Cần có sự liên thông, kết nối giữa các Bộ
Sáng nay (14/3), Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng - Tổ trưởng Tổ công tác của Thủ tướng chủ trì buổi làm việc với các Bộ, ngành liên quan đến việc thực hiện Nghị quyết 01 (về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2019) và 02 (về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2019 và định hướng đến năm 2021).
Trong cuộc làm việc, Tổ trưởng Tổ công tác Thủ tướng nhắc đến việc liên thông dữ liệu giữa các Bộ, ngành, trong đó có việc liên thông trong cấp, đổi GPLX.
Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông cho biết việc này đã được quy định rất rõ, nếu mất GPLX thì thủ tục cấp lại thế nào, Bộ GTVT có liên thông với Bộ Công an từ năm 2012 để làm hệ thống quản lý bằng lái xe, nhưng công an chưa chia sẻ.
Theo cơ chế, Thứ trưởng Đông cho biết khi anh xử phạt chỉ cần gửi mã biên bản phạt, sau đó chỉ với điện thoại thông minh cũng có thể xem được tình trạng GPLX của bất cứ ai, xem người đó bị phạt thế nào, tịch thu GPLX trong bao lâu.
“Bộ GTVT đã rất nỗ lực, nhưng rất tiếc việc này vẫn chưa kết nối được” - Thứ trưởng Đông báo cáo.
Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết theo chỉ đạo của Thủ tướng, quý 4/2019 sẽ khai trương Cổng dịch vụ công quốc gia, theo đó sẽ tích hợp và toàn bộ thông tin công khai hết.
“Ví dụ, tôi đi xe mà vi phạm và công an giữ bằng lái xe, tôi về khai báo mất thì sẽ lộ ra ngay việc tôi vừa bị phạt chứ không phải mất” - ông Dũng dẫn chứng và cho biết tới đây sẽ kết nối với nhau và công khai toàn bộ trên mạng hết, chỉ cần truy xuất ra là biết ngay.
Trước đó, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể ký ban hành văn bản yêu cầu Tổng cục Đường bộ VN khẩn trương đề xuất giải pháp siết chặt quản lý, nâng cao chất lượng đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe (GPLX). Bà Phan Thị Thu Hiền, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam cũng cho biết, có việc hàng chục nghìn GPLX bị tạm giữ nhưng người dân không đến nhận GPLX. Nhiều người có GPLX đã bị thu giữ nhưng cố tình gian dối để đến cơ quan cấp GPLX xin cấp lại do phí cấp đổi chỉ có 135.000 đồng.
Ngoài ra, cũng có nhiều người cố tình khai báo, báo mất để xin cấp lại GPLX nhằm sử dụng nhiều GPLX không đúng mục đích. Chính vì vậy, Bộ GTVT đã chỉ đạo Tổng cục Đường bộ VN nghiên cứu có chế tài xử lý đối với những trường hợp này.
Phải quyết liệt triển khai công trình trọng điểm quốc gia, thu phí tự động
Báo cáo với Tổ công tác, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông cho biết, với Nghị quyết 01, Bộ GTVT không được giao nhiệm vụ cụ thể nhưng Bộ đã sớm ban hành chương trình hành động để thực hiện nhiệm vụ của ngành, đóng góp vào phát triển chung, phấn đấu hoàn thành xây dựng 100% văn bản pháp luật đúng hạn, phấn đấu tăng trưởng vận tải hành khách duy trì ở mức 6-7% và 8-9% về hàng hoá.
Về kế hoạch đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng, phấn đấu giải ngân hết phần vốn dự kiến là 28.912 tỷ, Thứ trưởng Đông cho hay, đến thời điểm này, Bộ GTVT đã giao theo kế hoạch khoảng 82%, chỉ có 2 vướng mắc và Bộ đã báo cáo Thủ tướng.
Theo Thứ trưởng Bộ GTVT, giải ngân 2 tháng đầu năm cũng đạt khoảng 17% - cao hơn cùng kỳ năm trước.
Với Nghị quyết 02, Thứ trưởng Đông cho biết Bộ GTVT có một nhiệm vụ là nâng xếp hạng nhóm chỉ số hạ tầng trong bảng xếp hạng năng lực cạnh tranh toàn cầu từ 3-5 bậc, năm 2019 ít nhất 1 bậc.
“Chúng tôi đã triển khai bước đầu nhưng rất khó, Bộ đang làm việc với các tổ chức xem họ đánh giá hạ tầng giao thông riêng hay hệ thống hạ tầng chung, sau đó mới hướng dẫn tập trung nâng cao phát triển phần đó” - Thứ trưởng Đông thông tin.
Tổ trưởng Tổ công tác của Thủ tướng lưu ý Bộ GTVT cần đặc biệt quan tâm đến các công trình trọng điểm quốc gia như sân bay Long Thành, cao tốc Bắc - Nam, trong đó chú ý việc giải ngân vốn, công tác giải phóng mặt bằng hay thực hiện các thủ tục đầu tư.
Cùng với đó, cần quyết liệt triển khai thu phí điện tử tự động không dừng, vì nếu làm được việc này sẽ công khai, lợi cho dân cho nước.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận