Ầm vang tiếng máy
Dự án thành phần 2 cao tốc Cao Lãnh - An Hữu có tổng chiều dài khoảng 11,43km. Trong đó, khoảng 3,8km đi qua địa phận tỉnh Đồng Tháp và hơn 7,62km thuộc tỉnh Tiền Giang.
Ông Vũ Đình Tuấn, Giám đốc Ban điều hành cao tốc Cao Lãnh - An Hữu, dự án thành phần 2, Tổng công ty Xây dựng Trường Sơn (nhà thầu thi công) cho biết, công ty phụ trách thi công cao tốc Cao Lãnh - An Hữu, dự án thành phần 2 dài 7,1km.
Riêng đoạn qua tỉnh Đồng Tháp, nhà thầu được giao thực hiện đoạn dài 3,8km, với hai cầu là cầu kênh 307 và Cái Lân.
Nhà thầu đang tổ chức cho công nhân làm các phần việc liên quan đến phát quang, đào đất không tích hợp, làm đường công vụ và mặt bằng để thi công cầu...
Sau lễ khởi công, nhà thầu đã rất tích cực trong việc tập kết máy móc, thiết bị về công trường để tổ chức thi công nhằm đáp ứng tiến độ thực hiện dự án theo quy định.
Với phần việc hiện tại, nhà thầu đang bố trí 45 công nhân cùng 17 máy móc, thiết bị và một trạm trộn bê tông tại công trường.
"Công ty đang tổ chức cho công nhân làm việc hai ca. Thời gian bắt đầu công việc lúc 7h - 21h hằng ngày. Công nhân đang rất tất bật làm việc trên công trường", ông Tuấn thông tin.
Chờ cát để tăng tốc
Cũng theo ông Tuấn, để làm được các phần việc như hiện tại, nhà thầu đã phải mua 6.000m3 cát từ Campuchia làm đường công vụ và mặt bằng nhằm tổ chức thi công các cây cầu có trong gói thầu.
"Do tính chất gấp rút của dự án và để đạt tiến độ thi công theo kế hoạch đã được đề ra, nhà thầu đã phải mua cát từ Campuchia với giá 295.000 đồng/m3 cát", ông Tuấn cho hay.
Dự án thành phần 2, cao tốc Cao Lãnh - An Hữu, đoạn qua tỉnh Đồng Tháp cần 370.000m3 cát đắp nền. Hiện tại, nhà thầu cũng đã được tỉnh giao mỏ cát theo cơ chế đặc thù với số lượng được phép khai thác là 300.000m3 cát.
"Dự kiến giữa tháng 11 tới, nhà thầu bắt đầu khai thác mỏ cát ở tỉnh Đồng Tháp. Khi có cát về công trường, nhà thầu sẽ ngưng mua cát từ Campuchia và sẽ tăng tốc thi công", ông Tuấn chia sẻ.
Ông Nguyễn Đình Chương, cán bộ đơn vị tư vấn, giám sát cho biết, dự án thành phần 2, cao tốc Cao Lãnh - An Hữu qua tỉnh Đồng Tháp thuộc hai huyện là Tháp Mười và Cao Lãnh, với 203 hộ dân bị ảnh hưởng.
Đến nay, mặt bằng thi công dự án cơ bản sạch và chỉ còn vướng một số hạ tầng, kỹ thuật của các đơn vị có liên quan. Dự án được khởi công ngày 27/8/2024 và dự kiến hoàn thành, đưa vào sử dụng ngày 5/7/2026.
Dự án có nhiều đoạn mất thời gian gia tải khoảng 16 tháng mới đáp ứng yêu cầu về mặt kỹ thuật. Do vậy, trên công trường, nhà thầu đang rất khẩn trương thi công nhằm đáp ứng tiến độ thi công.
"Nhà thầu chỉ có 23 tháng để hoàn thành dự án. Đơn vị tư vấn, giám sát cũng đã rất tích cực phối hợp các đơn vị liên quan nhằm tháo gỡ khó khăn về hạ tầng kỹ thuật, đặc biệt là nguồn cát đắp nền", ông Chương nói.
Dự án do UBND tỉnh Tiền Giang là cơ quan nhà nước chịu trách nhiệm đầu tư. Dự án có điểm đầu giao với dự án thành phần 1, cao tốc Cao Lãnh - An Hữu tại Km16 thuộc xã Mỹ Hiệp, huyện Cao Lãnh (Đồng Tháp).
Điểm cuối của dự án giao với dự án cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận tại lý trình Km 98+950 cách nút giao An Thái Trung khoảng 1,8km thuộc xã An Thái Trung, huyện Cái Bè (Tiền Giang).
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận