Mọi người dìu chị lên xe, ngồi ở ghế trước, tiếp tục cuộc hành trình. Không ai ngờ được chỉ ít lâu sau, chị gục xuống và ra đi trong tư thế ngồi đó, khiến mọi người bàng hoàng, đau đớn...
Hình ảnh Trung úy Thái Ngô Hiếu cứu 4 người đuối nước ở Bà Rịa - Vũng Tàu hồi tháng 4/2022
Giải thích về điều này, các chuyên gia hàng đầu về cấp cứu cho biết có thể chị đã bị gãy đốt sống cổ. Nếu những người đi cùng biết cách sơ cứu, để chị nằm thẳng, rồi cố định cổ bằng nẹp, đưa đến bệnh viện rất có thể chị còn cơ hội sống.
Thực tế là lâu nay, việc cấp cứu ngoại viện vẫn bị bỏ ngỏ. Có vẻ như ngành Y tế chưa đánh giá đúng tầm quan trọng của nó đối với tính mạng người dân.
Vì thế, mỗi năm, cả nước có khoảng chục nghìn người tử vong do TNGT, mà theo các bác sĩ, nhiều nạn nhân không được người có mặt cấp cứu kịp thời và đúng cách. Có người cứ để chờ nhân viên y tế hay công an đến đưa đi, có người lại xốc vội bệnh nhân ngồi lên, đưa đến bệnh viện…
Nếu những người có mặt có kiến thức sơ cứu, biết đâu nhiều nạn nhân đã sống sót, hoặc được cứu sống mà không phải chịu di chứng cả đời.
Nhiều người hẳn còn nhớ hình ảnh Trung úy Thái Ngô Hiếu cứu 4 người đuối nước ở Bà Rịa - Vũng Tàu hồi tháng 4.
Khi đưa được nạn nhân lên bờ, rất nhiều người vây quanh nhưng tất cả chỉ biết trông chờ một mình Trung úy Hiếu. Anh đã rất mệt nhưng không có người hỗ trợ, phải lần lượt ép tim, hô hấp nhân tạo cho từng người. Nếu chỉ chậm chút xíu, hẳn sẽ có người tử vong.
Con số thống kê của ngành Y tế cho thấy có tới 50% trường hợp ngừng tuần hoàn ngoại viện liên quan đến loạn nhịp tim và ngừng tim.
Yêu cầu phải được cấp cứu trong vòng 3 phút đầu tiên thì không thể gọi bác sĩ hay máy bay trực thăng cấp cứu kịp.
Trong khi đó, việc phổ biến kiến thức cấp cứu ở ta chưa nhiều người biết. Mặc dù cũng thấy Bệnh viện Việt Đức, Bệnh viện Bạch Mai từng tổ chức hướng dẫn sơ cứu cho người nhà bệnh nhân, rất hữu ích, nhưng quy mô và phạm vi còn rất nhỏ.
Hiểu rõ được hậu quả của việc không được cấp cứu kịp thời, từ 25 năm trước, GS. Nguyễn Gia Bình - Chủ tịch Hội Hồi sức cấp cứu và Chống độc Việt Nam đã đề nghị đưa hoạt động cấp cứu tại chỗ vào Luật Khám chữa bệnh, nhưng chưa được quan tâm.
Trong khi, từ năm 1966, Bộ Giao thông vận tải Hoa Kỳ đã ban hành Bộ luật An toàn trên đường cao tốc, yêu cầu lái xe phải biết cấp cứu tại chỗ.
Chắc cũng thấy những vụ TNGT tỉ lệ thuận với sự phát triển của hệ thống cao tốc, nên các nước Asean như: Philippin, Thái Lan, Singapore, Indonesia… đều đã đưa cấp cứu ngoại viện vào luật, nhằm giảm thiểu tử vong.
Dù muộn, nhưng giờ đây, Bộ Y tế Việt Nam đã đưa hoạt động cấp cứu ngoại viện vào dự thảo Luật Khám chữa bệnh (sửa đổi) để trình Quốc hội thông qua trong kỳ họp khai mạc cuối tháng 10 này.
Điều này sẽ mở đường để chúng ta có Nghị định và Thông tư hướng dẫn về cấp cứu ngoại viện, biết đâu chương trình sơ cứu sẽ được đưa vào trường học đồng nghĩa với việc sẽ có nhiều người được cứu sống hơn, để những đau thương giảm thiểu và nhiều gia đình không bị khuyết thiếu.
Thanh Hằng
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận