Ông Huỳnh Khánh Toàn (đứng) chỉ đạo đến 15/6 phải tháo gỡ cơ bản 24 điểm vướng mắc GPMB tồn đọng. |
Theo ông Hoàng Việt Hưng, Giám đốc Ban QLDA cao tốc Đà Nẵng-Quảng Ngãi, thời gian qua, địa phương nỗ lực đẩy nhanh tiến độ GPMB, bàn giao công địa cho dự án. Tuy nhiên, với đặc thù dự án qua Quảng Nam có đến 93km, nên vẫn còn 24 vị trí vướng mắc tồn đọng.
Trong đó, có 10 điểm vướng mặt bằng thuộc đường ngang, đường gom và đường nối vào ra nút giao thuộc phạm vi các gói thầu số 4, số 5, số 7 thuộc đoạn tuyến sử dụng nguồn vốn JICA (Nhật Bản); 14 điểm vướng mắc mặt bằng trên tuyến chính, đường ngang, đường gom, trạm dịch vụ thuộc phạm vi các gói thầu A1, A2 sử dụng nguồn vốn Ngân hàng Thế giới (WB)...
Đáng lo ngại, dự án đặt mục tiêu cuối tháng 6/2017 sẽ thông xe đoạn tuyến JICA (từ Đà Nẵng-Tam Kỳ) nên áp lực mặt bằng ảnh hưởng lớn đến tiến độ triển khai, hoàn thiện. Theo ông Hưng, hiện dự án đã bổ sung thêm 4 hầm chui dân sinh nhưng khu vực xây dựng 4 hầm chui này chưa được giải phóng mặt bằng, nếu hầm chui dân sinh không thi công được thì không thể vận hành đồng bộ đường cao tốc...
Theo ông Huỳnh Khánh Toàn – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, thời gian qua các cấp ngành, địa phương vào cuộc quyết liệt nhưng các vướng mắc còn lại do cả nguyên nhân khách quan và chủ quan, chủ yếu là những khu vực hầm chui dân sinh, hộ dân lu rung nứt nhà...
Đoạn tuyến JICA cơ bản hoàn thiện hạng mục chính nền mặt đường nhưng vướng ở nhiều vị trí đường gom dân sinh, cống chui... |
Thông kê tại các huyện Thăng Bình, Phú Ninh và TP. Tam Kỳ nhiều trường hợp chưa nhận tiền đền bù, hỗ trợ do chưa thống nhất phương án GPMB. Điển hình tại huyện Phú Ninh có 203 hộ có nhà bị rung nứt nhưng chỉ có 28 hộ đồng ý nhận tiền hỗ trợ, còn lại vẫn cản trở thi công...
Ông Trần Đình Tùng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cho rằng: Chủ đầu tư tiếp tục phối hợp với địa phương ngành chức năng để giải quyết rốt ráo các vướng mắc GPMB tồn đọng. Nên ưu tiên triển khai theo kiểu cuốn chiếu, điểm nào nóng thì ưu tiên làm trước, tháo gỡ từ cơ chế chính sách đến biện pháp triển khai. "Việc gì cần sự giải quyết của tỉnh, tỉnh sẽ giải quyết từng trường hợp triệt để", ông Tùng nói.
Ông Nguyễn Thái Sơn, Giám đốc Trung tâm khai thác quỹ đất huyện Duy Xuyên cho biết: Từ nay đến ngày 15/6 tới, huyện sẽ tập trung GPMB 2 tuyến đường ngang dân sinh mới phát sinh. Huyện xin cơ chế áp giá đền bù GPMB (tạm tính) để chi trả trước 70% tiền bồi thường cho dân 2 bên tuyến đường; công bố kết quả xét bố trí TĐC đối với các hộ ảnh hưởng...
Điểm nóng vướng mắc GPMB đường gom dân sinh dẫn hệ thống cống chui qua cao tốc trên địa bàn xã Duy Trung, huyện Duy Xuyên. |
Kết luận cuộc họp, ông Huỳnh Khánh Toàn nhấn mạnh: Đến 15/6 ngành chức năng, các địa phương phải tháo gỡ cơ bản 24 điểm vướng mắc trong giải phóng mặt bằng, bàn giao công địa cho dự án cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi.
Trong đó, tỉnh sẽ ưu tiên rà soát hết các hộ dân chưa chịu nhận đền bù giải tỏa, chưa chịu chấp nhận di dời GPMB, nhất là tại các tuyến đường gom và các điểm giao thoa với đường cao tốc. Những điểm còn chậm thu hồi đất, cần làm rõ nguyên nhân nằm ở đâu để lập tức tháo gỡ.
Tại các vị trí đất thi công tuyến đường cao tốc gây sạt lở trong mưa lũ, xói lở hư hỏng kè cống, nhà thầu thi công cần phối hợp, kiểm tra giám định và tiến hành đền bù, ông Toàn nói thêm.
Dự án đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi do Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) làm chủ đầu tư, tổng chiều dài toàn tuyến gần 140 km. Toàn tuyến hiện còn 28 điểm vướng mắc GPMB, trong đó Quảng Nam còn nhiều nhất. |
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận