36 trường hợp điều chỉnh giá bồi thường
Ngày 29/11, trao đổi với PV Báo Giao thông, ông Nguyễn Chí Kiên, Phó giám đốc Sở TN&MT Cần Thơ cho biết, Sở đang cho đơn vị tư vấn rà soát lại các trường hợp bị bị ảnh hưởng bởi dự án thành phần 2 cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng, đoạn mặt tiền quốc lộ 80 ở huyện Vĩnh Thạnh.
Theo ông Kiên, khi đã phê duyệt giá đất bồi thường cho những trường hợp bị ảnh hưởng bởi dự án nhưng người dân không đồng thuận và có ý kiến nên rà soát lại.
"Sau khi có kết quả rà soát, Sở sẽ đề xuất điều chỉnh. Sở sẽ triển khai nhanh chóng việc này để kịp tiến độ dự án", ông Kiên cho hay.
Theo tìm hiểu của PV, có 36 trường hợp mặt tiền quốc lộ 80 được rà soát theo đề nghị của UBND huyện Vĩnh Thạnh.
Ông Trần Xuân Phương, Phó chủ tịch UBND huyện Vĩnh Thạnh xác nhận thông tin trên và cho biết, trong số này có nhiều hộ đã nhận tiền bồi thường nhưng khi tính toán lại thấp hơn giá thị trường nên có ý kiến với huyện.
Ông Phương cũng cho biết thêm, tiến độ giải phóng mặt bằng của huyện cho dự án hiện đạt trên 93%.
Dự án thành phần 2 cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng, đoạn qua địa bàn huyện Vĩnh Thạnh dài 9,2km, có 266 hộ dân bị ảnh hưởng.
Đoạn qua huyện Cờ Đỏ dài 14km, 384 hộ dân bị ảnh hưởng và đoạn còn lại qua huyện Thới Lai có 361 trường hợp bị ảnh hưởng.
Ông Lê Minh Cường, Giám đốc Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng thành phố Cần Thơ - chủ đầu tư dự án cho biết, tiến độ giải phóng mặt bằng cho toàn dự án đạt trên 95%.
Trong đó, huyện Cờ Đỏ cơ bản đã hoàn thành, huyện Thới Lai còn một số trường hợp khiếu nại và 36 trường hợp ở huyện Vĩnh Thạnh.
"36 trường hợp ở huyện Vĩnh Thạnh tuy diện tích đất không lớn nhưng lại ảnh hưởng lớn đến tiến độ do khu vực này là cửa ngõ để nhà thầu vận chuyển thiết bị, vật tư để thi công", ông Cường cho biết thêm.
Giá bồi thường cao nhất 4,5 triệu đồng/m2
Hồi tháng 5/2023, Cần Thơ ban hành quyết định phê duyệt giá đất cụ thể để tính bồi thường khi thực hiện dự án thành phần 2 cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng, giai đoạn 1 trên địa bàn hai huyện Thới Lai và Cờ Đỏ.
Theo đó, tuy cùng loại đất nhưng ở vị trí khác nhau sẽ có giá bồi thường khác nhau. Giá đất này được tính theo Quyết định 19/2019 và Quyết định 15/2021 của UBND thành phố Cần Thơ sau khi đã nhân với hệ số điều chỉnh, gọi là giá đất cụ thể.
Cụ thể ở huyện Thới Lai, đất ở nông thôn có giá bồi thường mỗi m2 thấp nhất là 570.000 đồng, cao nhất 3,5 triệu đồng.
Đất trồng cây lâu năm có giá thấp nhất là 164.000 đồng, cao nhất là 1,95 triệu đồng/m2. Đất trồng cây hàng năm có giá thấp nhất 140.000 đồng, cao nhất 1,91 triệu đồng/m2.
Ở huyện Cờ Đỏ, giá bồi thường đất ở mỗi m2 thấp nhất 700.000 đồng, cao nhất 4,5 triệu đồng. Đất trồng cây hàng năm thấp nhất 170.000 đồng, cao nhất là 2,674 triệu đồng/m2.
Đối với đất thương mại dịch vụ được tính theo tỷ lệ bằng 80% giá đất cụ thể khi có cùng khu vực, vị trí, tuyến đường.
Đối với đất phi nông nghiệp do cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng sử dụng, đất làm nghĩa trang, nghĩa địa, đất sử dụng vào mục đích công cộng để kinh doanh, đất xây dựng trụ sở cơ quan, đất xây công trình sự nghiệp sử dụng có thời hạn cũng tính theo tỷ lệ 70% giá đất ở - khi cùng vị trí, khu vực, tuyến đường.
Trường hợp đất sử dụng không thời hạn thì áp dụng giá đất cùng vị trí với nguyên tắc xác định như nhóm đất phi nông nghiệp.
Dự án cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng giai đoạn 1 dài trên 188km, đi qua địa bàn bốn tỉnh, thành: An Giang, Cần Thơ, Hậu Giang và Sóc Trăng. Quy mô giai đoạn 1 gồm bốn làn xe, vận tốc thiết kế 100km/h. Tổng mức đầu tư của dự án khoảng 44.700 tỷ đồng.
Dự kiến, dự án hoàn thành cơ bản toàn tuyến năm 2026 và đưa vào khai thác năm 2027. Giai đoạn hoàn chỉnh, dự án được đầu tư với quy mô 6 làn xe cao tốc, mặt cắt ngang 32,25m.
Dự án gồm bốn dự án thành phần, đồng loạt khởi công hồi 17/6/2023. Trong đó, dự án thành phần 2 qua địa bàn ba huyện Vĩnh Thạnh, Cờ Đỏ, Thới Lai của Cần Thơ, chiều dài hơn 37km, tổng mức đầu tư hơn 9.800 tỷ đồng.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận