sẽ giảm tải cho QL51, chắc chắn sẽ giảm TNGT", ông Tuấn nói.
Ông Lê Quang Bình, Giám đốc Sở GTVT tỉnh Đồng Nai, cho rằng về kết nối giao thông đường bộ, cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây là hướng kết nối chính với sân bay Long Thành. Tuyến này đang được nghiên cứu mở rộng lên 8 làn xe đoạn từ TP.HCM đến giao với cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu khi sân bay Long Thành đưa vào khai thác.
Các cao tốc: Biên Hòa - Vũng Tàu, Bến Lức - Long Thành, Phan Thiết - Dầu Giây (đã thông xe), Dầu Giây - Tân Phú, Tân Phú - Bảo Lộc cùng các tuyến đường Vành đai 3, Vành đai 4 - TP.HCM cũng đang gấp rút được triển khai thực hiện. "Các tuyến cao tốc, vành đai được đưa vào khai thác sẽ đáp ứng được nhu cầu kết nối sân bay Long Thành với các địa phương trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam nói riêng và các tỉnh lân cận", ông Bình nhận định.
Đánh thức tiềm năng logistics, khai thác thế mạnh biển
Theo các chuyên gia giao thông, tuyến QL51 là tuyến đường bộ độc đạo kết nối TP.HCM, Đồng Nai đi Bà Rịa - Vũng Tàu nhiều năm qua đã gồng gánh lượng xe từ các khu công nghiệp, cảng và du lịch biển. Cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu đưa vào khai thác sớm sẽ đóng vai trò quan trọng, là đòn bẩy phát triển logistics, tạo ra tăng trưởng kinh tế cho vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.
Thạc sĩ Nguyễn Ngọc Tuấn, Phó chủ tịch Hội Xuất nhập khẩu Đồng Nai, cho rằng hạ tầng giao thông chưa đồng bộ, các tuyến cửa ngõ ùn tắc khiến chi phí và thời gian vận chuyển hàng hóa tăng.
Phối cảnh hướng tuyến cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu. (Ảnh internet)
Tại Đồng Nai, việc vận chuyển hàng hóa từ các khu công nghiệp khu vực Long Thành, Nhơn Trạch đến cảng Cái Mép - Thị Vải (Bà Rịa - Vũng Tàu), cảng Gò Dầu (Đồng Nai) đều đi qua QL51.
“Cao tốc Bến Lức - Long Thành hoàn thành và thêm tuyến cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu sẽ tạo thành trục đường Đông - Tây. Khi đó sẽ cơ bản giải quyết bài toán giao thông liên vùng, tạo thuận lợi lưu thông hàng hóa xuất nhập khẩu, giảm chi phí cho doanh nghiệp”, ông Tuấn phân tích.
Trao đổi với PV Báo Giao thông, bà Nguyễn Thị Hoàng, Phó chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai, cho biết: "Nắm bắt thời cơ trong quá trình phối hợp lập dự án, tỉnh đã lập đề xuất các tuyến giao thông kết nối vào cao tốc đi qua các KCN đã nằm trong quy hoạch của tỉnh. Tuyến cao tốc này sẽ đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội trong khu vực, phát triển mạnh hoạt động logistics, vận chuyển hàng hóa liên vùng thuận lợi hơn".
QL51 nhiều năm đưa vào khai thác đã chật chội quá tải, xuống cấp. (Trong ảnh: Một đoạn QL51 qua thị xã Phú Mỹ nước đọng thành vũng nguy cơ tiềm ẩn TNGT)
Sau khi hoàn thành, cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu sẽ hình thành một hành lang logistics giữa cảng biển Cái Mép - Thị Vải, kết nối sân bay Long Thành. Có cao tốc giúp việc kết nối từ Bà Rịa - Vũng Tàu đến sân bay Long Thành rút ngắn xuống chỉ còn khoảng 40 phút.
Ông Nguyễn Công Danh, Phó giám đốc Ban QLDA giao thông khu vực cảng Cái Mép - Thị Vải (chủ đầu tư) cho biết, để chuẩn bị khởi công, tỉnh đã đẩy nhanh GPMB, chuẩn bị các mỏ vật liệu. Cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu và cầu Phước An sắp đi vào khai thác ngoài giảm tải QL51, còn giúp rút ngắn lộ trình từ TP.HCM đi Bà Rịa - Vũng Tàu, tiếp tục phát huy thế mạnh logistics, du lịch của các tỉnh trong vùng.
Dự án cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu giai đoạn 1 có 53,7km (qua địa bàn tỉnh Đồng Nai khoảng 34,2km, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu 19,5km). Sơ bộ tổng mức đầu tư hơn 17.800 tỷ đồng. Dự án được chia thành 3 dự án thành phần.
Dự án thành phần 1 (Km0 - Km16) do UBND tỉnh Đồng Nai là chủ đầu tư với chiều dài khoảng 16km.
Dự án thành phần 2 (Km16 - Km 34+200) do Bộ GTVT là cơ quan chủ quản (Ban QLDA 85 đại diện chủ đầu tư) với chiều dài khoảng 18,2km.
Dự án thành phần 3 (Km 34+200 - Km 53+700) do UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu làm chủ đầu tư với chiều dài khoảng 19,5km. Giai đoạn 1, dự án được đầu tư với quy mô 4 - 6 làn xe theo từng đoạn tuyến.
Giai đoạn hoàn thiện, tuyến cao tốc sẽ được mở rộng bảo đảm quy mô 6-8 làn xe. Theo kế hoạch, dự án cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu cơ bản hoàn thành năm 2025 và đưa vào khai thác đồng bộ năm 2026.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận