Sáng nay (4/6), tại phiên chất vấn, đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp) cho biết, vừa qua một số công trình đường cao tốc ở Đồng bằng sông Cửu Long được sử dụng thí điểm cát biển để san lấp.
"Tôi đồng tình với việc sử dụng cát biển để san lấp dự án đường cao tốc, tuy nhiên nếu cát biển chưa thử nghiệm, chưa qua xử lý sẽ dẫn đến nước biển từ cát thấm ra đồng ruộng, ảnh hưởng đến môi trường sinh thái", ông Hòa nói.
Cụ thể, ông Hòa cho biết, ở huyện Vị Thủy, tỉnh Hậu Giang, 9 gia đình kiến nghị về vấn đề sử dụng cát biển khiến nước biển chảy ra làm mất mùa đồng ruộng.
Liên quan đến nội dung này, Ban quản lý dự án Mỹ Thuận (Bộ Giao thông vận tải) cho biết, dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025, đoạn Cần Thơ - Cà Mau gồm 2 Dự án thành phần, đoạn Cần Thơ - Hậu Giang và đoạn Hậu Giang - Cà Mau, được khởi công từ ngày 1/1/2023 với tổng chiều dài tuyến cao tốc hơn 110km, qua 5 tỉnh, thành phố: Cần Thơ, Hậu Giang, Bạc Liêu, Kiên Giang, Cà Mau.
Đến nay, dự án đang sử dụng duy nhất nguồn vật liệu cát đắp từ các mỏ cát sông được UBND các tỉnh An Giang, Đồng Tháp, Vĩnh Long cấp cho Dự án theo cơ chế đặc thù. Nguồn vật liệu cát về đến công trình được Tư vấn giám sát kiểm soát chặt chẽ tại hiện trường, cùng với sự giám sát của các sở, ngành địa phương có mỏ vật liệu.
Theo kế hoạch, dự án sẽ sử dụng khoảng 6 triệu m3 cát biển. Hiện nay, Ban QLDA Mỹ Thuận, các nhà thầu đang phối hợp chặt chẽ với các cơ quan của UBND tỉnh Sóc Trăng, Bộ TN&MT để triển khai các thủ tục khai thác cát biển làm vật liệu san lấp cho dự án đường cao tốc đoạn Cần Thơ - Cà Mau và dự kiến trong tháng 6/2024 mới hoàn thành các thủ tục khai thác cát biển.
Việc sử dụng cát biển đến nay chỉ thực hiện thi công thí điểm (khoảng 300m) trên tuyến ĐT978 (thuộc Dự án thành phần đoạn Hậu Giang - Cà Mau), tại xã Vĩnh Lộc, huyện Hồng Dân, tỉnh Bạc Liêu và đã hoàn thành đưa vào sử dụng từ tháng 8/2023.
"Đến nay người dân tại khu vực này vẫn sản xuất, canh tác bình thường", Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận thông tin.
Ban quản lý dự án Mỹ Thuận cho biết, thời gian vừa qua, có một số hộ dân tại Ấp 9, xã Vị Thắng, huyện Vị Thủy, tỉnh Hậu Giang có ý kiến về diện tích lúa Đông Xuân bị ảnh hưởng do thi công Dự án làm giảm năng xuất lúa.
Ngay sau khi nhận được thông tin trên, chủ đầu tư, nhà thầu thi công đã phối hợp với các cấp chính quyền địa phương kiểm tra thực tế tại hiện trường.
"Cụ thể, theo kết quả kiểm tra ngày 17/5/2024, độ nhiễm mặn tại khu vực kiểm tra dao động từ 0,2-2,7%% (phần nghìn). Trong đó, tại các vị trí kênh mương, mép đường dân sinh... xung quanh khu vực có ảnh hưởng thì độ nhiễm mặn 0,8%; trong phạm vi nhà thầu bơm cát và cát trong nền đường đang thi công cao tốc có độ nhiễm mặn từ 0,3-0,4%; tại vị trí các ruộng lúa của các hộ dân có độ nhiễm mặn dao động từ 1,3-2,7%", Ban quản lý dự án Mỹ Thuận thông tin.
Ngoài ra, trong thời gian vừa qua, theo thông tin từ Văn phòng Ban chỉ huy phòng, chống thiên tai - tìm kiếm cứu nạn tỉnh Hậu Giang, nồng độ mặn xâm nhập từ triều biển Tây theo con nước sông Cái Lớn và kênh Chắc Bang vào các tuyến kênh chính ở thành phố Vị Thanh và huyện Long Mỹ đang tăng cao.
Trong khi đó, khu vực tỉnh Hậu Giang trước đây chưa bị nhiễm mặn. Vào thời điểm tháng 4/2024, kết quả khảo sát cho thấy một số khu vực có độ nhiễm mặn tăng cao do tình trạng khô hạn kéo dài và xâm nhập mặn, một số nơi đó được với độ nhiễm mặn từ 7 -13%.
"Để xác định chính xác nguyên nhân ảnh hưởng đến canh tác lúa của bà con, chủ đầu tư đang phối hợp với các sở ngành liên quan của địa phương (Sở Nông nghiệp, Tài nguyên và Môi trường...) tổ chức khảo sát, đánh giá cụ thể để kết luận nguyên nhân", Ban quản lý dự án Mỹ Thuận thông tin.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận