Ngày 5/5, ông Phạm Nam Huân, Trưởng Phòng Tài nguyên nước, khoáng sản, khí tượng thủy văn và BĐKH (Sở TN&MT TP Cần Thơ) cho biết, sau cuộc họp vào ngày 4/5 giữa Cần Thơ và Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận; các bên có liên quan đã bắt tay ngay vào việc tìm phương án hỗ trợ mỏ cát làm đường cao tốc Cần Thơ - Cà Mau.
Cơ quan chức năng kiểm tra hoạt động khai thác cát ở ĐBSCL.
Theo đó, trong ngày hôm qua, đơn vị tư vấn thiết kế xây dựng công trình thuộc Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận đã đến khảo sát thực tế 2 mỏ cát tại quận Bình Thủy và Ô Môn; lấy mẫu cát để phân tích chất lượng.
Sau khi có kết quả, cơ quan chức năng sẽ bàn bạc để có quyết định cụ thể về số lượng cát cần dùng cho dự án.
Trong 2 mỏ cát này, mỏ ở Bình Thủy có trữ lượng 673.342 m3; mỏ Ô Môn có trữ lượng 734.960 m3.
Trước đó, trong ngày 4/5, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Cần Thơ - Dương Tấn Hiển cùng lãnh đạo một số sở, ngành của TP làm việc với Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận trao đổi thông tin liên quan đến mỏ vật liệu xây dựng thông thường trên địa bàn TP, phục vụ dự án cao tốc Bắc - Nam phía Ðông giai đoạn 2021-2025 đoạn Cần Thơ - Cà Mau.
Theo Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận, dự án cao tốc Bắc - Nam phía Ðông giai đoạn 2021-2025 đoạn Cần Thơ - Cà Mau gồm các dự án thành phần: Cần Thơ - Hậu Giang (dài 37,65km, tổng mức đầu tư dự kiến 9.769 tỉ đồng) và Hậu Giang - Cà Mau (dài 73,63km, tổng mức đầu tư dự kiến 17.485 tỷ đồng).
Ðoạn Cần Thơ - Cà Mau dự kiến khởi công tháng 11/2022 và hoàn thành năm 2025, với chiều dài khoảng 110km, có nhu cầu sử dụng khoảng 17 triệu m3 vật liệu xây dựng, trong đó riêng cát đắp nền khoảng 13 triệu m3.
Do đó, Ban mong lãnh đạo TP Cần Thơ hỗ trợ về các mỏ vật liệu, khả năng cung cấp cát đắp nền cho dự án này; đồng thời quan tâm, hỗ trợ trong công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, nhằm đảm bảo tiến độ chung của dự án.
Theo thông tin từ Sở TN&MT TP Cần Thơ, hiện TP có 9 mỏ cát; trong đó, 3 mỏ cát đang hoạt động, với sản lượng khoảng 2 triệu m3.
“TP hiện còn 6 mỏ cát chưa khai thác với trữ lượng khoảng 5,2 triệu m3. Qua thống kê từ các địa phương, nhu cầu cát phục vụ xây dựng các công trình trên địa bàn TP giai đoạn 2022-2025 lên tới 34 triệu m3. Như vậy, trữ lượng không đáp ứng đủ nhu cầu.
Tuy nhiên, TP Cần Thơ sẽ chung tay, nỗ lực hết mình để hỗ trợ dự án; cân đối lượng cát khai thác với nhu cầu sử dụng cát trong dân, cho các dự án của TP và có sự ưu tiên cho dự án cao tốc Bắc - Nam phía Ðông giai đoạn 2021-2025 đoạn Cần Thơ - Cà Mau”, ông Huân nói.
Tính đến nay, về công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư cao tốc Cần Thơ - Cà Mau, trong tháng 3/2022 quận Cái Răng, TP Cần Thơ đã nhận bàn giao mốc 2,4km. Quận đã hoàn thành kiểm đếm với 132 hộ dân bị ảnh hưởng, diện tích khoảng 6,7ha; đang chuẩn bị thông qua tính pháp lý, tiến tới áp giá và tiến hành chi trả bồi thường cho các hộ dân.
Còn tại Hậu Giang, đoạn đi qua tỉnh này dài 63,6km, với 4 huyện Châu Thành, Vị Thủy, Phụng Hiệp và Long Mỹ với diện tích thu hồi đất khoảng 420ha và được chia thành 2 dự án thành phần là Cần Thơ - Hậu Giang và Hậu Giang - Cà Mau.
Đến nay, Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận đã bàn giao cọc giải phóng mặt bằng 2 đợt với chiều dài 47,8km; diện tích khoảng 205,69ha. Trung tâm Phát triển quỹ đất và các địa phương đã kiểm đếm xong đợt 1 với 407/411 hộ, diện tích khoảng 70ha.
Đồng thời kiểm đếm xong 162 mồ mả của thân nhân 61 hộ dân và 28 nhà mồ. Các hộ dân đã di dời 104 mồ mả và 20 nhà mồ trong dịp Thanh minh vừa qua…
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận