Tuyến cao tốc Hà Giang - Yên Bái giúp thay đổi bộ mặt kinh tế Tây Bắc, đặc biệt là các huyện có tuyến cao tốc đi qua như Bắc Quang (Hà Giang); Lục Yên (Yên Bái)…
Tập trung phát triển kinh tế, du lịch kết hợp đầu tư hạ tầng giao thông
Tập trung phát triển kinh tế, du lịch kết hợp với đầu tư hạ tầng giao thông, đặc biệt phát triển sân bay, đường cao tốc kết nối liên tuyến với các địa phương trong trục kinh tế Tây Bắc - Đông Bắc, kết nối giao thương với các tuyến cửa khẩu quốc tế là định hướng mũi nhọn phát triển kinh tế trong giai đoạn 2021-2026 của hai tỉnh Hà Giang, Yên Bái.
Là một dự án trọng điểm tập trung cho hai tỉnh Hà Giang và Yên Bái, Ban Quản lý dự án khu vực 2 cùng Bộ GTVT đã xây dựng kế hoạch ngân sách trị giá 7.702 tỷ đồng dựa vào nguồn vốn ODA Hàn Quốc để hoàn thiện tuyến cao tốc Hà Giang - Yên Bái kết nối trực tiếp với tuyến cao tốc Hà Nội - Lào Cai (có điểm đầu tại nút giao IC14_Km149+705 cao tốc Hà Nội - Lào Cai; điểm cuối tại thị trấn Việt Quang, huyện Bắc Quang khoảng Km235+700 - QL2).
Việc kết nối liên tuyến sẽ thúc đẩy du lịch và kinh tế tại những địa phương có cao tốc này đi qua như: huyện Lục Yên ( Yên Bái); huyện Bắc Quang (Hà Giang); huyện Yên Bình (Yên Bái)…
Tổng chiều dài tuyến thuộc Dự án gần 83km, trong đó xây dựng mới 16 cầu với tổng chiều dài 2,24km, gồm 2 cầu lớn kết cấu dầm liên tục vượt sông Hồng, sông Chảy; 2 hầm đường bộ có chiều dài 1,12km.
Giai đoạn hoàn thiện, dự án cao tốc Hà Giang - Yên Bái sẽ quy mô với 4 làn xe, tốc độ thiết kế 80 - 100km/h, chiều rộng nền đường từ 22 m - 24,75m, được đánh giá là một trong những tuyến cao tốc hiện đại nhất khu vực Tây Bắc và Đông Bắc Bộ.
Đề xuất phát triển cảng hàng không
Thảo nguyên Yên Trung - Lục Yên - Yên Bái được ví như Đà Lạt thứ hai của vùng Tây Bắc
Với định hướng phát triển đồng bộ cơ sở hạ tầng giao thông của địa phương (đường sắt, đường bộ, đường thủy và đường hàng không) nhằm thúc đẩy kinh tế toàn vùng, đặc biệt tập trung vào 2 huyện trọng điểm Bắc Quang (Hà Giang) và Lục Yên (Yên Bái), UBND tỉnh Hà Giang đã có công văn dự thảo về quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Theo đó, vị trí quy hoạch sân bay do lãnh đạo tỉnh Hà Giang đề xuất tọa lạc tại xã Tân Quang, huyện Bắc Quang với diện tích khoảng 388ha, theo Tiêu chuẩn Cảng hàng không quân sự cấp II và cấp 4C theo Tiêu chuẩn Hàng không dân dụng; trong đó, diện tích dùng cho mục đích quân sự là 70ha.
Hòa trong mạng lưới sân bay trên toàn quốc, đây sẽ là sân bay thúc đẩy kinh tế toàn vùng, kết nối với hệ thống sân bay Nà Sản, Sơn La để phục vụ phát triển kinh tế vùng biên với các tuyến Lào Cai, Yên Bái; đặc biệt là kết nối giao thương với các huyện có nền kinh tế trọng điểm như huyện Lục Yên (Yên Bái); huyện Mai Sơn (Sơn La); huyện Bắc Quang (Hà Giang).
Với mũi nhọn phát triển kinh tế trọng điểm giai đoạn 2021 - 2030, Bắc Quang (Hà Giang) và Lục Yên (Yên Bái) sẽ là những địa phương được chú trọng phát triển kinh tế không chỉ về thương mại, nông nghiệp, khai khoáng mà còn là dịch vụ du lịch đặc biệt của vùng Tây Bắc.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận