Thời sự

Cấp bách tinh gọn bộ máy, giảm biên chế “cứu” ngân sách

22/02/2018, 09:31

Để có bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu quả, trước hết cần xác định rõ trách nhiệm của người đứng đầu...

bien-che

Hình minh họa

Hiếm có nước nào trên thế giới chi thường xuyên cho bộ máy chính trị lên tới hơn 65% tổng thu ngân sách (trong đó phần lớn là chi lương). Đây là một trong những nguyên nhân làm nghèo đất nước. Theo tinh thần của hai nghị quyết Trung ương 6 khóa XII, từ nay đến năm 2021 phải tinh giản 10% biên chế hành chính, giai đoạn 5 năm tiếp theo (2021 - 2025) giảm thêm 10%; đến năm 2021 giảm 10% đầu mối đơn vị sự nghiệp hưởng lương ngân sách, phấn đấu nâng số đơn vị tự chủ tài chính lên 10%. Cách nào thực hiện được các mục tiêu trên?

Báo Giao thông ghi nhận ý kiến một số chuyên gia xung quanh vấn đề này.

21

Trưởng ban Tổ chức T.Ư Phạm Minh Chính

Trưởng ban Tổ chức T.Ư Phạm Minh Chính:

Tổ chức, biên chế ngày càng phình to

30 năm qua, chúng ta đổi mới kinh tế đi đôi với đổi mới hệ thống chính trị, góp phần thúc đẩy đất nước phát triển trên mọi mặt. Tuy nhiên, tổ chức bộ máy còn cồng kềnh, nhiều tầng nấc, nhiều đầu mối, nhất là số đầu mối bên trong của các cơ quan trong hệ thống chính trị ngày càng phình ra, hiệu lực hiệu quả chưa đáp ứng yêu cầu.

Theo số liệu thống kê, cả nước có 42 tổng cục, tăng 2 lần so năm 2011; có 826 cục, vụ thuộc các tổng cục, tăng 4,7%; 7.280 phòng trong tổng cục, tăng 4,7% so với 2011; 750 vụ cục và tương đương thuộc bộ, tăng 13,6%; 3.970 phòng trực thuộc bộ, tăng 13% so với 2011. Số liệu này chưa kể quân đội và công an.

Về đơn vị hành chính cấp địa phương, năm 1986 chỉ có 44 đơn vị hành chính cấp tỉnh nhưng đến nay đã tăng thành 63 đơn vị cấp tỉnh. Như vậy, sau 30 năm đổi mới, cả nước đã tăng thêm 19 tỉnh, tăng 178 huyện, 1.136 xã…

Bên cạnh đó, thực tế hiện nay chúng ta có quá nhiều người hưởng lương từ ngân sách, tính đến 1/3/2017, có khoảng 4 triệu người, chưa tính lực lượng quân đội và công an. Đặc biệt, sau 2 năm thực hiện Nghị quyết 39 về tinh giản bộ máy thì số người hưởng lương, phụ cấp không giảm mà tăng lên. Theo Nghị quyết 39, mỗi năm ta phải tinh giản 70.000 người, sau 2 năm thực hiện phải giảm 140.000 - 150.000 người nhưng thực tế không giảm được mà còn tăng thêm 96.000 người. Đây là một mâu thuẫn.

Về số lượng lãnh đạo, cấp phó, đang có tình trạng lạm phát, thế nhưng nhiều nơi lại không đủ cấp phó để đi họp. Từ thực tế đó, chúng ta phải đổi mới đồng bộ cơ chế vận hành, tổ chức bộ máy, cán bộ. Cán bộ phải tốt, cơ chế vận hành linh hoạt, giảm các cuộc họp… thì lúc đó mới giảm cấp phó được. Đổi mới, tổ chức lại bộ máy bởi thế đang trở nên cấp bách hơn bao giờ hết.

22

 

Thường trực Ủy ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội Lê Thanh Vân:

Quy định cứng số lượng cấp phó

Từ năm 2011 đến nay, đã có 29 cục được thành lập. Việc tăng số lượng cục trong bộ đã dẫn đến tổ chức thêm nhiều đơn vị cấp phòng trong cục, trong 5 năm tăng 180 đơn vị. Cơ cấu tổ chức bộ, cơ quan ngang bộ quá nhiều đầu mối, đã làm cho số lượng công chức giữ vị trí quản lý từ cấp phòng trở lên rất lớn, mất cân đối giữa số lượng người được giữ chức danh lãnh đạo với số lượng công chức tham mưu. Tỷ lệ trung bình lãnh đạo trên công chức ở nhiều tổng cục là 1/5; các cục, vụ là 4/7. Vì thế, mới có câu chuyện có nơi lãnh đạo nhiều hơn nhân viên như báo chí phản ánh.

Qua giám sát, nhiều ý kiến đề nghị trên cơ sở số biên chế hiện có, các đơn vị phải sắp xếp lại theo tiêu chí cụ thể như phòng tối thiểu 7 biên chế chỉ có một lãnh đạo là trưởng phòng, từ 8 biên chế trở lên mới được thêm phó phòng; vụ phải có tối thiểu 15 biên chế, lãnh đạo là vụ trưởng và không quá 3 vụ phó; cục tối thiểu 50 biên chế; tổng cục phải có ít nhất 5 cục, vụ trực thuộc... Tôi cho rằng, nếu quy định khung số lượng đầu mối, số lượng cấp phó, biên chế sẽ giúp chống lạm phát đơn vị tổ chức và lạm phát lãnh đạo.

23

 

Chuyên gia Ban Tổ chức T.Ư Nguyễn Đức Hà:

Thực hiện tốt sẽ “ra tiền, ra gạo”

Lần này Nghị quyết T.Ư thẳng thắn cho rằng, dù qua nhiều lần sắp xếp tổ chức bộ máy, qua nhiều lần tinh giản biên chế và kiện toàn nhưng chúng ta vẫn chưa đạt mục tiêu. Một bất cập khác được T.Ư thẳng thắn chỉ ra là những người hưởng lương và hưởng phụ cấp từ ngân sách Nhà nước quá lớn, tạo áp lực vô cùng nặng nề.

Những yếu kém nêu trên do cả nguyên nhân khách quan và chủ quan. Khách quan vì tổ chức, sắp xếp bộ máy là vấn đề lớn, không mới nhưng nhạy cảm, đụng chạm lợi ích của tổ chức, cá nhân nên không dễ thực hiện. Chủ quan vì chúng ta chưa xây dựng, chưa hình dung, thiết kế được được mô hình tổng thể về mặt tổ chức của cả hệ thống chính trị...

Đặc biệt, chúng ta cũng chưa có cơ chế khen thưởng những người làm tốt, chưa có chế tài xử lý nghiêm người làm kém nên cuối cùng dẫn đến “hòa cả làng”.

Hiện nay, chúng ta đang có 724 xã không đạt 50% tiêu chí về diện tích tự nhiên và dân số. Vì vậy, mục tiêu đặt ra là những xã, thôn bé nhỏ quá thì nhập lại để tăng nguồn lực và giảm kinh phí, giảm được chi thường xuyên. Bên cạnh đó, giảm được số lượng lãnh đạo cấp phó, số lượng cấp ủy ở xã, huyện, tỉnh và cả T.Ư... sẽ giảm được xe, trụ sở, phụ cấp và rất nhiều thứ khác. Theo tính toán, riêng với đại biểu HĐND xã, huyện, tỉnh, nếu mỗi cấp giảm đi mấy người, và trong một thời gian giảm được tỷ lệ thích hợp thì một năm, riêng tiền phụ cấp cho các Ủy viên, đại biểu HĐND này có thể tiết kiệm cả nghìn tỷ đồng. Vì thế, nếu thực hiện tốt nghiêm túc Nghị quyết T.Ư thì sẽ “ra tiền, ra gạo”.

24

 

Nguyên Phó ban Tổ chức T.Ư Nguyễn Đình Hương:

Phải xác định rõ trách nhiệm người đứng đầu

Để có một bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu quả thì trước hết cần xác định rõ trách nhiệm của người đứng đầu từng đơn vị. Dù tổ chức của chúng ta là bộ đa ngành, đa lĩnh vực nhưng phải dứt khoát quan điểm một việc chỉ giao cho một cơ quan, tổ chức chủ trì thực hiện và chịu trách nhiệm chính, không thể chấp nhận tình trạng như lâu nay, hễ có việc gì là không quy được trách nhiệm cho ai.

Bất cập lớn nhất trong tổ chức bộ máy hiện nay là chúng ta vẫn cơ cấu các Bộ theo mô hình truyền thống, gồm: Tổng cục, cục, vụ, văn phòng, thanh tra, đơn vị sự nghiệp công lập; trong tổng cục cũng có cục, vụ, văn phòng; trong cục, vụ, văn phòng có các chi cục, phòng, ban... Mô hình này tạo ra rất nhiều tầng nấc bên trong bộ, cơ quan ngang bộ. Vì thế, một nội dung để báo cáo lên được cấp Bộ trưởng phải qua rất nhiều khâu, nhiều quy trình. Tương tự, một chỉ đạo từ Bộ trưởng xuống đến người trực tiếp thực hiện cũng phải trải qua nhiều tầng nấc, làm cho việc xử lý mất nhiều thời gian.

Tinh giản biên chế là cần thiết, việc này “còn gian nan lắm”, mà gian nan nhất là vì động chạm đến con người, tôi nghĩ rằng, “tinh giản biên chế thậm chí còn khó hơn cả chống tham nhũng”. Để thực hiện được mục tiêu này, cả hệ thống chính trị cần phải quyết tâm, chủ trương đã có nên quan trọng nhất là cách thức triển khai và sự quyết liệt của những người đứng đầu. Cần quy định gắn trách nhiệm với người đứng đầu các cơ quan đơn vị, nơi nào triển khai tốt thì khen thưởng, nơi nào không thực hiện hoặc thực hiện không tốt phải kỷ luật.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.