Vận tải

Cao tốc Hà Nội-Hải Phòng: Muốn giảm phí xe container, phải tăng phí xe con?

26/09/2019, 18:36

Lãnh đạo Hải Phòng và Bộ GTVT đều cho rằng cần giảm phí để khuyến khích xe container đi cao tốc Hà Nội - Hải Phòng thay vì đi QL5 đang quá tải.

img
Hiện lượng xe container lên cao tốc Hà Nội - Hải Phòng rất ít trong khi đó quốc lộ 5 lại quá tải

Tại cuộc làm việc giữa đoàn công tác Bộ GTVT với lãnh đạo thành phố Hải Phòng ngày 25/9, ông Nguyễn Văn Tùng - Chủ tịch UBND TP đã nêu thực trạng quốc lộ 5 đang quá tải vì lượng xe tải, xe container đi trên đường này quá nhiều. Trong khi đó, trên cao tốc Hà Nội - Hải Phòng lại chủ yếu là xe nhỏ.

Nguyên nhân được lãnh đạo UBND TP Hải Phòng cho là do mức phí hiện nay đối với dòng xe tải, xe container vẫn còn quá cao. Vì vậy, địa phương này đề xuất Bộ GTVT phối hợp với các Bộ, ngành đề xuất xem xét giảm phí trên tuyến cao tốc Hà Nội - Hải Phòng để thu hút các xe container xe tải lưu thông trên tuyến cao tốc, giảm tải cho QL5.

Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thể đồng tình với đề nghị này và giao Tổng cục Đường bộ VN làm việc với Vidifi (chủ đầu tư dự án) để đề xuất những phương án cụ thể. Bộ trưởng Thể cho rằng việc thu hút xe container, xe tải đi cao tốc sẽ giảm áp lực cho QL5 đang quá tải và xuống cấp, nhiều nguy cơ mất ATGT.

Trước ý kiến này, phía Tổng công ty phát triển hạ tầng và đầu tư tài chính VN (Vidifi) cho rằng theo phương án tài chính của dự án, hiện nay đã tới thời điểm tăng phí cao tốc. Tuy nhiên, suốt 2 năm qua, nhà đầu tư cao tốc Hà Nội - Hải Phòng không tăng phí, nay lại giảm phí cho phương tiện xe tải, xe container sẽ ảnh hưởng rất lớn tới phương án tài chính và khả năng hoàn vốn dự án.

Trao đổi với PV Báo Giao thông về cách nào để hiện thực hóa mong muốn trên, ông Trần Anh Tú - Tổng giám đốc Vidifi cho biết đang tập trung cung cấp các báo cáo liên quan để cơ quan quản lý Nhà nước xây dựng phương án giảm phí phù hợp. Muốn giảm phí cho xe container cần đồng thời tăng phí đối với xe ôtô cá nhân. Việc tăng phí đối với xe ô tô cá nhân cũng nằm trong lộ trình và sẽ góp phần giải bài toán phương án tài chính vốn đang rất khó khăn của đơn vị.

"Chúng tôi cũng kiến nghị khi xây dựng phương án nên tiến hành theo lộ trình thí điểm. Kết thúc đợt thí điểm sẽ có nghiên cứu tổng kết, đánh giá trước khi chính thức triển khai sẽ hiệu quả hơn" - ông Tú nêu quan điểm.

Năm 2007, dự án quốc lộ 5 mãn tải, Chính phủ quyết định đầu tư xây dựng tuyến đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, giao Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB) chủ trì huy động vốn và thành lập VIDIFI để thực hiện đầu tư hợp đồng BOT theo cơ chế thí điểm. Trong đó, phần vốn Nhà nước tham gia vào dự án được trả dần bằng ngân sách và bằng tiền sử dụng đất, tiền thuê đất ở các khu đô thị được hình thành sau khi xây dựng tuyến đường. VIDIFI được giao thu phí tại hai trạm thu phí quốc lộ 5 để tạo nguồn thu hồi vốn đầu tư đường cao tốc (thực chất đây là hình thức hỗ trợ, tham gia của Nhà nước vào Dự án bằng nguồn vốn ngân sách từ thu phí).

Cụ thể, đối với phần tham gia trực tiếp của Nhà nước, chi phí bồi thường giải phóng mặt bằng 4.069 tỷ đồng, VIDIFI vay VDB để chuyển toàn bộ cho các địa phương thực hiện giải phóng mặt bằng từ năm 2008-2010. Do không thể bố trí vốn ngay, Nhà nước sẽ bố trí hoàn trả dần khoản tiền bồi thường giải phóng mặt bằng, trả trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020.

Tính từ thời điểm dự án đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng bắt đầu triển khai đến nay đã hơn 10 năm, từ thời điểm khai thác toàn bộ đến nay hơn 4 năm nhưng các khoản Nhà nước cam kết trả cho VIDIFI theo cơ chế thí điểm của Thủ tướng (Quyết định 746/2015/QĐ-TTg) chưa được thực hiện.

Hiện tại, VIDIFI vẫn đang phải tiếp tục vay VDB các khoản tham gia hỗ trợ của Nhà nước theo cam kết với lãi suất bình quân 10%. Tính đến cuối 2018, chi phí lãi vay phát sinh thêm do các khoản hỗ trợ của Nhà nước theo Quyết định 746 chưa được thực hiện ước tính khoảng 800 tỷ đồng.

“Nếu các khoản hỗ trợ của Nhà nước không nhanh chóng được cấp, sẽ dẫn đến hệ lụy phá vỡ phương án tài chính của dự án, doanh nghiệp dự án phá sản,” đại diện lãnh đạo VIDIFI bày tỏ sự lo lắng.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.