Cát đã về công trường
Những ngày đầu tháng 11/2023, ghi nhận của PV Báo Giao thông trên công trường cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2021-2025 đoạn Cần Thơ - Cà Mau, nhà thầu huy động thiết bị, nhân lực tập trung thi công, bù đắp tiến độ.
Tại gói thầu Cần Thơ - Hậu Giang, trên tuyến chính, ở những đoạn được đào bóc hữu cơ, hàng chục công nhân đang trầm mình dưới nước, khẩn trương dọn cỏ, rong rêu, chuẩn bị cho việc trải vải địa, đắp cát gia tải.
Cách đó không xa, một nhóm công nhân khác tập trung thi công đóng cọc, đổ bê tông mố, trụ cầu…
"Đường đã được đào hữu cơ xong từ ba tháng trước, nhưng do không có cát nên cỏ mọc đầy. Hiện giờ, cát đang được đưa về công trình nên nhà thầu cho công nhân dọn vệ sinh, cỏ trên tuyến chính, trước khi trải vải địa, đắp cát. Việc này là để đảm bảo chất lượng dự án", một cán bộ kỹ thuật chia sẻ.
Ông Lê Tuấn Anh, Chỉ huy trưởng thuộc Tổng công ty Xây dựng số 1 (CC1) cho biết, nhu cầu vật liệu cát cho các gói thầu đơn vị phụ trách khoảng 1,6 triệu m3.
"CC1 nhận mỏ cát từ tỉnh Đồng Tháp với trữ lượng khoảng 545.000m3 cát, đã khai thác 60.000m3 cát và phân bổ cho hai gói thầu Cần Thơ - Hậu Giang và XL03. Lượng cát đưa về công trường đã được chúng tôi sử dụng để đắp cho tuyến chính và đường công vụ. Hiện nay, đường công vụ thuộc gói thầu của nhà thầu đã cơ bản hoàn thành được khoảng 70%.
Sắp tới, tỉnh này sẽ bàn giao thêm một mỏ nữa với trữ lượng khoảng 1 triệu m3. CC1 đang làm thủ tục để tiếp nhận mỏ cát này", ông Tuấn Anh cho hay.
Theo ông Tuấn Anh, một trong những vấn đề nhà thầu gặp khó hiện nay đó là công suất khai thác tại mỏ được bàn giao và xác định giá vật liệu.
"Để đảm bảo tiến độ, công suất khai thác mỏ từ 3.000 - 4.000m3/ngày mới có thể đáp ứng. Tuy nhiên, theo ĐTM (đánh giá tác động môi trường -PV), hiện nay công suất khai thác tại mỏ cát tối đa chỉ 40.000m3/tháng.
Cùng đó, chúng tôi cùng đang gặp khó trong việc xác định giá theo cơ chế đặc thù. Chúng tôi cũng mong các địa phương, quan tâm hỗ trợ những vấn đề này cũng như là đẩy nhanh các thủ tục cấp mỏ mới", ông Tuấn Anh chia sẻ.
Nguồn cung dồi dào, nhưng vẫn chờ thủ tục
Dự án cao tốc Bắc - Nam phía đông đoạn Cần Thơ - Cà Mau được phân thành hai dự án thành phần gồm dự án thành phần Cần Thơ - Hậu Giang và Hậu Giang - Cà Mau. Theo tính toán nhu cầu vật liệu cát đắp nền đường của tuyến cao tốc này khoảng 18,46 triệu m3.
Trao đổi với PV Báo Giao thông, ông Lê Đức Tuân, Phó giám đốc Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận (chủ đầu tư) cho biết, từ ngày 10-12/10 vừa qua, Bộ trưởng Bộ TN&MT, Thứ trưởng Bộ GTVT đã có chuyến công tác tại địa phương về quy hoạch, cấp phép, khai thác các mỏ cát và phương án điều phối nguồn vật liệu san lấp phục vụ thi công cho các dự án giao thông trọng điểm của tỉnh và khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.
Sau chuyến làm việc, tình hình cung cấp vật liệu cho dự án đường cao tốc đã có những chuyển biến rõ nét và bước đầu đã có những kết quả tích cực.
Cụ thể, UBND tỉnh An Giang đã chấp thuận bố trí cho dự án 1,5 triệu m3 từ dự án nạo vét chỉnh trị dòng chảy sông Vàm Nao. Các nhà thầu đã tiếp nhận về công trường được khoảng 45.000m3 cát.
Đồng thời, tỉnh cũng giới thiệu cho nhà thầu ba mỏ cát mới với trữ lượng khoảng 3,9 triệu m3. Các nhà thầu đã khảo sát sơ bộ và trình đề cương khảo sát trữ lượng. Hiện chủ đầu tư và nhà thầu đang tích cực phối hợp với địa phương để thực hiện đảm bảo hoàn thiện thủ tục khai thác trong năm 2023.
Tại Đồng Tháp, tỉnh đã cấp và dự án tiếp nhận 0,37 triệu m3 từ nguồn tăng công suất các mỏ đang khai thác.
Cùng đó, địa phương bàn giao 5 mỏ mới cho nhà thầu. Trong đó, một mỏ có trữ lượng 0,55 triệu m3 đã hoàn tất các thủ tục và bắt đầu khai thác từ ngày 13/10. Đến nay đã khai thác được khoảng 60.000m3. Bốn mỏ còn lại dự kiến tháng 11/2023 hoàn thiện các thủ tục, đưa vào khai thác.
Vừa qua, Đồng Tháp tiếp tục giới thiệu thêm hai mỏ để nhà thầu thực hiện các thủ tục thăm dò, đánh giá trữ lượng, chất lượng và khai thác, hiện nay các mỏ này đã khảo sát sơ bộ, dự kiến hoàn thành thủ tục để khai thác trong tháng 12/2023.
Còn tại Vĩnh Long, nhà thầu đang chờ sự chấp thuận từ UBND tỉnh về việc bố trí cho dự án khoảng 0,5 triệu m3 từ mỏ vàm Vũng Liêm 2 (mỏ đang khai thác). Ngoài ra, địa phương cũng đã giới thiệu cho nhà thầu thực hiện thủ tục bốn mỏ mới với trữ lượng khoảng 3,3 triệu m3.
Trong đó, một mỏ đã hoàn thiện thủ tục và trình phê duyệt với trữ lượng khoảng 0,75 triệu m3. Hiện, UBND tỉnh đang xem xét để phê duyệt. Ba mỏ còn lại đã khảo sát sơ bộ và triển khai các thủ tục tiếp theo.
"Đối với các mỏ đang khai thác tăng công suất 50% khai thác dành cho dự án, hiện nay chỉ mới có tỉnh An Giang đang cấp tại mỏ sông Vàm Nao 1,5 triệu m3. Tuy nhiên công suất khai thác không đáp ứng kịp nhu cầu dự án nên lượng cát tiếp nhận về dự án không được nhiều.
Đối với các mỏ giao cho nhà thầu mở mới, theo Nghị quyết số 43 của Quốc hội, dự án chỉ được phép áp dụng cơ chế đặc thù trong hai năm là 2022 và 2023. Như vậy, thời gian thực hiện các thủ tục để khai thác mỏ vật liệu cho nhà thầu không còn nhiều - còn khoảng hai tháng.
Do vậy, Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận cũng kiến nghị các địa phương hỗ trợ, rút ngắn thời gian xử lý các thủ tục mới có thể hoàn thành được trong năm 2023", ông Tuân nói.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận