Cao tốc mở ra động lực phát triển ngành tôm
Chiều 18/5, UBND tỉnh Bạc Liêu tổ chức Hội nghị sơ kết 2 năm thực hiện đề án xây dựng Bạc Liêu trở thành trung tâm ngành công nghiệp tôm của cả nước.
Phát biểu tại hội nghị, ông Phạm Văn Thiều - Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu đề nghị phải cụ thể hóa các khu sản xuất công nghệ cao, khu sản xuất phụ trợ, hạ tầng thủy lợi, giao thông và khả năng cung cấp nguyên nhiên liệu, điện năng...
Từ đó, để các nhà đầu tư nắm rõ trước khi quyết định đầu tư.
Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu - ông Phạm Văn Thiều đề nghị phải cụ thể hóa hạ tầng thủy lợi, giao thông, khả năng cung cấp nguyên nhiên liệu,... để các nhà đầu tư nắm rõ trước khi quyết định đầu tư.
Đồng thời, tạo điều kiện thuận lợi và có cơ chế, chính sách phù hợp để các hộ dân nuôi tôm tiếp cận được nguồn vốn tín dụng đầu tư cho nông dân sản xuất, nhất là nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao, nhằm khuyến khích để lan tỏa mô hình nuôi này.
“Hiện nay, xu hướng của thị xã Giá Rai là chuyển các nhà máy chế biến thủy sản trong nội ô thị xã ra các khu, cụm công nghiệp.
Khi khu công nghiệp Láng Trâm được đầu tư xây dựng và sắp tới có tuyến cao tốc Cần Thơ - Cà Mau đi qua địa bàn huyện Hồng Dân (tỉnh Bạc Liêu), chúng ta có thể làm con đường đấu nối với tuyến cao tốc này. Hy vọng sẽ mở ra hướng phát triển mới cho ngành tôm của tỉnh”, ông Thiều thông tin.
Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu cho rằng, nếu xây dựng nhà máy ở chỗ nào thì tỉnh sẽ xem xét điều chỉnh quy hoạch để ưu tiên xây dựng nhà máy chế biến xuất khẩu tôm nguyên liệu để hỗ trợ các doanh nghiệp.
“Với tiềm năng, lợi thế sẵn có của tỉnh cộng với sự quan tâm hỗ trợ của Trung ương và sự chuẩn bị, tính toán của đề án, cũng như các ý kiến trao đổi, góp ý tại hội nghị hôm nay, sẽ sớm đưa Bạc Liêu thực sự trở thành trung tâm ngành công nghiệp tôm của Việt Nam”, ông Thiều nhấn mạnh.
Nuôi tôm siêu thâm canh ứng dụng công nghệ cao giúp tăng năng suất và chất lượng tôm.
Nuôi tôm siêu thâm canh ứng dụng công nghệ cao phát triển mạnh
Báo cáo sơ kết qua 2 năm thực hiện đề án, ông Lưu Hoàng Ly - Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Bạc Liêu trình bày, năm 2021, sản lượng nuôi trồng thủy sản của tỉnh đạt gần 300.000 tấn, tăng 11,58 % so với năm 2019.
Bạc Liêu đang đẩy mạnh phát triển nuôi tôm với nhiều mô hình sản xuất hiệu quả, bền vững như: nuôi tôm thâm canh, bán thâm canh; tôm - rừng, tôm - lúa.
Tại hội nghị, các công ty nuôi trồng thủy sản, xuất khẩu thủy sản và hộ dân nuôi tôm đã phát biểu đóng góp nhiều ý kiến để ngành tôm Bạc Liêu phát triển bền vững hơn, như: thực hiện chuỗi giá trị ngành tôm, vấn đề bảo vệ môi trường, sản xuất tôm sạch, truy xuất nguồn gốc; vấn đề phát triển hệ thống nhà máy chế biến thủy sản chất lượng cao...
Quang cảnh hội nghị.
Riêng mô hình nuôi tôm siêu thâm canh ứng dụng công nghệ cao đã có sự phát triển nhanh so với năm 2019, với tổng số 25 Công ty, đơn vị và 657 hộ dân đang đầu tư nuôi tôm siêu thâm canh (tăng thêm 10 công ty, 336 hộ so với năm 2019) với diện tích gần 4.000ha, tăng 290% so với năm 2019.
Điểm nổi bật của mô hình là tính hiệu quả về năng suất và chất lượng tôm, với năng suất tăng từ 10 - 15 lần so với nuôi tôm thông thường. Toàn tỉnh hiện cũng có 349 cơ sở sản xuất, kinh doanh tôm giống, tăng 24 cơ sở so với năm 2019 (công suất từ 32 - 35 tỷ tôm post/năm).
Tuy nhiên, quá trình thực hiện đề án cũng còn những khó khăn, hạn chế như: tiến độ đầu tư hạ tầng Khu Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao còn chậm; chính sách đầu tư tín dụng để phát triển mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao còn khó khăn; nguy cơ ô nhiễm môi trường vùng nuôi trồng thủy sản là rất cao...
Bạc Liêu hiện là 1 trong 6 tỉnh trọng điểm tôm của cả nước và được đánh giá có vai trò quan trọng trong nhiều khâu của "chuỗi cung ứng tôm” của Đồng bằng sông Cửu Long cũng như của cả nước.
Đồng thời, cũng là tỉnh đứng thứ 2 cả nước về diện tích và sản lượng, với nhiều mô hình nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao hàng đầu Quốc gia.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận