Chiều 22/5, Đoàn công tác của Bộ GTVT do Thứ trưởng Nguyễn Nhật dẫn đầu đã có buổi làm việc với lãnh đạo hai địa phương Vĩnh Long và Đồng Tháp nhằm kiểm điểm tình hình thực hiện và xử lý các vướng mắc của các dự án: xây dựng cầu Mỹ Thuận 2, cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ và nâng cấp quốc lộ 30 đoạn Cao Lãnh - Hồng Ngự.
Phát biểu tại buổi làm việc, Thứ trưởng Nguyễn Nhật cho rằng hai dự án cầu Mỹ Thuận 2 và cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ là hai dự án trọng điểm quốc gia nên cần phải được triển khai quyết liệt, mạnh mẽ hơn những dự án khác. Các địa phương Vĩnh Long và Đồng Tháp nên báo cáo với Thường trực tỉnh uỷ để nếu cần thiết phải có nghị quyết về công tác giải phóng mặt bằng dự án và đưa cả hệ thống chính trị vào cuộc.
Về dự án cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ, ông Trần Văn Thi, Tổng giám đốc Tổng công ty đầu tư phát triển và quản lý dự án hạ tầng giao thông Cửu Long (Công ty Cửu Long), cho biết, điểm đầu của dự án tại km 107+363 (kết nối với dự án cầu Mỹ Thuận 2); điểm cuối của dự án tại km 130+337 tại nút giao Chà Và hiện tại (kết nối với QL1 hiện hữu). Chiều dài toàn tuyến khoảng 23km. Quy mô tuyến chính giai đoạn hoàn thiện là 6 làn xe cao tốc, chiều rộng nền là 32,25m; trong đó giai đoạn 1 đầu tư xây dựng với quy mô 4 làn xe, chiều rộng nền 17m.
Đối với công tác giải phóng mặt bằng (GPMB), phạm vi GPMB được thực hiện cho giai đoạn hoàn chỉnh với tổng khối lượng khoảng 154ha (trong đó Đồng Tháp 58ha; Vĩnh Long 96ha); giá trị GPMB khoảng 932 tỷ đồng (Đồng Tháp 127 tỷ đồng; Vĩnh Long 785 tỷ đồng), đã được phân bổ trong năm 2020 là 932 tỷ đồng.
Hiện nay, đơn vị tư vấn đã hoàn thành cắm cọc ngoài hiện trường được 14,4km/23km. Từ ngày 15/5, đã bắt đầu bàn giao cọc GPMB cho địa phương, đến nay đã bàn giao toàn bộ cọc GPMB cho tỉnh Đồng Tháp (10,5/10,5km), tỉnh Vĩnh Long đã bàn giao 1,5/12,5km, dự kiến đến hết tháng 5/2020 sẽ bàn giao xong.
Về khối lượng GPMB, có 826 hộ của TP Vĩnh Long, huyện Bình Tân, huyện Long Hồ và thị xã Bình Minh của tỉnh Vĩnh Long ảnh hưởng bởi dự án; đối với Đồng Tháp có 340 hộ của huyện Châu Thành.
Theo đại diện của tỉnh Vĩnh Long, đến nay đã hoàn thành công tác đăng ký kế hoạch sử dụng đất, đến ngày 25/4 đã công bố quy hoạch và chủ trương thu hồi đất được 2 địa phương là thị xã Bình Minh và huyện Bình Tân; còn hai TP Vĩnh Long và huyện huyện Long Hồ sẽ công bố vào ngày 25 và 28/5. Vĩnh Long đưa ra kế hoạch đến hết tháng 10/2020 sẽ bàn giao mặt bàng để triển khai dự án.
Về phía tỉnh Đồng Tháp, đã hoàn thành công tác đăng ký kế hoạch sử dụng đất, công bố quy hoạch và chủ trương thu hồi đất cũng như cắm cọc GPMB và bàn giao ngoài thực địa. Đồng Tháp cam kết đến tháng 11/2020 sẽ bàn giao mặt bằng cho chủ đầu tư.
Ông Trần Hoàng Tựu, Phó chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long cho rằng, với tầm quan trọng của dự án Cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ, địa phương sẽ cố gắng bám kế hoạch GPMB đã đề ra.
“Thời gian qua đã có sự chậm trễ nên sắp tới sẽ rút gọn thời gian nội nghiệp. Khi triển khai ra dân sẽ thực hiện cuốn chiếu để bàn giao mặt bằng đúng kế hoạch”, ông Tựu nói và đề nghị chủ đầu tư xem xét một số vấn đề liên quan đến khung chính sách như việc hỗ trợ đất lúa chưa đồng nhất giữa hai tỉnh Đồng Tháp và Vĩnh Long; xem xét điểm đấu nối 908 và đường Võ Văn Kiệt qua địa bàn Vĩnh Long và tiền chênh lệch giữa đền bù và tái định cư....
Ông Nguyễn Thanh Hùng, Phó chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp cho biết, đến thời điểm hiện tại công tác GPMB dự án cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ nhìn chung rất thuận lợi, chưa có gì vướng mắc nhiều, chỉ đề nghị Bộ GTVT xem xet lại khung chính sách của dự án để sớm bổ sung kinh phí cho công tác GPMB.
Đối với dự án cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ, Thứ trưởng Nguyễn Nhật đánh giá: “Các địa phương báo cáo không có vướng mắc nhiều trong công tác GPMB , tôi rất vui mừng. Tuy nhiên GPMB là công tác rất khó khăn, phức tạp nên các địa phương cố gắng đừng để ra sai sót, tránh các trường hợp người dân khiếu kiện... các địa phương cần hết sức thực tế và phải bám sát dân để xử lý các trường hợp, không để xảy ra sai sót, áp dụng không đúng quy định trong quá trình GPMB".
Thứ trưởng Nguyễn Nhật đề xuất Bộ GTVT và các cơ quan liên quan cùng địa phương sẽ họp giao ban mỗi tháng một lần để giải quyết công việc và kịp thời xử lý các khó khăn vướng mắc. Thứ trưởng cũng lưu ý những lần họp sau nên mới lãnh đạo các đơn vị quản lý hạ tầng kỹ thuật như điện, nước, cáp viễn thông... đến dự họp để nếu có vướng mắc sẽ giải quyết luôn.
Đối với đề xuất của hai địa phương, Thứ trưởng Nguyễn Nhật cho biết, Bộ GTVT sẽ tiếp thu trên tinh thần những vấn đề đã được phê duyệt theo dự án cũ sẽ tiếp tục triển khai thực hiện, các hạn mục bổ sung sẽ giao các cơ quan chuyên môn xử lý theo đúng quy định của pháp luật.
Đối với dự án cầu Mỹ Thuận 2 và dự án nâng cấp QL30 đoạn Cao Lãnh - Đồng Tháp hiện đang triển khai đúng tiến độ và không có vướng mắc lớn, Thứ trưởng Nguyễn Nhật đề nghị các bên liên quan triển khai theo đúng kế hoạch đã đề ra.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận