Thoát nạn nhờ được sơ cấp cứu đúng
Cách đây chừng nửa năm, trên đường đi làm về, chị Nguyễn Thùy Linh (Hà Nội) bất ngờ bị tai nạn. May mắn ngay sau đó, chị được một nhóm các bạn trẻ trong đội cứu hộ tự phát sơ cứu và liên lạc với 115, chuyển đến cấp cứu bệnh viện.
"Khi vào viện các bác sĩ nói mình bị chấn thương vùng đốt sống lưng và gãy chân, nhưng được sơ cứu đúng cách với nẹp cố định nên giúp ổn định tránh phần chấn thương bị biến chứng trong quá trình di chuyển đến bệnh viện", chị Linh kể.
Theo GS.TS Nguyễn Gia Bình, Chủ tịch Hội Hồi sức cấp cứu và chống độc Việt Nam, thực tế, kiến thức trong việc sơ cấp cứu TNGT của người dân và cả người điều khiển phương tiện vẫn còn rất hạn chế. Những kỹ năng sơ cứu cơ bản như cầm máu, nẹp chân, hô hấp nhân tạo, thậm chí vài cái ấn tay vào lồng ngực cũng có thể cứu sống được một mạng người. Nhưng hầu hết vẫn cho rằng đó là phần việc của nhân viên y tế.
Từ các nghiên cứu trên thế giới đã cho thấy 50% số nạn nhân thường tử vong do chấn thương xảy ra tức thì tại nơi gặp tai nạn, 30% xảy ra trong 3-4 giờ sau đó và chỉ có 20% xảy ra trong giai đoạn điều trị ở bệnh viện.
Nhiều nghiên cứu cho thấy tỷ lệ tử vong có thể giảm từ 15-20% nếu công tác sơ cấp cứu được làm đúng và kịp thời cấp cứu người bị nạn và đưa đến các cơ sở y tế là một trong những biện pháp để khắc phục hậu quả đáng tiếc của tai nạn.
Còn theo TS. BS Trần Chí Cường, Chủ tịch Hội Can thiệp thần kinh TP Hồ Chí Minh, đối với những trường hợp người bị tai nạn hoặc bị vấn đề bệnh lý ngưng tim đột ngột thì sơ cứu trong những "phút vàng" đầu tiên được xem là rất quan trọng, giúp bệnh nhân thoát qua "cửa tử".
Tuy nhiên, trong những trường hợp nếu người bị nạn được sơ cứu nhưng không đúng cách sẽ dẫn tới nguy cơ càng trầm trọng hơn, thậm chí để lại hậu quả vô cùng đáng tiếc. Vậy nên việc phổ cập những kiến thức sơ cứu tai nạn thương tích đến cho mọi người là điều vô cùng cần thiết trong xã hội hiện nay.
Cấp cứu ngoại viện rất quan trọng
GS Nguyễn Gia Bình cho rằng, trong cuộc sống, các tai nạn sinh hoạt, TNGT có thể xảy ra bất kỳ lúc nào và cần phải cấp cứu ngay lập tức và tại chỗ, nhất là các biến chứng nặng như ngừng tuần hoàn, ngừng thở. Bởi vì chỉ sau 10 giây, não thiếu oxy, con người sẽ giảm ý thức và dẫn đến hôn mê…
Hiện nay, Việt Nam có hệ thống cấp cứu 115. Tuy nhiên, đa số người dân chưa coi trọng các kỹ năng cấp cứu tại chỗ cần thiết mà cho rằng công việc cấp cứu chỉ dành cho nhân viên y tế.
Mỗi người cần phải có nhận thức đầy đủ, nhận biết tầm quan trọng của sơ cấp cứu và tự trang bị cho mình kỹ năng sơ cấp cứu. Trong những tình huống tai nạn bất chợt xảy ra thì sẽ tự cứu mình hoặc giúp cho mọi người.
Theo GS Gia Bình, cấp cứu ngoại viện là hành động cấp cứu ở ngoài khu vực bệnh viện như cơ quan, công sở, trường học, các khu du lịch, nhà máy, khách sạn… và được thực hiện bởi những người gần mình nhất, người chứng kiến sự việc và có kỹ năng cấp cứu ban đầu.
Do đó, việc phát triển hệ thống cấp cứu ngoại viện có vai trò quan trọng giúp giảm thiểu nguy cơ tử vong và giảm mức độ thương tật cho người bệnh, đặc biệt đối với các trường hợp nguy kịch. Từ đó, giảm gánh nặng bệnh tật và tài chính cho mỗi cá nhân, gia đình và xã hội.
"Theo dự thảo của Luật Khám, chữa bệnh đã đưa vào mục cấp cứu ngoại viện. Hy vọng sau khi có luật, chúng ta sẽ triển khai tiếp nghị định quy định về cơ cấu tổ chức, quy mô hoạt động, kinh phí… rồi các thông tư về đào tạo, hướng dẫn thực hành nghề, thì chúng ta sẽ sớm có hệ thống cấp cứu ngoại viện. Điều đó sẽ giúp hoạt động y tế ngoài cộng đồng hiệu quả hơn với giá thành rất thấp", ông Bình chia sẻ.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận