Vướng đất rừng tự nhiên
Sáng nay (3/4), hầm Sơn Triệu (gói thầu 11-XL, cao tốc Quy Nhơn - Chí Thạnh) chính thức thông ống hầm phải, vượt tiến độ 1 tháng. Nỗ lực của nhà thầu Sông Đà 10 tạo điểm nhấn thi công trên tuyến.
Tại các gói thầu 12-XL, 13-XL, các mũi thi công được nhà thầu Công ty CP Xây dựng 168 Việt Nam (chủ tịch hội đồng liên danh nhà thầu) và các đơn vị liên danh hối hả triển khai.
Đến nay, dự án đạt gần 27% tiến độ, nếu các vướng mắc mặt bằng được tháo gỡ dứt điểm trong tháng 4 này, các đơn vị sẽ thuận lợi hơn để bứt phá sản lượng thi công.
Thống kê Ban Quản lý dự án 85, thời gian qua 2 địa phương Bình Định, Phú Yên nỗ lực giải phóng mặt bằng, đạt trên dưới 97%. Tuy nhiên, các nhà thầu trên tuyến chỉ tiếp cận được khoảng 57km trong tổng số gần 60km, do nhiều vị trí "xôi đỗ".
Tương tự tại dự án cao tốc Hoài Nhơn - Quy Nhơn, dù Bình Định giải quyết đến 99% mặt bằng nhưng vướng mắc đất rừng ở đầu tuyến trở thành "nút thắt" thi công, cản tiến độ cả gói thầu XL11.
Ghi nhận hiện trường, nhiều tháng nay dàn thiết bị được huy động sẵn sàng triển khai, tuy nhiên mỗi ngày nhà thầu Tổng công ty Xây dựng Trường Sơn mới chỉ thi công các hạng mục cầu, cống...
Đại diện nhà thầu cho hay, gói thầu XL11 có chiều dài hơn 23km. Trong đó, đường găng lớn nhất của gói thầu là đoạn 2,46 Km (Km 18+640 - Km 21+100) khu vực rừng tự nhiên chưa được giải phóng, khiến toàn bộ nguồn đất, đá điều phối cho gói thầu XL11 chưa thể khơi thông.
Ngay tại đoạn tuyến Km 0 – Km 4, nhiều mũi thi công của nhà thầu cầm chừng vì thiếu đất đắp với tổng khối lượng khoảng 1 triệu m3 đang chờ thủ tục giải phóng đoạn rừng tự nhiên. Nhiều mũi thi công cấp phối đá dăm cũng gặp khó, vì nguồn đá điều phối 0,7 triệu m3 cho cả gói thầu đang nằm dưới khu vực đất rừng.
Lãnh đạo Tổng công ty Xây dựng Trường Sơn cho hay, kế hoạch phát động thi đua 80 ngày đêm trên công trường cao tốc Hoài Nhơn-Quy Nhơn chưa như kỳ vọng, bởi nguồn vật liệu đang bế tắc ở khu vực giải phóng đất rừng tự nhiên.
Theo ông Nguyễn Thanh Hoài, Giám đốc Ban Quản lý dự án 85, tuyến chính đi qua hơn 12ha rừng chưa được chuyển mục đích sử dụng (có khối lượng đào đất, phá đá khoảng 2,6 triệu m3). Để sớm tháo gỡ, Ban đã đề nghị Bộ GTVT tiếp tục có ý kiến với Bộ Tài nguyên và Môi trường sớm tổng hợp, trình các cấp có thẩm quyền để đẩy nhanh tiến độ chuyển mục đích sử dụng rừng.
Mặt bằng “xôi đỗ” cản tiến độ thi công
Tương tự, tại dự án cao tốc Vạn Ninh - Cam Lộ hiện còn nhiều vị trí chưa thể tiếp cận thi công do vướng mặt bằng. Đáng kể, tại cầu vượt đường tỉnh 75 thuộc gói thầu XL02 đoạn qua xã Gio An (huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị), mặt bằng để thi công cây cầu 7 nhịp 33m chưa được địa phương bàn giao.
Cách đó không xa, công trình cầu vượt đường tỉnh 75 trên tuyến cũng chưa thể thi công các mố trụ, gác dầm… do vướng nhà dân.
Ông Thái Anh Giang, chỉ huy trưởng gói thầu xây lắp XL02 cho biết, toàn tuyến của nhà thầu Trường Thịnh thi công được bàn giao hơn 15km, còn lại 5km chưa bàn giao. Mặt bằng xôi đỗ khiến công địa thi công không liên tục, khó đẩy tiến độ.
Theo Ban Quản lý dự án đường Hồ Chí Minh, các địa phương đặt mục tiêu bàn giao mặt bằng từ cuối tháng 3/2024, nhưng đến nay mới chỉ đạt gần 85%. Trong đó, mặt bằng đủ điều kiện để thi công khoảng 80%.
Đến nay, cao tốc Vạn Ninh – Cam Lộ đạt sản lượng hơn 1.700/5.600 tỷ đồng, đạt 31% giá trị các hợp đồng, vượt 0,27% tiến độ. Nếu các địa phương không sớm bàn giao đủ 100% mặt bằng sạch cho dự án trong tháng 4/2024, việc phải hoàn thành dự án trước 30/6/2025 sẽ gặp rất nhiều khó khăn.
Để đảm bảo tiến độ, Ban đã đề nghị lãnh đạo UBND tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị chỉ đạo các địa phương, ngành chức năng đẩy nhanh công tác giải phóng mặt bằng, tái định cư, di dời các công trình hạ tầng kỹ thuật để sớm bàn giao nốt số mặt bằng còn lại.
Tăng tốc nhờ thông mặt bằng
Trong khi đó, tình hình khả quan hơn tại dự án Vân Phong - Nha Trang. Kỹ sư Nguyễn Thanh Đông, chỉ huy thi công của Tập đoàn Sơn Hải cho biết, đơn vị đang vào cao điểm thảm bê tông nhựa sau khi hoàn thành nền móng tại các vị trí đã được bàn giao mặt bằng sớm. Đến nay, Sơn Hải đã hoàn thành gần 20km trong tổng số gần 22km.
Theo đại diện Tập đoàn Sơn Hải, thời gian qua địa phương tích cực vào cuộc giải phóng mặt bằng, bàn giao công địa nên việc triển khai thuận lợi. Các vướng mắc còn lại không lớn. Đến nay có khoảng 10km đã được làm xong dải phân cách giữa.
Theo lãnh đạo Ban Quản lý dự án 7 (chủ đầu tư dự án), cao tốc Vân Phong- Nha Trang đang chạy đà tiến độ tốt nhờ thuận lợi mặt bằng cùng nỗ lực các đơn vị triển khai dự án. Đến nay, tỉnh Khánh Hòa đã bàn giao mặt bằng được 83km, đạt 99,7%. Số ít còn lại vướng mặt bằng và hạ tầng kỹ thuật chưa di dời.
Các nhà thầu đã tranh thủ mặt bằng, thời tiết thuận lợi huy động 42 mũi thi công với gần 1.900 nhân lực và gần 950 thiết bị trên công trường. Sản lượng toàn dự án thực hiện tới nay đạt hơn 3.230 tỷ đồng (tương đương hơn 45% hợp đồng), vượt hơn 2,7% so với kế hoạch đã điều chỉnh.
Theo ông Đặng Văn Dũng, Giám đốc điều hành dự án cao tốc Vân Phong – Nha Trang, thời gian qua ban đã huy động thêm nhân lực để đẩy nhanh tiến độ giải ngân, công tác nội nghiệp để hỗ trợ tối đa cho nhà thầu...
Đồng thời, chủ đầu tư đã đề nghị địa phương khẩn trương thu hồi đất bổ sung đối với phần diện tích điều chỉnh; đề nghị thị xã Ninh Hòa và huyện Vạn Ninh chỉ đạo các đơn vị ưu tiên đẩy nhanh di dời 7 vị trí điện cao thế, trung, hạ thế để bàn giao mặt bằng cho nhà thầu.
Theo ông Võ Văn Hưng, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị, hiện nay Quảng Trị đang tập trung giải quyết tháo gỡ các vướng mắc khó khăn để chậm nhất trong tháng 4/2024 phải bàn giao 100% mặt bằng cho chủ đầu tư và đơn vị thi công.
Tỉnh đã giao cơ quan thường trực Ban chỉ đạo GPMB tỉnh phối hợp với các địa phương rà soát từng trường hợp vướng mắc cụ thể, thẩm quyền thuộc cấp nào, ngành nào thì các ngành, đơn vị chủ động thực hiện để đẩy nhanh tiến độ, đảm bảo kế hoạch đã đề ra.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận