Hành lang pháp lý kiểm soát E&P đang bộc lộ nhiều điểm bất cập |
Bộc lộ nhiều bất cập
Theo các chuyên gia, hoạt động thăm dò khai thác dầu khí (E&P) đang phải đối mặt với rất nhiều khó khăn như: Rủi ro địa chất ngày càng cao; Chi phí tăng cao; Thủ tục phê duyệt dự án phát triển mỏ còn bất cập kéo theo tiến độ thực hiện dự án chậm so với kế hoạch; Giá dầu liên tục giảm trong những năm gần đây làm giảm hiệu quả kinh tế của các dự án khiến nhiều nhà thầu hoàn trả diện tích…
Trong khi đó, hành lang pháp lý kiểm soát E&P đang bộc lộ nhiều điểm bất cập. Nổi cộm nhất là quy định về thu hút đầu tư, quy trình thủ tục đầu tư và cơ chế tài chính và thu xếp vốn. Cụ thể, với các dự án dầu khí thuộc vùng nước sâu, xa bờ nói chung và những khu vực có điều kiện đặc biệt khó khăn, nhạy cảm, mới chỉ có chính sách khuyến khích, chưa có tiêu chí kỹ thuật xác định dự án và các ưu đãi; chưa có các quy định cụ thể, rõ ràng cho việc chuyển nhượng…
Đối với các dự án dầu khí ở nước ngoài, Luật Đầu tư 2014 chỉ quy định thẩm quyền cho việc quyết định chủ trương/quyết định đầu tư ra nước ngoài. Tuy nhiên, hoạt động thăm dò khai thác dầu khí là hoạt động rủi ro, việc quyết định chuyển nhượng, tái cấu trúc hoặc kết thúc dự án…đúng lúc, đúng thời điểm là hết sức quan trọng nhưng không được Luật quy định, cấp có thẩm quyền nên sẽ lúng túng trong việc thực hiện và doanh nghiệp khó có thể đáp ứng đúng. Đồng thời, Luật Đầu tư cũng quy định đòi hỏi mọi thay đổi về địa điểm, mục tiêu, quy mô, vốn đầu tư, nguồn vốn, tiến độ… đều phải thực hiện điều chỉnh Giấy chứng nhận đầu tư ra nước ngoài. Trong khi dự án dầu khí là dự án rủi ro có tính mở tương đối nên nhà đầu tư khó có thể hoạch định được chính xác 100% trong giai đoạn tiền đầu tư. Quy định hạn mức phê duyệt đầu tư thấp nên nhiều dự án phải mất thêm thời gian xin phép Thủ tướng chấp thuận chủ trương đầu tư; công tác xin cấp Giấy chứng nhận đầu tư/Giấy chứng nhận đầu tư điều chỉnh kéo dài, đặc biệt đối với đầu tư ra nước ngoài, dẫn đến vướng khi phải đáp ứng thời hạn nộp hồ sơ dự thầu hoặc thời hạn góp vốn của dự án…
Liên quan tới cơ chế tài chính và thu xếp vốn, một số dự án đầu tư được triển khai trên cơ sở Hợp đồng dầu khí, nhưng chưa được phê duyệt quyết định đầu tư theo quy định hoặc đã giải ngân vượt mức đã được phê duyệt theo quy định liên quan đến đầu tư. Một số hợp đồng dầu khí đang do PVN và PVEP (Công ty con của PVN) cùng tham gia đầu tư nên việc vận dụng quy định về tài chính của Nhà nước có nhiều vướng mắc…
Xây dựng cơ chếưu đãi cho dự án E&P trong và ngoài nước
Việc sửa đổi, bổ sung các bất cập trên được cho là yêu cầu cấp thiết để kịp thời hỗ trợ hoạt động E&P, đảm bảo nhiệm vụ an ninh năng lượng. Do đó, Viện Dầu khí Việt Nam kiến nghị Nhà nước xem xét: Xây dựng tiêu chí, mức độ ưu đãi rõ ràng, công khai với các dự án nước sâu, xa bờ, điều kiện khó khăn, nhạy cảm; Xây dựng cơ chế chính sách ưu đãi đầu tư cho các dự án dầu khí để khuyến khích nhà thầu với các tiêu chí cụ thể rõ ràng trong xác định, phân loại đối tượng ưu đãi và các điều khoản ưu đãi phù hợp hơn. Ngoài ra, cũng cần điều chỉnh các quy định trong hợp đồng dầu khí mẫu theo hướng vẫn đảm bảo quyền lợi Nhà nước nhưng tăng tính hấp dẫn, đảm bảo ổn định quyền lợi, đối xử bình đẳng cho các nhà thầu khi tiến hành thăm dò, khai thác dầu khí tại Việt Nam.
Liên quan tới quy định về quy trình thủ tục đầu tư, các chuyên gia kiến nghị Bộ Công thương và Bộ Kế hoạch - Đầu tư làm rõ nội dung quyết định chủ trương đầu tư, các cấp thẩm quyền liên quan áp dụng cho các dự án dầu khí trong nước; thống nhất và ban hành văn bản hướng dẫn về trình tự thủ tục đầu tư dự án ở cả 2 khâu xin chấp thuận chủ trương và ký và triển khai hợp đồng dầu khí; hoàn thiện các quy định, quy trình thủ tục trong quản lý đầu tư các dự án dầu khí đảm bảo rõ ràng, cụ thể và tối ưu hoá quy trình.
Với những bất cập về cơ chế tài chính và thu xếp vốn, kiến nghị Nhà nước cho phép PVEP/PVN được trích Quỹ rủi ro Tìm kiếm thăm dò bằng 30% lợi nhuận sau thuế của PVEP/PVN (trích tại PVEP/PVN) và được dùng chung cho tất cả các dự án thăm dò của PVEP/PVN; xem xét tăng tỷ lệ trích quỹ đầu tư phát triển để đảm bảo nguồn vốn cho hoạt động tái đầu tư…
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận